2014 là năm mà thế giới tập trung chú ý đến việc lập ra luật lệ để quản lý những gì diễn ra trên mạng internet, theo phúc trình của tổ chức bảo vệ dân chủ và thăng tiến nhân quyền Freedom House có trụ sở tại Mỹ.
Thông thường, các nước đàn áp những tiếng nói chỉ trích nhà nước trên mạng hay dùng các biện pháp cản trở tự do internet như khóa chặn các trang web và kiểm duyệt sàng lọc các nội dung trên internet, thậm chí đôi khi còn gây sách nhiễu ngoài đời đối với các nhân vật bất đồng chính kiến.
Thế nhưng, theo phân tích của Freedom House, xu hướng này đã thay đổi, một phần vì các nhà hoạt động trên mạng ngày càng linh hoạt hơn trong việc tìm ra các kẽ hở xung quanh những giới hạn đó.
Một ví dụ được Freedom House đưa ra là Greatfire, một dịch vụ đưa các nội dung thường bị nhà nước Trung Quốc khóa chặn lên các diễn đàn lớn toàn cầu như các server của Amazon, khiến chính phủ Bắc Kinh khó khóa chặn về mặt kỹ thuật và chính trị.
Trước thực trạng này, theo phúc trình của Freedom House, các chính phủ kiểm duyệt internet gắt gao như Việt Nam hay Trung Quốc chuyển sang phương sách dùng các luật lệ của quốc gia để quy định những gì được hay không được phép thể hiện trên internet.
Freedom House báo cáo Việt Nam đã thông qua các nghị định đàn áp bất cứ ai dùng internet và các trang mạng xã hội để chỉ trích nhà nước.
Tính đến năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam lần lượt là hai quốc gia bắt giữ nhiều blogger nhất trên thế giới, theo thống kê của Freedom House.
Phúc trình của Freedom House cũng chỉ ra rằng trong năm 2014 tình hình tự do internet xuống dốc tại 36 trên tổng số 64 nước được khảo sát trên toàn cầu.
Nguồn: Freedom House, Washington Post
Your browser doesn’t support HTML5