Tổng thống thứ 39 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, Jimmy Carter, qua đời ngày 29 tháng 12, 2024, tại tư gia ở Plains, Georgia, ở tuổi 100, giữa sự hiện diện của người thân trong gia đình, theo Carter Center.
Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên trang mạng xã hội rằng ông vừa được biết tin cựu Tổng thống Carter qua đời, và nói rằng quốc gia này nợ cựu Tổng thống Jimmy Carter “một món nợ của lòng biết ơn,” theo tường thuật của CNN.
Thượng nghị sĩ liên bang của bang Georgia, Raphael Warnock, phát biểu rằng Carter là “một trong những anh hùng của tôi”.
Lãnh đạo khối đa số Thượng Viện, Chuck Schumer, nói rằng Carter là “một trong những công chức khiêm tốn và tận tuỵ nhất của chúng ta.”
Lãnh đạo khối thiểu số Thượng Viện, Mitch McConnell, nói rằng “Tổng thống Carter phục vụ trong giai đoạn căng thẳng và bất ổn, trong nước cũng như ở hải ngoại. Nhưng tinh thần bình tĩnh và niềm tin sâu sắc của ông không hề lay chuyển. Jimmy Carter từng là tổng tư lệnh trong 4 năm, nhưng ông cũng phục vụ trong vai trò một người dạy Giáo lý được yêu mến tại Marnatha Baptist Church, Plains, Georgia, trong 40 năm. Sự tận tâm và khiêm cung của ông khiến chúng ta không nghi ngờ, trong hai vai trò quan trọng này, ông đánh giá vai trò nào cao nhất.”
Thân thế & Sự nghiệp
James Earl Carter, Jr. sinh ngày 1 tháng 10 năm 1924 tại Plains, một thị trấn nông nghiệp ở bang Georgia. Cha của ông, James Earl Carter Sr., là một nông dân và doanh nhân. Mẹ ông, Lillian, một điều dưỡng viên. Mặc dù sinh sống trong căn nhà không điện không nước, gia đình Carter là một trong những gia đình khá giả trong cộng đồng.
Xuất thân từ trường công lập rồi trường cao đẳng Georgia Southwestern và Đại học Kỹ thuật Georgia, Jimmy Carter được nhận vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp với bằng Cử nhân Khoa học và không lâu sau khi tốt nghiệp, kết hôn với cô gái cùng quê tên là Rosalynn Smith.
Sau khi phục vụ trên các tàu ngầm ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Carter được tuyển chọn tham gia chương trình tiên phong làm việc trên một tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ. Binh nghiệp của ông bị cắt ngắn bởi cái chết của người cha. Năm 1953, gia đình Carter trở về quê để thay cha điều hành trang trại của gia đình.
Tham chính
Ông Carter thất bại trong cuộc đua đầu tiên giành chức Thống đốc Georgia vào năm 1966. Bốn năm sau, ông lại ra tranh cử và lần này chiếm được chiếc ghế thống đốc. Trong cương vị đó, Carter kiên trì làm việc để hàn gắn những chia rẽ chủng tộc tại tiểu bang miền Nam này. Ngay trong diễn văn nhậm chức, ông tuyên bố “thời kỳ phân biệt đối xử dựa trên màu da và chủng tộc đã chấm dứt.”
Năm 1973, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Toàn Quốc của Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử quốc hội năm 1974. Vì luật pháp Georgia không cho phép một thống đốc đương nhiệm ra dự tranh để tiếp tục nhiệm kỳ thứ nhì, Jimmy Carter quyết định tranh chức Tổng thống.
Công chúng biết đến ông nhiều hơn sau khi quyển hồi ký “Why Not the Best?” được xuất bản năm 1975. Đối với giới cử tri thất vọng về thành phần lãnh đạo nơi cả hai chính đảng ở Washington, ông hứa hẹn “một hệ thống chính quyền tốt đẹp hơn, hoạt động hữu hiệu và có những chính sách nhân ái đối với mọi thành phần dân chúng.”
Với thái độ lạc quan, cung cách khiêm tốn và nụ cười tươi, Carter bắt đầu chinh phục cử tri Mỹ. Ông thành công trong cuộc vận động để được Đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên tổng thống của đảng.
Tại lễ nhậm chức, tân tổng thống Carter phá vỡ tiền lệ khi ông cùng phu nhân Rosalynn đi bộ trên Đại lộ Pennsylvania thay vì đi xe limousine. Ái nữ của Tổng thống, Amy Carter, theo học tại một trường công lập.
Trong cương vị tổng thống, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam. Trong ngày đầu tiên tại Phòng Bầu Dục, ông ký lệnh ân xá cho những người trốn nghĩa vụ quân sự để tránh bị đưa sang Việt Nam, lệnh này không bao gồm những quân nhân rời bỏ hàng ngũ.
Thành tựu
Những thành tựu đáng chú ý nhất của chính quyền Carter là trong lĩnh vực ngoại giao. Tổng thống Carter thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Trung Quốc, và thực hiện cam kết mà nước Mỹ đưa ra từ nhiều năm qua là trả lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama cho người Panama.
Nhưng công lớn của Tổng thống Carter là những đóng góp trong nỗ lực hòa giải Israel với Ai Cập. TT Carter thuyết phục được Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập và Thủ tướng Menachem Begin của Israel kết thúc cuộc chiến kéo dài 31 năm giữa hai nước. Ai Cập trở thành nước láng giềng Ả Rập đầu tiên đạt thỏa thuận hòa bình với Israel. Tel Aviv đồng ý chấm dứt chiếm đóng bán đảo Sinai và trả lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này cho Ai Cập.
