Cúm gia cầm đang lây lan nhanh chóng, đe dọa sức khỏe toàn cầu

Các chuyên gia y tế và các chuyên gia thú y quốc tế cảnh báo cúm gia cầm H5N1 đang phát triển nhanh chóng và đề ra một mối đe dọa sức khỏe toàn cầu khi virus này ngày càng lây lan từ loài này sang loài khác và gây bệnh cho một loạt các loài động vật có vú, cả động vật nuôi và hoang dã.

“Những diễn biến này đề ra thách thức lớn đối với sức khỏe động vật, con người và môi trường,” bác sĩ thú y Gregorio Torres kiêm trưởng khoa khoa học của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), cho báo giới biết tại Geneva hôm 18/12.

Ông lưu ý rằng cúm gia cầm, hay còn gọi là cúm gà, đã được báo cáo tại 108 quốc gia và lãnh thổ trên 5 châu lục trong ba năm qua.

“Tính đến tháng 12/2024, các ca nhiễm đã được phát hiện ở trên 70 loài động vật có vú, cả động vật nuôi và hoang dã,” bác sĩ Torres cho biết.

“Tới nay, giám sát chặt chẽ virus chưa phát hiện được các dấu hiệu có thể cho thấy sự thích nghi hiệu quả với động vật có vú, nhưng chúng tôi biết rằng điều này có thể thay đổi bất cứ lúc nào,” ông nói.

Đa số ca nhiễm ở Mỹ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này báo cáo có 76 người đã nhiễm virus cúm gia cầm H5 trong năm nay, phần lớn là công nhân nông trại. Trong số này, 61 trường hợp xảy xảy ra ở Hoa Kỳ, quốc gia đã báo cáo các ổ dịch nơi động vật hoang dã, gia cầm và gần đây là nơi bò sữa.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy có sự lây nhiễm từ bò sữa sang người, và rất nhiều ca trong nước Mỹ,” giám đốc khâu xử lý các mối đe dọa dịch tễ và đại dịch tại WHO, Maria Van Kerkhove, cho biết.

“Tại Hoa Kỳ, ngoại trừ hai trường hợp, tất cả đều có liên hệ trực tiếp với động vật bị nhiễm, dù đó là làm việc trên các trang trại hay tham gia vào các chiến dịch tiêu hủy,” bà nói. “Chúng tôi chưa thấy có sự truyền bệnh từ người sang người trong số các ca bệnh này.”

Mặc dù phần lớn sự chú ý về tình hình cúm gia cầm tập trung vào Hoa Kỳ trong năm nay, bà Van Kerkhove lưu ý rằng Australia, Campuchia, Canada, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã báo cáo các ổ dịch.

Dựa trên thông tin hiện có, bà cho biết virus H5N1 vẫn là virus cúm gia cầm và chưa thích nghi để lây lan giữa người với người, đồng thời nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra dịch tễ học, virus học và huyết thanh học “cho đến nay chưa báo cáo hoặc phát hiện sự truyền bệnh từ người sang người.”

“Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nhanh chóng khi virus tiến hóa, đó là lý do vì sao chúng tôi đang tích cực đánh giá tình hình và cũng là lý do tại sao việc giám sát lại rất quan trọng,” bà nói.

300 triệu gia cầm chết

Mặc dù WHO đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh đối với công chúng hiện tại là thấp, nhưng theo WHO, nguy cơ sức khỏe cộng đồng đối với công nhân nông trại và những người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh là từ thấp đến trung bình. WHO khuyến cáo các nhóm phơi nhiễm nên dùng thiết bị bảo vệ cá nhân như đồ bảo hộ, khẩu trang, kính bảo vệ mắt, găng tay và ủng để giảm thiểu rủi ro.

Kể từ tháng 10/2021, H5N1 đã giết chết hơn 300 triệu gia cầm trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người.

“Ngoài tác động trực tiếp đến sinh kế, gánh nặng kinh tế đối với nông dân có thể dẫn đến việc giảm đầu tư vào các biện pháp an ninh sinh học,” Madhur Dhingra, cán bộ cao cấp về bệnh truyền nhiễm động vật của Tổ chức Lương - Nông Liên hiệp quốc (FAO), cho biết.

“Điều này làm tăng nguy cơ và dẫn đến một chu kỳ rủi ro nguy hiểm, sự dễ bị tổn thương và mất mát. ... Ở những khu vực phụ thuộc nhiều vào gia cầm như một nguồn protein chính, HPAI [cúm gia cầm độc lực cao] là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng,” bà nói.

Các chuyên gia y tế đồng ý rằng việc tăng cường giám sát và theo dõi chặt chẽ sự tiến hóa của virus H5N1 là rất quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan rộng rãi trên toàn cầu.

“Mặc dù chúng tôi đang trong trạng thái sẵn sàng, tôi nghĩ thế giới chưa sẵn sàng cho một bệnh truyền nhiễm nữa, một đợt bùng phát khác, hay một đại dịch nữa vì chúng ta đã sống qua COVID và đó là một trải nghiệm cực kỳ đau thương, và nó vẫn đang tiếp diễn.”

“Chúng tôi khuyến nghị các quốc gia thành viên và các cơ quan quốc gia tăng cường giám sát và cảnh giác đối với các quần thể con người, đặc biệt là những người có nguy cơ phơi nhiễm do nghề nghiệp, về khả năng nhiễm bệnh, và tất nhiên, tiến hành các cuộc điều tra kỹ lưỡng về mỗi ca bệnh,” bà nói.

Trong khi chờ đợi, bà khuyên mọi người nên giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cúm gia cầm bằng cách chú ý đến những gì họ ăn uống.

“Các con bò bị nhiễm virus H5N1 đã được báo cáo có lượng virus cao trong sữa của chúng,” bà nói và khuyến cáo mọi người “nên tiêu thụ sữa đã tiệt trùng.”

“Nếu không có sữa tiệt trùng, việc đun sôi sữa cũng làm cho nó an toàn để tiêu thụ. Tương tự, chúng tôi khuyến cáo nấu chín kỹ thịt và trứng trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm,” bà lưu ý.