Các đại biểu quốc hội hôm 14/11 nêu quan ngại về quy định thu hồi đất mà họ cho là không rõ ràng và đề nghị Chính phủ đưa vào dự luật Đất đai sửa đổi nguyên tắc thu hồi đất trong đó đảm bảo người dân có điều kiện sống tốt hơn, theo truyền thông trong nước.
Dự luật Đất đai sửa đổi được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình lên Quốc hội Việt Nam hôm 1/11 và đang được các đại biểu Quốc hội bàn thảo cũng như góp ý.
Việc thu hồi đất đã gây ra nhiều tranh chấp giữa chính quyền và người dân trong nhiều năm qua, trong đó đặc biệt là vụ đụng độ giữa người dân làng Đồng Tâm và cảnh sát Hà Nội khiến một số người thiệt mạng hồi đầu năm 2020. Việc đền bù đất đai không thỏa đáng của chính quyền cũng khiến nhiều người dân bức xúc và khiếu kiện.
Quy định thu hồi đất nói chung và cơ chế đất đai cho dự án đô thị, nhà ở thương mại tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục là vấn đề khiến các đại biểu quan ngại, theo Báo Đầu Tư.
Hiến pháp Việt Nam quy định Nhà nước được quyền thu hồi đất, nhưng phải đủ các điều kiện, gồm “thật cần thiết,” theo luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Mai Thị Phương Hoa của Nam Định được Báo Đầu Tư trích lời nói rằng dự thảo không có quy định thế nào là trường hợp “thật cần thiết”. Đại biểu này cho rằng, trên thực tế trong thời gian qua, khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập dự án thu hồi đất đã tự quy định và thuyết minh về sự cần thiết cho từng dự án. Theo bà Hoa, điều này tạo ra sự không thống nhất, dễ thực hiện theo ý muốn chủ quan của họ và có trường hợp tạo ra sự lạm dụng.
Vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm xảy ra khi Chính phủ ra quyết định cấp đất xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn bao trùm lên đất nông nghiệp của người dân tại đây. Tuy nhiên, người dân xã Đồng Tâm không đồng tình việc chính quyền địa phương thu hồi đất canh tác của họ rồi giao cho Công ty Viettel do quân đội quản lý. Gần 30 người dân làng này đã bị đưa ra xét xử sau vụ đụng độ với chính quyền hồi đầu năm 2020.
Một đại biểu của Kon Tum có tên Tô Văn Tám cho rằng người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt thòi nếu việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế - xã hội cho lợi ích của cộng đồng, nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người. Ông Tám, được Báo Đầu Tư trích lời, còn cho rằng việc chính quyền nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân.
Việc cưỡng chế đất của chính quyền đối với hàng trăm hộ dân sinh sống lâu đời tại khu Vườn rau Lộc Hưng ở quân Tân Bình của TPHCM hồi năm 2019 đã gây ra bức xúc trong công luận. Người dân tại đây đã làm đơn tố cáo việc giải tỏa đất để tiến hành xây dựng các dự án của một công ty cũng như liên tục khiếu nại và kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không được giải quyết.
Vấn đề cưỡng chế đất tại Lộc Hưng đã được đưa ra tại một buổi họp tại Quốc hội Mỹ do dân biểu Alan Lowenthal chủ trì hồi tháng 1/2019. Dân biểu Mỹ cho rằng chính quyền Việt Nam đang gạt sang một bên những người sở hữu đất ‘thấp cổ bé họng’ cho các dự án bất động sản sinh lời trong khi trả rất ít tiền đền bù cho những người bị mất đất.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc nghiêm trọng như vụ Vườn rau Lộc Hưng và nhiều vụ việc trước đó cũng như sau này, được xem là xuất phát từ sự bất cập của quy định, được cho là không phù hợp thực tiễn trong nước và quốc tế của luật đất đai hiện hành ở Việt Nam, trong đó quy định “quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân” do nhà nước quản lý.
Cho ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 14/11, hàng chục đại biểu Quốc hội còn đề nghị ban soạn thảo quy định chi tiết nội dung “Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người dân có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ,” theo VnExpress.
Theo kế hoạch, dự luật đất đai được các đại biểu cho ý kiến và thảo luận trong 3 kỳ họp quốc hội trước khi được thông qua vào cuối năm sau.