Đại diện UNHCR chỉ trích chính sách của Australia

  • Ngọc Hân

Ngoại trưởng Bob Carr.

Your browser doesn’t support HTML5

Nghe bài tường trình


Ông Richard Towle, Đại diện Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR tại Australia vừa lên tiếng chỉ trích chính sách của Thủ Tướng Julia Gillard trong việc giam giữ vô hạn định thuyền nhân tầm trú, trong khi Ngoại trưởng Bob Carr công du Sri Lanka để thảo luận hợp tác song phương nhằm giảm bớt số lượng công dân Sri Lanka vượt biển đến Úc Châu.

Kể từ tháng 8 năm nay, khi Australia bắt đầu áp dụng Giải Pháp Thái Bình Dương đợt 2, làn sóng thuyền nhân tầm trú vẫn không thuyên giảm mà còn gia tăng đáng kể – đặc biệt là từ Sri Lanka.

Giải pháp Thái Bình Dương đợt 2 là đề nghị của một Ủy Ban Chuyên Viên do cựu Đại tướng Angus Houston cầm đầu và được chính phủ Julia Gillard chấp nhận với hi vọng có thể kiểm soát được làn sóng thuyền nhân từ Trung Đông, như Afghanistan, Iran và Iraq và Nam Á, như Sri Lanka và Miến Điện.

Mặc dù, theo nhận xét của ông Richard Towle, chế độ giam giữ thuyền nhân tầm trú tại Đảo quốc Nauru và Đảo Manus của Papua New Guinea rất khắc nghiệt, Giải pháp Thái Bình Dương đợt 2 đã thất bại, vì không làm giảm được nhân số tầm trú bằng đường biển đến Úc Châu.

Bởi vậy, Ngoại trưởng Úc, Nghị sĩ Bob Carr đã lên đường đi Sri Lanka hồi cuối tuần để thảo luận các biện pháp song phương với chính phủ Colombo và thăm viếng các căn cứ Hải Quân địa phương. Tại căn cứ hải quân phía nam Thủ đô Colombo, ông Bob Carr đã trực tiếp gửi một thông điệp đến những ai đang chuẩn bị vượt biển từ Sri Lanka:

"Các bạn có thể mất mạng, các bạn có thể mất tiền, nhưng sau cùng rồi thì các bạn sẽ bị gửi trả về Sri Lanka.”

Hôm nay Thứ Hai, tại phiên họp đầu tiên của Liên ủy ban Australia-Sri Lanka về Nạn Buôn Người và Tội Phạm Xuyên Quốc Gia, do Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka chủ tọa, ông Bob Carr đưa ra đề nghị 4 điểm.

Thứ nhất là chia sẻ thông tin và tình báo mà Canberra sẽ viện trợ cho Colombo thiết bị mới nhằm cải thiện khả năng của hải quân Sri Lanka trong việc phát hiện và bắt giữ tàu tị nạn và Canberra sẽ huấn luyện bổ túc viên chức tình báo Sri Lanka tại Australia.

Thứ hai là tăng cường khả năng của hải quân Sri Lanka trên biển, huấn luyện sĩ quan hải quân Sri Lanka tại Úc và cung cấp thiết bị tìm kiếm và cứu hộ ở biển khơi.

Thứ ba là mở chiến dịch thông tin qua báo chí và truyền thông điện tử tại Sri Lanka để quảng bá chính sách của Austrlaia về thuyền nhân tầm trú. Chiến dịch thông tin này đã bắt đầu.

Và thứ tư là biện pháp “củ cà-rốt,” theo đó trong vòng 5 năm, Australia viện trợ 45 triệu Úc kim – tương đương với 47 triệu đô la Mỹ – để cải thiện đời sống dân nghèo tại những vùng mà họ đã và đang tìm đường vượt biển đến Australia.

Thủ tướng Úc Julia Gillard

Tuy ông Bob Carr đạt được thỏa hiệp tại Colombo, không có gì bảo đảm rằng những biện pháp này sẽ thành công trong việc giảm hạ nhân số công dân Sri Lanka vượt biển đến Úc Châu. Từ khi lật đổ lãnh tụ Kevin Rudd và nắm quyền Thủ tướng, hầu như các nỗ lực của bà Julia Gillard đều không đem lại kết quả mong muốn trong vấn đề thuyền nhân tầm trú – một trong ba vấn đề mà bà Gillard cam kết giải quyết trong năm 2010.

Trong khi đó, như là một hậu quả trực tiếp của chính sách giam giữ bắt buộc (mandatory detention) đối với thuyền nhân tầm trú – mà chính phủ Lao động Paul Keating đã áp dụng từ năm 1992 đến năm 1996, chính phủ Bảo thủ John Howard tiếp tục từ năm 1996 đến năm 2007, và chính phủ Lao động Julia Gillard đang theo đuổi, hàng ngàn thuyền nhân tầm trú và cựu thuyền nhân tầm trú đã bị bệnh tâm thần, tạo nên một gánh nặng cho ngân sách quốc gia của Australia.

