Bộ Công an Việt Nam hôm 8/9 thông báo khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy chưa bắt giữ nhưng nhà chức trách áp dụng các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Bình.
Báo chí trong nước dẫn lại thông tin của Bộ Công an cho hay ông Bình bị khởi tố do có liên quan đến “đại án” kinh tế là vụ Ngân hàng Xây dựng thất thoát 9.000 tỷ đồng.
Ngân hàng này, gọi tắt là VNCB, đã đổi tên từ Ngân hàng Đại tín (Trust Bank) hồi tháng 5/2013. Tính đến thời điểm đó, VNCB thua lỗ trầm trọng, bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Trong tình trạng đó, về lý thuyết, mọi giao dịch của VNCB có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Trên thực tế, bất chấp việc bị kiểm soát đặc biệt, chủ tịch Hội đồng Quản trị của VNCB ở thời điểm đó là Phạm Công Danh vẫn lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của chính ngân hàng, dùng để trả các khoản nợ, tiền lãi vay bên ngoài và chi tiêu cá nhân.
Theo các tài liệu vụ án, tính đến tháng 5/2014, ông Danh và các các nhân viên dưới quyền gây thiệt hại cho ngân hàng 9.000 tỷ đồng.
Vì tội này, ông Danh đã nhận mức án 30 năm tù giam sau 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần lượt vào mùa thu 2016 và đầu năm 2017.
Giờ đây, vụ án ngân hàng VNCB đi vào giai đoạn 2, trong đó công an điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 thành viên tổ giám sát của Ngân hàng nhà nước đặt tại VNCB. Đó là các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh.
Dù cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình không phải là thành viên tổ giám sát, song ông bị liên lụy vì có trách nhiệm quản lý với tư cách là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.
Càng về sau này, hai mươi mấy năm vừa qua, các vụ án ngày càng lớn, ngày càng mở rộng. Sờ đâu cũng thấy tham ô, tham nhũng. Như vậy người ta thấy bộ máy có vấn đề. Mong muốn lớn nhất là đừng để thất thoát tài sản, kiên quyết tìm cách thu hồi lại. Nặng về trị chỗ này trị chỗ kia thì cuối cùng không đi đến đâu.Cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói động thái lãnh đạo đảng “bật đèn xanh” cho việc khởi tố ông Bình, từng giữ chức tương đương thứ trưởng, cho thấy họ nhìn ra “vấn đề nghiêm trọng” trong vụ VNCB nói riêng và nạn tham nhũng ở Việt Nam nói chung.
Nhưng ông Thuận bình luận với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh rằng công cuộc chống tham nhũng vẫn luẩn quẩn:
“Cái lớn nhất là người ta chưa thấy đưa ra giải pháp gì để làm sao không xảy ra những vụ như vậy. Càng về sau này, hai mươi mấy năm vừa qua, các vụ án ngày càng lớn, ngày càng mở rộng. Sờ đâu cũng thấy tham ô, tham nhũng. Như vậy người ta thấy bộ máy có vấn đề. Mong muốn lớn nhất là đừng để thất thoát tài sản, kiên quyết tìm cách thu hồi lại. Nặng về trị chỗ này trị chỗ kia thì cuối cùng không đi đến đâu”.
Vị cựu phó thống đốc 63 tuổi có thâm niên 25 năm làm trong ngành ngân hàng. Ông Bình được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2005.
Các chức vụ trước đó của ông trong cùng ngân hàng bao gồm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo từ 2002, Vụ trưởng Vụ Pháp chế năm 1997, và Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính năm 1994. Ông Đặng Thanh Bình nghỉ hưu năm 2015.
Your browser doesn’t support HTML5