Nền kinh tế Thái Lan, vốn là nạn nhân của rối loạn chính trị trong những năm gần đây, đang đối mặt với những yếu tố bất ổn trước cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 8 về bản dự thảo hiến pháp do chính quyền quân nhân hậu thuẫn.
Các chuyên gia kinh tế ở Thái Lan cho biết những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục có thái độ chờ xem giữa lúc nhiều người lo ngại căng thẳng chính trị sẽ gia tăng trong những tháng tới đây.
Bản dự thảo, khác xa rất nhiều với những bản hiến pháp trước đây, hạn chế quyền hành của những đảng dân cử và đề nghị thành lập một thượng viện gồm 250 thành viên, bao gồm những đại diện cấp cao của quân đội, cảnh sát và các lực lượng an ninh.
Các nhà lãnh đạo Thái Lan nói rằng hiến pháp này nhắm tới việc chấm dứt tham nhũng chính trị và dọn đường cho những sự cải cách trong lúc cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào năm 2017.
Tuy nhiên, dự thảo hiến pháp này gặp phải sự chỉ trích kịch liệt của các đảng phái chính trị, kể cả hai đảng lớn là đảng Pheu Thai và đảng Dân chủ. Những người này e rằng nền dân chủ của đất nước sẽ bị xói mòn nếu hiến pháp do quân đội hậu thuẫn được ban hành.
Ổn định hay tự do diễn đạt?
Cựu Ngoại trưởng Kasit Piromya, một chính khách thuộc đảng Dân chủ, nói rằng dự thảo hiến pháp này là “phi tự do” và là một sự tụt hậu của tiến trình dân chủ của Thái Lan. Ông phát biểu như sau với các nhà báo nước ngoài"
"Tôi đã đi tới kết luận là chính quyền quân nhân và một số các quan chức chính quyền cùng với những nhà học thuật có chủ trương bảo thủ muốn thấy đời sống chính trị của Vương quốc Thái Lan được ổn định hơn thay vì có được tự do để bày tỏ những ý kiến khác nhau bên trong quốc hội hoặc trên đường phố hoặc thông qua các phương tiện truyền thông".
Bà Pavida Pananond, giáo sư môn thương mại quốc tế của Đại học Thammasat, cho biết ưu tiên của chính phủ là ổn định chính trị, nhưng điều đó phương hại tới nền kinh tế.
Bà Pavida cho biết: "Đường hướng chính sách về kinh tế không phải là ưu tiên của chính phủ vào thời điểm này. Cho nên tôi nghĩ rằng ảnh hưởng kinh tế trước cuộc trưng cầu dân ý vẫn chưa rõ ràng. Phải đợi cho khi chúng ta nhìn thấy kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng có điều khá rõ ràng vào lúc này là tình hình chính trị sau đó sẽ có nhiều căng thẳng".
Bà Pavida nói thêm rằng tình hình như thế sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế vốn đã ở trong tình trạng không người lèo lái vì những sự dao động trên chính trường.
Một chính phủ như thế nào là tốt nhất cho kinh tế Thái Lan?
Trong một bài bình luận ngày 16 tháng 5 về kinh tế Thái Lan, các nhà phân tích của công ty Capital Economics có bản doanh ở Singapore nói rằng bản dự thảo hiến pháp đã làm cho bầu không khí chính trị nóng lên, với việc “nhiều vụ bắt giữ đã được thực hiện trong lúc chính phủ do quân đội lãnh đạo đàn áp những người chỉ trích.”
Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình hình chính trị bất định tiếp tục gây cản trở cho các dự án đầu tư dài hạn trong khu vực tư cũng như khu vực công.
Ông Somphob Manarangsan, giáo sư kinh tế học của Đại học Chulalongkorn, cho biết các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang “chờ xem”.
Ông Somphob nói: "Họ đang chờ xem tình hình Thái Lan sẽ như thế nào, đặc biệt là tình hình chính trị sẽ như thế nào. Nếu chính phủ có thể xử lý một cách êm thắm, điều đó sẽ phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư, nhưng nếu có rối loạn thì đó là một chuyện khác hẳn".
Phúc trình của Capital Economics cho biết bất kỳ một sự bộc phát nào “của những vụ phản kháng qui mô lớn và những vụ xung đột bạo động cũng sẽ gây ra một cú đấm mạnh cho nền kinh tế.”
Tại các tỉnh miền bắc, cứ địa của đảng Pheu Thai, giáo sư chính trị học Titipol Phakdeewanich cho biết những cuộc thảo luận công khai về dự thảo hiến pháp đã bị hạn chế trong lúc nhiều người cảm thấy thất vọng đối với nội dung của dự thảo này.
Ông Titipol nói: "Nhiều người đang bàn về bản dự thảo. Nhưng thật ra không có lựa chọn tốt đẹp nào và không có một giải pháp thay thế nào bởi vì bản thân bản hiến pháp đã bị cả hai đảng chính trị chính chỉ trích một cách kịch liệt. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nếu dự thảo hiến pháp được thông qua thì ít ra chúng ta cũng có bầu cử vào năm 2017, nhưng đó không phải là một sự lựa chọn lý tưởng đối với người dân".
Các giới chức cấp cao trong quân đội, kể cả Tư lệnh Theerachai Nakwanich, đã bác bỏ sự chống đối của các đảng phái đối với dự thảo hiến pháp. Họ nói rằng văn kiện này là “bước đầu tiến tới dân chủ”.