Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang bị chính thức điều tra trong một vụ tham nhũng rối tung có nguy cơ làm chệch hướng việc ông trở lại chính trường theo trông đợi của nhiều người.
Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trở về nhà hôm thứ Tư với tin ông đang bị đặt dưới sự điều tra chính thức, sau khi bị cảnh sát câu lưu 15 tiếng đồng hồ bên ngoài Paris, là điều chưa từng có từ trước đến nay.
Các quan tòa đang xét xem liệu ông Sarkozy có dùng ảnh hưởng của ông để can thiệp vào một cuộc điều tra về những trường hợp bất hợp lệ có liên quan đến cuộc vận động bầu cử của ông năm 2007 hay không. Luật sư của ông và một vị thẩm phán cấp cao cũng bị đặt dưới sự điều tra.
Ðược phỏng vấn trên đài truyền hình BFM của Pháp, Thủ tướng Manuel Valls mô tả tình hình là nghiêm trọng. Ông kêu gọi có sự độc lập tư pháp và nói không ai đứng trên luật pháp, nhưng cũng phải tôn trọng nguyên tắc rằng một người là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm pháp.
Đây là cuộc điều tra cuối cùng trong một loạt các vụ tai tiếng tham nhũng gây khó khăn cho ông Sarkozy. Vụ điều tra mới nhất có liên hệ đến việc điều tra xem phải chăng ông đã nhận sự tài trợ bất hợp pháp của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi trong cuộc vận động bầu cử đem lại phần thắng cho ông vào năm 2007. Các quan tòa đang cứu xét xem liệu có việc ông tìm cách lấy được thông tin nội bộ về vụ điều tra hay không.
Ông Sarkozy không phải là vị tổng thống đầu tiên của Pháp đối mặt với những cáo giác về tội tham nhũng. Người tiền nhiệm của ông, nhà lãnh đạo bảo thủ Jacques Chirac, đã bị án treo vào năm 2011, sau khi bị cáo buộc biển thủ và lạm dụng công quỹ khi ông làm đô trưởng Paris.
Ông Sarkozy còn bị đặt dưới sự điều tra chính thức hồi năm ngoái, nhưng các quan tòa đã bãi bỏ cuộc điều tra đó.
Vụ điều tra mới nhất này diễn ra vào một thời điểm đặc biệt tế nhị. Ông Sarkozy đã được nhiều người trông đợi là tính trở lại chính trường, sau khi thất bại khi ra tái ứng cử năm 2012 trước tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Xã hội, ông Francois Hollande. Theo chuyên gia Philippe Moreau Defarges, thuộc Viện Bang giao Quốc tế của Pháp ở Paris, nhà lãnh đạo bảo thủ này bị chấn thương về chính trị.
Ông Defarges giải thích: “Sẽ rất khó cho ông trở lại chính trường thực sự. Và rõ ràng là điều đang xảy ra cho ông Sarkozy khiến cho không những ông Hollande vui mừng, mà cả cựu thủ tướng Alain Juppe, và mọi người khác thuộc cánh hữu rất vui mừng … bởi lẽ rõ ràng là nhiều người ở Pháp không muốn ông Sarkozy trở lại.”
Ông Sarkozy đã cực lực phủ nhận mọi lời cáo buộc có hành vi sai trái, và nói những lời này có động cơ chính trị.
Hôm thứ Tư, các ủng hộ viên như thị trưởng thành phố Nice, Christian Estrosi thuộc đảng bảo thủ UMP của ông Sarkozy đã quy tụ sau lưng ông.
Phát biểu trên đài phát thanh Pháp, ông Estrosi nêu thắc mắc về tính vô tư của ít nhất một trong các vị thẩm phán điều tra về những cáo buộc, và lên án chính phủ Xã hội là gieo rắc sự thù hận trong nước.
Có nhiều phần chắc cuộc điều tra sẽ đào sâu thêm sự bất mãn trong các giới chức công cử. Tổng thống Hollande đang bị mất lòng dân rất nhiều, người Pháp lo lắng về tình trạng thất nghiệp và nền kinh tế trì trệ và Ðảng Mặt trận Dân tộc cực hữu đã nổi trội trong cuộc bầu cử vào Nghị viện Âu châu hồi tháng 5.