Fidel Castro trông có vẻ già đi trong bài diễn văn trước Quốc hội Cuba, lần đầu tiên nói trước cơ quan này kể từ 2006, nhưng lời lẽ của ông không giảm bớt chuyện chống Mỹ. Ông tố giác Hoa Kỳ đang đẩy Iran vào một cuộc chiến tranh hạt nhân:
“Hoa Kỳ sẽ dẫn đến cái chết của hàng trăm ngàn người, trong đó có vô số người Mỹ, cộng với lính Hải quân Mỹ trên các tàu chiến có mặt ở vùng biển của Iran.”
Nhận xét của ông Andy Gomez, nhà nghiên cứu về Cuba tại trường đại học Miami:
“Khi nói câu này, ông Fidel Castro không nhất thiết cho người ta thấy Cuba muốn trở thành đồng minh của Iran, mà chỉ là dịp để gây chuyện với Hoa Kỳ, vì Fidel muốn như vậy. Trong thực tế, giữa Cuba và Iran chỉ ký với nhau một vài hiệp định.”
Đối với nhiều người Cuba, bài diễn văn của Fidel nói rất ít về các đề tài quốc nội, nhất là tình hình kinh tế yếu kém. Theo Philip Peters, Viện phó của Viện nghiên cứu Lexington, Fidel cố ý làm như thế:
“Nếu cần, ông anh có thể nói từng chi tiết nhỏ nhất về các chính sách quốc nội của chính phủ, nhưng ông ta không hề động đến. Quan trọng hơn nữa, ông anh không nói một chút nào liệu ông ta có phản đối chuyện ông em đã thả một số tù chính trị.”
Hồi tháng 7, Cuba thả 21 tù chính trị, một số được đưa đi định cư bên Tây Ban Nha.
Nhà nghiên cứu Gomeaz cho rằng sự kiện này nhằm làm dịu bớt những chỉ trích từ Hoa Kỳ và các nước khác, nhưng khi đưa các nhân vật bất đồng chính kiến ra nước ngoài, Cuba muốn làm suy yếu phe đối lập:
“Họ muốn loại bớt những người đối lập. Đây là một bước khôn ngoan. Kết quả là các tù chính trị đạt được tự do mà họ muốn nhưng đáng tiếc là họ phải đi lưu vong.”
Ông còn dự đoán là trong tương lại chính phủ của Tổng thống Obama có thể đáp ứng chuyện thả tù chính trị bằng cách nới lỏng một số biện pháp đã áp đặt lên Cuba, ví dụ sẽ để cho có thêm công dân Mỹ được du hành sang Cuba.
Chuyên viên Peters của Viện Lexington nói rằng ngoài những chuyện nhỏ này, các cải cách của Cuba sẽ tiến một cách chậm chạp nếu như hai anh em Casro vẫn còn nắm quyền:
“Tôi không tin chút nào rằng ông anh Fidel sẽ chịu nhượng bộ, nhưng khá rõ ràng là đối với các cải cách kinh tế, ông em Raul tiến hành cẩn thận, từng bước một. Phải chờ một thời gian nữa mới thấy kết quả, sẽ mất nhiều thời gian hơn là đa số chúng ta mong muốn.”
Vấn đề đặt ra là nếu điều này đúng thì phản ứng của Hoa Kỳ sẽ là gì?
Những lần xuất hiện trước công chúng hồi gần đây của Fidel Castro làm người ta đặt câu hỏi về vai trò của ông hiện nay trong chính phủ Cuba, và nếu có thì ảnh hưởng của vai trò đó lên quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ như thế nào.