Văn phòng đại diện của phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR tại Canberra đã gửi một toán chuyên viên thăm viếng các trại giam di trú tại Đảo quốc Nauru và Đảo Manus của Papua New Guinea. Phái đoàn vừa phổ biến phúc trình, cáo buộc chính phủ Julia Gillard đã theo đuổi “chính sách khắc nghiệt” đối với thuyền nhân tầm trú. Đại sứ Richard Towle, Trưởng văn phòng đại diện UNHCR, nhận xét:

"Nói chung, tôi nghĩ thật là khắc nghiệt trong môi trường giam giữ. Vì vậy, đây là thách đố rất lớn.”


Mặc dù tình trạng khắc nghiệt này không theo đúng tiêu chuẩn nhân đạo của UNHCR, thuyền nhân tầm trú còn nhiều lo âu khác. Ông Richard Towle tin rằng chính sách giam giữ vô hạn định của Úc đã tạo nên tình trạng bất an và thuyền nhân tầm trú không biết việc gì sẽ xảy ra đối với họ.

Ông Richard Towle nói tiếp:

Trước hết, thuyền nhân tầm trú bị giam cần được tin tức rõ rệt về số phận của họ. Họ trở nên lạc lõng, bơ vơ, không biết lúc nào được cứu xét...

"Trước hết, thuyền nhân tầm trú bị giam cần được tin tức rõ rệt về số phận của họ. Họ trở nên lạc lõng, bơ vơ, không biết lúc nào được cứu xét, có được tư cách tị nạn hay không. Họ truy tìm tin tức trên mạng và nghe các tin đồn về số phần của những thuyền nhân tầm trú khác. Thật tình mà nói, họ rất lạc lõng và rất cần được thông tin cập nhật bởi viên chức chính phủ Úc và Nauru về các diễn tiến."

Sự chỉ trích này không làm chính phủ Úc thay đổi chính sách. Bộ trưởng Di Trú Chris Bowen nói rằng chính phủ Gillard cam kết thực thi đề nghị Giải pháp Thái Bình Dương đợt 2 của Ủy ban Chuyên viên.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Văn phòng đại diện UNHCR tại Canberra không ủng hộ chính sách của chính phủ Úc.

Văn phòng đại diện Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR tại Úc còn có trách nhiệm đối với New Zealand, Papua New Guinea và 13 đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Văn phòng được ghi nhận trong danh sách phái bộ ngoại giao và Lãnh sự tại Canberra và được hưởng quyền đặc miễn ngoại giao của tổ chức quốc tế Liên Hiệp Quốc. Nhiệm vụ chính của Văn phòng đại diện là bảo vệ quyền lợi và an sinh của người tị nạn trong vùng, cũng như trợ giúp các chính phủ trong vùng, trong nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề người tị nạn như thuyền nhân tầm trú.

Đại sứ Richard Towle đã nhận nhiệm vụ Trưởng văn phòng UNHCR tại Canberra từ đầu năm 2007. Là công dân New Zealand, ông là một luật gia chuyên về Luật Nhân quyền và người tị nạn tại nước này, trước khi gia nhập phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc vào đầu thập niên 1990. Ngoài các chức vụ quan trọng tại trụ sở trung ương UNHCR ở Geneva, ông Richard Towle đã từng phục vụ tại Anh Quốc, làm Trưởng nhiệm sở tại Liên Bang Nam Tư cũ, và trưởng nhiệm chương trình trẻ em tị nạn tại Hồng Kông hồi đầu thập niên 1990, khi mà các trại tị nạn thuyền nhân người Việt hãy còn hoạt động.

Gần đây, có tin được phổ biến trong cộng đồng người Việt về một phụ nữ gốc Việt được bổ nhiệm làm “tân đại diện của Cao Ủy Tị Nạn UNHCR tại Úc.” Thực ra UNHCR chưa bao giờ bổ nhiệm một người gốc Việt nào làm “đại diện tại Úc” cả. Người phụ nữ gốc Việt nói trên vốn được một tổ chức phi-chính-phủ (NGO) có danh xưng là “Australia for UNHCR” bổ nhiệm làm đại diện đặc biệt (special representative) của họ. Đây là một tổ chức tư nhân có văn phòng tại Sydney với một người giám đốc và vài nhân viên có trả lương.

Được thành lập vào năm 2000 để quảng bá công tác và gây quỹ ủng hộ UNHCR, tổ chức gọi là “Australia for UNHCR” – cũng như nhiều tổ chức phi-chính-phủ khác tại Úc – đều nhờ vào những người tình nguyện. Người phụ nữ gốc Việt sinh sống tại tiểu bang Tây Úc là một trong số tám đại diện đặc biệt, như được ghi nhận trên trang nhà website của tổ chức phi-chính-phủ “Australia for UNHCR” này.