Ông Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, tuyên bố ông, vốn là một cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, và những người lính Mỹ khác, “đã bị lừa dối về chiến tranh Việt Nam” dẫn đến rất nhiều lính Mỹ cũng như dân thường Việt Nam chết trong cuộc chiến và rằng “chiến tranh không thể giải quyết được vấn đề.”
Ông Hagel đã đưa ra bình luận này khi trả lời câu hỏi của VOA tại buổi ra mắt cuốn sách nhan đề ‘Our Year of War’ (Năm tháng chinh chiến) tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm Thứ Năm ngày 31/5.
‘Our Year of War’, do Thiếu tướng Quân đội Hoa Kỳ Daniel P. Bolger chấp bút, kể về câu chuyện của hai anh em ông Chuck Hagel và ông Tom Hagel tình nguyện đi chiến đấu tại chiến trường Việt Nam cách nay đúng nửa thế kỷ vào năm 1968, một năm bản lề của cuộc chiến cũng như một năm đầy biến động chính trị và xã hội trong lịch sử Hoa Kỳ.
Cũng như xã hội Mỹ vào năm 1968, hai anh em nhà Hagel đã có lập trường khác biệt về cuộc chiến mà họ tham gia. Trong khi người anh Chuck Hagel là người ủng hộ cuộc chiến thì người em trai Tom Hagel, hiện là giáo sư luật tại Đại học Dayton ở Ohio, lại phản đối.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng lập trường của ông về cuộc chiến Việt Nam có thay đổi hay không sau nửa thế kỷ nhìn lại, nhất là trên cương vị là người từng đứng đầu Ngũ Giác Đài, và trong bối cảnh Việt Nam đang xích gần với Hoa Kỳ do tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, ông Hagel nói: “Tôi thật sự đã thay đổi”.
“Tôi đã thay đổi suy nghĩ, lập trường khi tôi quay lại Việt Nam, lắng nghe, quan sát và trở nên ý thức nhiều hơn,” ông nói.
“Tôi đã tin vào lời của Tổng thống, tin vào sự lãnh đạo của quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng (vào năm 1968),” ông giải thích. “Thật ra, điều thật sự làm tôi thay đổi hoàn toàn là việc công khai đoạn băng của Tổng thống (Lyndon B.) Johnson.”
“Đó là một sự lường gạt và dối trá khủng khiếp,” ông nói, “khi một Tổng thống Mỹ nói rằng ‘Tôi không thể là vị Tổng thống đầu tiên thua một cuộc chiến. Tôi biết là chúng ta không thể chiến thắng, nhưng chúng ta cứ đưa những thanh niên của chúng ta vào chỗ chết’.”
“Thật lòng mà nói tôi đã sững sờ khi nghe những lời đó vào những năm 1990. Người dân Mỹ đã bị lừa dối, và tôi cũng vậy. Bởi vậy mà rất nhiều người Mỹ đã chết và đau khổ,” ông nói thêm.
Ông Chuck Hagel cho rằng nhà lãnh đạo cần bảo vệ cho người dân nước ông và những nước khác nhiều nhất có thể và những khi mà giải pháp quân sự được dùng đến ‘là khi mà chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác.’.
“Giải pháp quân sự phải thực hiện mục tiêu lớn hơn là mục tiêu ngoại giao. Giải pháp quân sự phải đồng nhất với mục tiêu lớn hơn đó,” ông giải thích.
“Tuy nhiên, tôi, cùng người em trai Tom của tôi, cũng như nhiều người Mỹ khác, lính Mỹ khác ở khắp nơi trên thế giới, chỉ là hạt cát trên sa mạc. Đó là lý do tại sao việc biết và hiểu về lịch sử là quan trọng.”
“Chúng ta cần hiểu đọc và hiểu những cuốn sách, như cuốn sách của Tướng Bolger, không phải vì tôi (là nhân vật chính trong cuốn sách). Ông ấy chỉ dùng câu chuyện của tôi, của em trai tôi để nói lên một câu chuyện lớn hơn, một câu chuyện mà chúng ta có thể rút ra rất nhiều bài học,” cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói thêm.
Đáp câu hỏi của VOA về cảm nhận đối với nỗi đau của những gia đình Việt Nam cũng bị chia rẽ ở hai đầu chiến tuyến giống như sự chia rẽ giữa ông và em trai ông, ông Hagel cho biết đó là một điểm được đề cập trong cuốn sách.
“Ai cũng đau khổ (vì cuộc chiến Việt Nam), nhưng người dân Việt Nam, người dân Bắc Việt, những người Việt Cộng là đau khổ nhiều nhất,” ông nói. “Đó là thảm họa của chiến tranh. Khi một đất nước tham chiến, những điều như thế này sẽ xảy ra và chúng ta không thể nào kiểm soát được.”
“Đó là lý do tại sao chúng ta không thể yêu cầu quân đội của chúng ta hay bất kỳ quân đội nào khác trên thế giới phải sửa chữa những vấn đề của nhân loại,” người từng đứng đầu Ngũ Giác Đài nói và nêu ra dẫn chứng với ‘17 năm của cuộc chiến Afghanistan’.
“Những vấn đề này cần phải được giải quyết bằng phương pháp ngoại giao. Quân đội có thể hỗ trợ cùng với kinh tế hay giáo dục,” ông nói thêm. “Chúng ta cần phải rút ra những bài học từ những cuộc chiến như thế này.”
