Một tòa án ở Trung Quốc đã kết án ông Tôn Chính Tài, cựu bí thư Đảng Cộng sản của thành phố Trùng Khánh nằm ở tây nam nước này, tù chung thân về tội tham nhũng, truyền thông nhà nước cho biết hôm thứ Ba.
Ông Tôn là cựu quan chức cao cấp mới nhất bị hạ bệ trong cuộc chiến của Chủ tịch Tập Cận Bình chống nạn tham nhũng. Ông thú nhận vào tháng 4 trước một tòa án trung cấp ở thành phố Thiên Tân rằng ông đã nhận hối lộ hơn 170 triệu nhân dân tệ (27 triệu đôla).
"Sau khi bản án được công bố, Tôn Chính Tài nói với tòa án rằng ông thừa nhận tội lỗi, tỏ ra ăn năn, chấp nhận quyết định, và nói ông ta sẽ không kháng cáo," Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc cho biết, dẫn lời của tòa án Thiên Tân.
Ông Tôn hoặc người đại diện của ông đã không thể tiếp cận được để xin bình luận kể từ khi ông bị điều tra vào năm ngoái, Reuters cho biết.
Ông Tôn, 54 tuổi, đã đột ngột bị cách chức vào tháng 7 khỏi vị trí lãnh đạo đảng ở Trùng Khánh, một trong những thành phố quan trọng nhất của Trung Quốc. Ông được thay thế bởi ông Trần Mẫn Nhĩ, một người thân cận với ông Tập.
Cho đến lúc đó, ông Tôn, một trong những thành viên trẻ nhất trong số 25 thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng cầm quyền, đã được xem là ứng viên cho vị trí lãnh đạo hàng đầu.
Các công tố viên vào tháng 2 cáo buộc ông Tôn nhận "những khoản tiền hối lộ lớn" trong nhiều chức vụ khác nhau trong 15 năm trở lại đây tại Trùng Khánh, Bắc Kinh, tỉnh Cát Lâm ở đông bắc, và khi ông làm bộ trưởng nông nghiệp.
Việc ông bị kết tội là điều chắc chắn vì các tòa án ở Trung Quốc do đảng kiểm soát và sẽ không thách thức các cáo buộc của đảng.
Ông Tập đã cầm đầu một chiến dịch trấn áp tham nhũng sâu rộng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, nhắm mục tiêu vào cả "hổ" lẫn "ruồi" ám chỉ các quan chức từ chóp bu cho tới thấp bé.
Chiến dịch này đã dẫn tới việc bỏ tù hoặc trừng phạt hàng ngàn quan chức và cũng đã hạ bệ hàng chục quan chức cao cấp của đảng và quân đội.
Nỗ lực chống tham nhũng không chỉ tập trung vào các vấn đề như hối lộ và dùng công quỹ để chi trả cho lối sống xa hoa. Nó cũng nhắm mục tiêu vào những người bị cho là thiếu sự trung thành chính trị hoặc những người công khai nghi ngờ về về các chính sách của đảng.
Trung Quốc đã bác bỏ những chỉ trích nói rằng chiến dịch này vừa nhằm mục đích phục thù chính trị vừa diệt trừ tham nhũng.