Tổng thống Carter còn đàm phán với Liên bang Xô viết để đạt Hiệp ước Hạn chế Vũ khí chiến lược (SALT II), nhưng trước khi Thượng viện có thể bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước, Liên Xô xua quân xâm lược Afghanistan, Tổng thống Carter buộc lòng phải rút ra khỏi hiệp ước. Tuy vậy hai nước đồng ý tuân thủ các điều khoản đã thảo luận, dù không bên nào chính thức phê chuẩn.
Thách thức lớn nhất
Sau cuộc cách mạng Iran năm 1979, một nhóm sinh viên cực đoan đã xông vào đại sứ quán Hoa Kỳ và bắt nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin, họ đòi Hoa Kỳ trục xuất Quốc Vương Iran đã chạy sang Hoa Kỳ (để được điều trị y tế). Nhưng dù Quốc Vương Iran đã ra khỏi Hoa Kỳ và ngay cả sau cái chết của ông ở Cairo, Iran vẫn cầm giữ các con tin Mỹ. Sau kế hoạch giải cứu con tin bất thành, Tổng thống Carter thương lượng với chính quyền Iran để họ phóng thích các con tin, nhưng các con tin chỉ được hồi hương sau khi ông Carter bị ông Ronald Reagan đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ấy.
Ung thư và ‘phép lạ’
Mùa Hè 2015, cựu TT Carter xuất bản cuốn sách thứ 25 của ông, “A Full Life: Reflections at Ninety”, nói về cuộc sống của mình và những cảm nghĩ vào tuổi 90.
Vài tuần sau đó, ông tiết lộ rằng ông sẽ được điều trị bệnh ung thư đã lan tới não. Tại một cuộc họp báo, ông bình thản: “Tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời”, và ông nói thêm“ Tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống sắp tới và đang nóng lòng bước vào cuộc phiêu lưu mới.”
Ông được điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm, chương trình thành công ngoài dự doán. Bác sĩ không phát hiện ra tế bào ung thư mới trong một thời gian dài, và tuyên bố ông lành bệnh. Là người ngoan đạo, ông Carter cho rằng đây là một ‘phép lạ’.
Trở lại cuộc sống bình dị, tiếp tục đóng góp
Rời Tòa Bạch Ốc ở tuổi 56, Carter trở thành vị cựu tổng thống năng động nhất trong lịch sử các Tổng thống Hoa Kỳ. Jimmy và Rosalynn Carter nằm trong số những người đầu tiên ủng hộ Millard và Linda Fuller, sáng lập viên của tổ chức Habitat for Humanity, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên xây nhà giúp người nghèo ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Tổng thống Carter có chân trong Hội đồng quản trị của tổ chức Habitat và với nghề thợ mộc khéo léo, ông thường xuyên được trông thấy làm việc bên cạnh phu nhân Rosalynn và nhiều người khác, đóng đinh xây nhà giúp những người có thu nhập thấp. Theo tờ Washington Post, cựu tổng thống Carter và phu nhân đã giúp xây, hoặc tân trang 4.300 căn nhà tại 14 quốc gia khác nhau cho Habitat for Humanity.
Cựu Tổng thống Carter còn tiếp tục hỗ trợ nhân quyền, các chương trình y tế toàn cầu và hậu thuẫn các cuộc bầu cử công bằng trên toàn thế giới thông qua Trung tâm Carter, có trụ sở tại Atlanta. Những nỗ lực ngoại giao của cá nhân TT Carter giúp giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế tại các điểm nóng, từ Bắc Hàn cho đến Haiti.
Năm 2002, ông được trao giải Nobel Hòa bình cho những thành tích đã đóng góp. Ủy ban Nobel trao giải cho cựu Tổng thống Carter để vinh danh những nỗ lực không ngừng của ông “trong nhiều thập niên tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và xã hội”.
Sau Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson, Jimmy Carter là vị Tổng thống Mỹ thứ ba được vinh danh như vậy.
Jimmy Carter là Tổng thống Mỹ duy nhất thời hiện đại đã trở về sống toàn thời tại căn nhà mà ông từng cư ngụ trước khi tham chính - ngôi nhà nhỏ chỉ một tầng, hai phòng ngủ, được định giá $167.000, thấp hơn trị giá những xe bọc thép được phái tới để bảo vệ cựu lãnh đạo của cường quốc số 1 thế giới, đậu ngay trước nhà.
Vợ chồng Tổng thống Carter không có đầu bếp; và họ tự nấu ăn lấy. Giống như hầu hết những ông chồng thương vợ, ông là người rửa chén sau bữa ăn.
Với cuộc sống bình dị đó, số tiền của người đóng thuế Mỹ chi ra cho Tổng thống Carter là số tiền ít nhất so với bất kỳ cựu tổng thống Mỹ nào khác.
Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter qua đời hồi Tháng Mười Một, năm 2023, ở tuổi 96, sau 77 năm hôn nhân với ông Carter.
Nhìn lại nhiệm kỳ tổng thống của mình với báo The Washington Post vào tháng Tám, 2018, Tổng thống Carter nói ông tự hào nhất về các nỗ lực nhằm "duy trì hòa bình và cổ vũ cho nhân quyền."