Frances Alonzo, Lisa Schlein
Mới đây, giữa lúc tình hình chiến sự tại Iraq đang căng thẳng, Thủ tướng Nouri al-Maliki đã đề nghị cấp 644 đô la mỗi tháng cho các tình nguyện viện sát cánh chiến đấu cùng các lực lượng an ninh của chính phủ tại các khu vực được gọi là điểm nóng, những nơi các phần tử chủ chiến hoạt động nhiều nhất. Những điểm nóng rất nguy hiểm cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong khi đó tại Syria, một cuộc khảo sát mới cho thấy có hơn 145.000 gia đình tỵ nạn Syria mà trụ cột trong gia đình là phụ nữ, những người phải vật lộn với cuộc sống để đủ ăn.
Your browser doesn’t support HTML5
Bà Suaad Allami là người sáng lập các bệnh xá hợp pháp đầu tiên tại Iraq, chuyên giúp đỡ phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói và những người sống sót sau những vụ bạo hành. Trong chuyến đi tới Washington hồi gần đây để nhận giải thưởng Vital Voices’s Fern Holland Award (tạm dịch: Giải thưởng Những tiếng nói Quan trọng Fern Holland) nhằm vinh danh những thành tựu mà bà đạt được trong vấn đề nhân quyền và việc truyền sức mạnh cho phụ nữ, bà cho biết tình hình hiện tại ở Iraq gần như ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người tại đó:
“Dĩ nhiên, cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng tới tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, như phụ nữ, trẻ em và người già. Vừa rồi đã có năm phụ nữ tự sát bởi vì các thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) cố kết hôn với họ. Bởi vì những người phụ nữ này từ chối không muốn kết hôn với những người này nên họ đã quyết định tự sát. Tôi không muốn gọi những thành viên này là các phần tử chủ chiến, mà tôi muốn gọi họ là những kẻ khủng bố. Những kẻ khủng bố này muốn kết hôn với các cô gái và…đây thậm chí không phải là một cuộc kết hôn hợp pháp. Đi tới đâu chúng đều làm chuyện đó. Chúng tôi gặp nhiều trường hợp những tên khủng bố này bỏ vợ và con đi mà không để lại danh tính. Những người phụ nữ bị cưỡng hôn này thậm chí còn không biết tên người đàn ông mà họ lấy làm chồng. Những người phụ nữ cần phải đăng ký kết hôn, cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.”
Không chỉ thiếu những tấm giấy đăng ký kết hôn mà bất cứ một cặp vợ chồng nào cũng cần phải có, những người phụ nữ sống trong các khu vực điểm nóng ở Iraq hàng ngày phải chịu cảnh thiếu thốn những nhu cầu vật chất cơ bản nhất như thực phẩm, nước uống, điều trị y tế. Cho dù là chạy trốn khỏi thành phố hay ở lại, họ cũng đều không có một cuộc sống dễ dàng. Bà Allami cho biết:
“Đối với những người đã rời bỏ thành phố, họ ra đi mà không có gì cả. Nhưng còn những người không thể rời đi, những kẻ khủng bố thản nhiên bước vào nhà dân. Chúng tìm cách đếm xem có bao nhiêu phụ nữ còn ở lại trong thành phố, trong số đó có bao nhiêu người đã lập gia đình và bao nhiêu người chưa. Điều này có nghĩa là chúng muốn lấy những người phụ nữ này làm vợ và thậm chí còn cưỡng hiếp họ.”
Nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp như vậy nhưng cộng đồng địa phương lại không thể làm gì để giúp đỡ họ, theo lời bà Allami:
“Người dân trong cộng đồng không thể làm gì để giúp họ cả. Không ai có thể ngờ những chuyện như thế này có thể xảy ra như vậy. Người dân không có gì cả. An ninh cũng không có bởi lẽ những tên khủng bố đã chiếm hết quyền kiểm soát mọi thứ trong thành phố như Mosul rồi.”
Cũng giống như Iraq, tại Syria, cuộc nội chiến cũng đang đẩy những người phụ nữ tỵ nạn của nước này vào tình trạng khốn cùng.
Cuộc khảo sát do cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thực hiện ở Ai Cập, Libăng, Iraq, và Jordan cho biết những hộ gia đình như thế này đang bị mắc kẹt giữa những vòng xoáy của nghèo đói, bị cô lập, và những sự sợ hãi.
Bản khảo sát chỉ ra rằng cứ bốn phụ nữ Syria bị ép phải bỏ nhà chạy trốn thì có một người đang phải đối mặt với mối nguy sống lưu vong đơn độc mà không có chồng giúp đỡ và chăm sóc gia đình.
