Các nước giàu ngày 20/11 nhắc lại việc chống đối của họ đối với một đề nghị miễn áp dụng các qui định về sở hữu trí tuệ đối với thuốc COVID-19, ba nguồn tin thương mại cho hay, dù có những áp lực về chuyện áp dụng ngoại lệ để tăng tiến việc tiếp cận thuốc đối với những nước nghèo.
Các nước ủng hộ việc miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ nói những qui luật hiện hành tạo nên những rào cản về việc tiếp cận thuốc và vaccine khả dĩ và họ muốn những hạn chế được nới lỏng, như trong thời đại dịch AIDS.
Tuy nhiên chống đối từ Liên hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và một số nước giàu khác tại một cuộc họp ngày 20/11 có nghĩa là đề xuất này, vốn dự trù đưa ra trước Đại hội đồng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng sau, chắc chắn sẽ thất bại.
Tổ chức WTO với 164 thành viên thường phải nhất trí qua đồng thuận trừ phi các thành viên tán thành xúc tiến việc biểu quyết, một việc làm ngoại lệ.
Một nguồn tin thương mại thứ hai cho hay các nước đang phát triển phủ nhận là quyền sở hữu trí tuệ gây ra những rào cản và nói rằng việc ngưng áp dụng quyền sở hữu trí tuệ “không những không cần thiết mà còn phá hoại những nỗ lực họp tác chống đại dịch hiện đang được tiến hành.”
Các phái bộ ngoại giao Mỹ và EU ở Geneva không đưa ra bình luận.
Đề nghị miễn áp dụng các qui định về sở hữu trí tuệ đối với thuốc chống COVID thoạt tiên do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra vào tháng 10. Kể từ đó, Trung Quốc, nước có 5 ứng viên vaccine COVID trong giai đoạn thử nghiệm cuối, đã lên tiếng ủng hộ, cũng như hàng chục thành viên khác của WTO, hầu hết từ các nước đang phát triển.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ủng hộ việc ngăn chặn các rào cản tiếp cận thuốc COVID-19. Ông Ngozi Okonjo-Iweala, gốc Nigeria, người được một ủy ban chọn để trở thành Tổng giám đốc kế tiếp của WTO, cũng cùng quan điểm này.
Việc vận động bên ngoài tổ chức thương mại toàn cầu cũng đang tăng mạnh.
Trong tuần này, hơn 100 tổ chức xã hội dân sự viết thư cho các nhà lập pháp EU yêu cầu ủng hộ đề nghị miễn áp dụng các qui luật về quyền sở hữu trí tuệ.