Đặc sứ EU: EU, Mỹ cần nói ‘không’ với nền ‘ngoại giao chiến lang’ của Trung Quốc

Đại sứ của Liên hiệp Châu Âu tại Trung Quốc Nicolas Chapuis tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, TQ ngày 17/1/2020. REUTERS/Jason Lee

Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ nên làm việc với nhau để chống lại nền ngoại giao cưỡng chế của Trung Quốc, đồng thời phối hợp với các nước khác trong khu vực để giải quyết vụ tranh chấp trên Biển Đông, Đại sứ EU tại Trung Quốc nói hôm thứ Năm 10/12/2020.

Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden, sẽ lên nhậm chức vào ngày 20/1, đã đề cập tới nhu cầu cần hồi sinh lại các liên minh quy tụ các nền dân chủ ‘cùng chí hướng’ như một nguồn lực để đối phó với Trung Quốc.

Phát biểu tại một diễn đàn về năng lượng tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Đại sứ EU Nicolas Chapuis nói rằng ông hy vọng sẽ đạt được đồng thuận với tân chính phủ Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc.

“Hãy hợp tác với Trung Quốc trong chừng mực chúng ta có thể, khi nào có thể, khi mà Trung Quốc sẵn sàng hợp tác. Nhưng hãy bất đồng ý kiến khi nào chúng ta phải làm như vậy”, ông Chapuis nói.

“Chúng ta cần có một sự thông hiểu chung để nói ‘không’ với hành vi bắt nạt và chèn ép tinh thần, với nền ngoại giao cưỡng bức, nền ngoại giao ‘chiến lang’”, ông Chapuis nói, ám chỉ chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán hơn của Bắc Kinh.

Đặc sứ Chapuis cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu hãy làm việc với Úc, New Zealand và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á- ASEAN để “tìm mẫu số chung” về vụ tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông và cảnh báo các nước khác chớ can thiệp vào những liên hệ của họ với các nước Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc trên một phần tuyến đường biển này và lo ngại về sự hiện diện ngày càng quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực này.

Ông Chapuis tuyên bố: “Tự do hàng hải là điều thiết yếu. Biển Đông không phải là một vấn đề Trung Quốc, mà là một vấn đề quốc tế”.