Tình hình này vốn dĩ là khó khăn trong bất cứ tình huống nào. Nhưng nó đặc biệt trở nên khó khăn cho những phụ nữ tỵ nạn Syria, những người đến từ một xã hội rất truyền thống và bảo thủ, một xã hội mà một người phụ nữ nếu không có chồng thì sẽ không có địa vị trong xã hội và sẽ bị đối xử như là một tầng lớp bị cộng đồng ruồng bỏ.
Trưởng phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, bà Melissa Flemming cho đài VOA biết rằng những người phụ nữ như thế này đều bị chấn thương tâm lý và cực kỳ lo lắng rằng họ sẽ sống như thế nào và làm sao để tự mình có thể nuôi sống gia đình nơi xứ người:
“Nỗi lo lớn nhất của họ là tiền bạc, vật chất. Họ đồng thời cũng cảm thấy bị cô lập, sợ hãi khi phải chuyển từ chỗ này qua chỗ khác. Họ dễ bị tổn thương trước những sự quấy rối, tấn công từ những người đàn ông. Vì thế mà việc làm một người tỵ nạn trong nhiều trường hợp đều cực kỳ đáng lo ngại và rất khó khăn.”
Bản báo cáo của Cơ quan Tỵ nạn LHQ được dựa trên những lời khai của 135 phụ nữ trong suốt ba tháng hồi đầu năm 2014. Cuộc khảo sát chỉ ra rằng phần đông những người tỵ nạn Syria ở trong vùng không sống trong các trại tỵ nạn, những nơi cung cấp một môi trường an toàn, thực phẩm hàng ngày, và những sợ trợ giúp khác.
Thay vào đó, những người tỵ nạn này sống ở các thị trấn và thành phố, trong những chỗ trú ẩn hay căn gara xiêu vẹo, ọp ẹp, hay ở trong những căn phòng thuê với giá cắt cổ. Bản khảo sát nói chỉ có một phần năm những người phụ nữ tỵ nạn có việc được trả lương và rất nhiều người trong số họ thấy khó khăn khi kiếm việc. Bản khảo sát cũng nói rằng nhiều phụ nữ phải đối mặt với việc bị bóc lột, dễ bị tổn thương trước những vụ cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục, và các hình thức hăm dọa và quấy rối khác.
Bản báo cáo lưu ý rằng chỉ một phần năm những người phụ nữ Syria nhận được sự trợ giúp từ họ hàng và môt phần ba trong số những người được khảo sát nói họ không có đủ thức ăn.
Bà Flemming nói rằng rất nhiều hộ gia đình có phụ nữ làm trụ cột không có đủ tiền để sống và bị buộc phải lựa chọn giữa việc có nên tiếp tục để con mình đi học hay cho các em nghỉ học để đi làm.
“Đây là một mối lo lớn khác cho những người phụ nữ này. Đầu tiên, những đứa con của họ phải chứng kiến những điều mà không một đứa trẻ nào đáng phải thấy trong cuộc chiến đang diễn ra ở quê nhà Syria. Chúng phải rời bỏ quê hương, bị chấn thương tâm lý, mất bạn bè. Và điều mà tất cả những người mẹ này mong muốn nhất là làm sao để con cái họ có thể hồi phục và quay trở lại trường học. Nhưng vấn đề là họ không có đủ tài chính để cho con đi học. Vì thế mà họ phải cho con nghỉ học và nghĩ rằng hy vọng đây chỉ là tạm thời. Thật không may, những đứa trẻ này cũng lại bị bóc lột. Chúng không được trả nhiều tiền và phải làm việc nhiều giờ đồng hồ.”
Kể từ đầu năm 2014, cơ quan tỵ nạn LHQ báo cáo rằng hàng tháng có khoảng 100.000 người tỵ nạn mới đăng ký. Với tỷ lệ này, cơ quan này nói rằng họ dự kiến số người tỵ nạn Syria sẽ gia tăng từ con số hiện tại là 2.8 triệu đến 3.6 triệu vào cuối năm 2014.
Phát ngôn viên của UNHCR, bà Melissa Flemming nói rằng, việc bùng nổ số người tỵ nạn Syria có nghĩa sẽ có thêm nhiều hộ gia đình có trụ cột là phụ nữ cần chăm sóc và bảo vệ. Trong khi đó, bà Flemming cho biết cơ quan của bà sẽ cố gắng hết sức để xác định các gia đình thuộc diện có thể bị tổn thương để cung cấp cho họ những sự trợ giúp cần thiết.