Các nước dùng xét nghiệm kháng nguyên để chế ngự COVID đợt hai

Nhân viên y tế Dịch vụ Khẩn cấp Madrid dùng xét nghiệm kháng nguyên tìm COVID-19 tại Vallecas ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 2/10/2020.

Các nước đang nỗ lực chế ngự COVID đợt hai quay sang dùng loại xét nghiệm nhanh hơn, rẻ hơn nhưng ít chính xác để tránh tình trạng trì hoãn và thiếu hụt vốn đã cản chân việc chẩn đoán và theo dõi lây nhiễm một cách nhanh chóng.

Đức, hôm 13/10 có thêm 4.122 ca nhiễm nâng số ca nhiễm lên tổng cộng là 329.453, đã đảm bảo có được 9 triệu xét nghiệm kháng nguyên mỗi tháng vốn có thể cho kết quả trong vòng vài phút và tốn khoảng 5,9 đô la mỗi xét nghiệm.

Mỹ và Canada cũng mua nhiều triệu bộ xét nghiệm và Ý cũng vậy.

Viện Robert Koch (RKI) của Đức hiện khuyến cáo dùng xét nghiệm kháng nguyên để bổ sung cho xét nghiệm PCR vốn đã trở thành chuẩn mực trong việc đánh giá lây nhiễm nhưng đang bị thiếu hụt trong lúc các phòng thí nghiệm quá tải và các nhà sản xuất đã vượt quá khả năng sản xuất.

Xét nghiệm PCR phát hiện chất liệu gen trong virus trong khi xét nghiệm kháng nguyên phát hiện chất đạm trên bề mặt virus.

Một loại xét nghiệm khác là tìm kháng thể do cơ thể sản xuất ra để đáp ứng với nhiễm trùng. Kiểu xét nghiệm này có thể cho biết một người đã từng bị lây nhiễm.

Giống như xét nghiệm PCR, xét nghiệm kháng nguyên đòi hỏi dùng que bông gòn quét trong mũi. Xét nghiệm này có thể đưa nhiều “kết quả âm tính sai lầm”, khiến cho nhiều chuyên gia khuyến cáo là loại này chỉ nên dùng trong tình hình khẩn cấp.

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo hơn 2 triệu ca mới, nâng số ca nhiễm toàn cầu lên 37 triệu, với hơn 1 triệu ca tử vong vì COVID-19.