Về cuốn sách viết về thời gian tham chiến của anh em Hagel ở Việt Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói “đó không phải là cuốn sách về tôi và em trai tôi cùng chiến đấu ở VIệt Nam vào năm 1968 mà là về bằng cách nào mà xã hội Mỹ có thể tự điều chỉnh, bằng cách nào mà chúng ta có thể vượt qua được những vấn đề gây chia rẽ nhất mà xã hội chúng ta phải đối mặt, làm cách nào mà chúng ta có thể rút ra bài học từ đó và giải quyết mâu thuẫn nội tại về chiến tranh hay hòa bình, giải quyết những quan điểm chính trị khác biệt và những hạn chế của hệ thống chúng ta mà chúng ta đã làm không đúng vào lúc đầu.”
Một trong những dẫn chứng về sự tự điều chỉnh mà ông Chuck Hagel đưa ra là “quân đội Mỹ giờ đây đã tốt hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trước đây.”
Ông cho biết vào năm 1968 ông và em trai của ông, lúc đó đều còn rất trẻ - người em trai Tom Hagel của ông lúc đó vừa mới tốt nghiệp trung học, bị gọi quân dịch nhưng sau đó cả hai đều tình nguyện đến chiến trường Việt Nam. “Do chế độ quân dịch mà chúng ta đã đưa vào quân đội nhiều người không muốn chiến đấu, không muốn đến Việt Nam. Điều đó đã dẫn đến một quân đội hết sức khiếm khuyết và chia rẽ,” ông cho biết.
Ông lấy dẫn chứng vào tháng Năm năm 1968, ông đang ở Chợ Lớn trong giai đoạn Tổng tấn công Tết Mậu Thân giai đoạn 2, “từng người thậm chí cả đầu bếp và thợ máy cũng được giao cho khẩu súng để chiến đấu bên cạnh chúng tôi là những người lính bộ binh được huấn luyện’.
“Một số người đã mất mạng trong thời gian đó, bởi vì họ không được trang bị nhưng chỉ vì chúng tôi cần người để chiến đấu,” ông nói và cho biết đơn vị của ông vào lúc đó “đang chiến đấu ở từng ngôi nhà ở Chợ Lớn”.
“Chúng tôi đã chịu rất nhiều thương vong,” ông nói.
Trong thời gian phục vụ ở Việt Nam, Chuck Hagel cho biết ông và em trai của ông đã chiến đấu bên cạnh nhau, một điều mà sau này Quốc hội Mỹ không cho phép khi thông qua đạo luật cấm những người thân cùng gia đình cùng chiến đấu trong cùng một đơn vị để tránh trường hợp tử trận hết cả nhà. Lúc ở Đồng bằng sông Cửu Long, cả hai anh em làm nhiệm vụ là định hướng bằng bản đồ và la bàn ‘dưới tán cây của khu rừng và trong bóng đêm’ để ‘hạn chế tối đa rơi vào bẫy phục kích của Việt Cộng’.
Sau khi cuộc chiến kết thúc và hai nước Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, hai anh em ông đã có dịp trở lại Việt Nam để cắt băng khánh thành Lãnh sự Quán Mỹ trên nền Tòa Đại sứ Mỹ cũ ở Sài Gòn vào năm 1999 theo lời mời của Đại sứ Pete Peterson. Lúc đó ông Chuck Hagel đến Việt Nam với tư cách là Thượng nghị sỹ tiểu bang Nebraska. Kể từ đó, ông đã trở lại Việt Nam một vài lần với tư cách thượng nghị sỹ nhưng chưa bao giờ đến Việt Nam khi đang nắm Bộ Quốc phòng.
“Em trai tôi đã có khoảng thời gian khó khăn hơn tôi khi chúng tôi quay lại Việt Nam,” ông cho biết.
Tác giả cuốn sách, Thiếu tướng Daniel P. Bolger, người từng chỉ huy quân đội ở Iraq và Afghanistan và hiện đang giảng dạy lịch sử tại Đại học North Carolina, giới thiệu về cuốn sách như sau: “Những gì mà ông Chuck Hagel trải qua 50 năm trước đây ở Việt Nam khi còn là thanh niên cũng là những gì mà khoảng 500.000 người Mỹ phải trải qua mỗi năm, cũng như chúng ta không nên quên những người Việt Nam đã chiến đấu trên đất nước của họ kể cả Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam.”
Ông cho biết năm 1968, bối cảnh của cuốn sách, là một năm đầy biến động trong xã hội Mỹ. Đó là năm bầu cử Tổng thống Mỹ mà ông cho rằng Việt Cộng muốn tận dụng để gây xáo trộn trong lòng nước Mỹ nhằm đạt chiến thắng chung cuộc trong cuộc chiến.
“Vào năm đó, Chuck Hagel và em trai ông và lực lượng Mỹ chiến đấu ở Việt Nam đang chiến đấu với một trong những cuộc tấn công lớn nhất trong cuộc chiến – Cuộc Tấn công Tết Mậu Thân vốn bùng nổ vào tháng Giêng năm đó,” ông Bolger nói.
Với hai vụ ám sát nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King và Thượng nghị sỹ Robert Kennedy xảy ra trong cùng năm đó, ông nói, vào lúc đó ‘nước Mỹ đang rối rắm’.
“Chúng ta đã phải đối mặt với một kẻ thù đầy quyết tâm cách nửa vòng trái đất trong khi đất nước chúng ta đang bị chia rẽ về mọi mặt, về sắc tộc, về giới tính, về thế hệ khi mà cha mẹ và con cái không tin tưởng lẫn nhau,” ông mô tả bối cảnh của cuốn sách ‘Our Year of War’.
Cuốn sách theo chân của hai anh em từ cánh đồng thảo nguyên giữa lòng nước Mỹ cho đến một cuộc chiến ở phía bên kia thế giới và quay trở lại với một nước Mỹ đầy chia rẽ, soi rọi vào một số những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trong lúc thuật lại câu chuyện chiến đấu cùng nhau của hai anh em trong một cuộc chiến mà chỉ có người anh là ủng hộ.
Your browser doesn’t support HTML5