Điều gì mang tính quyết định trong cuộc bầu cử năm sau, nền kinh tế hay chính sách đối ngoại? Vấn đề nào sẽ có tác động lớn hơn đối với cử tri - tỉ lệ thất nghiệp hay số phận của Nhà nước Hồi giáo?
Vẫn còn 17 tháng nữa mới tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kế tiếp, nhưng những ứng cử viên và các chuyên gia chính trị đã bận bịu cố gắng suy đoán xem vấn đề nào sẽ là những vấn đề quan trọng nhất với cử tri vào năm 2016.
Nền kinh tế thường là vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử trong bất kỳ năm nào và chuyên gia thăm dò dư luận của Đảng Dân chủ Celinda Lake dự đoán có phần chắc nền kinh tế sẽ lại là vấn đề nổi bật trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. "Người Mỹ vẫn còn khá bi quan về nền kinh tế bất chấp nhiều tháng tăng trưởng việc làm, và người Mỹ đã chuyển mối bận tâm về việc liệu có thể có được công ăn việc làm hay không sang mối bận tâm về công việc trả lương bao nhiêu và liệu công việc đó có phải là toàn thời gian không và liệu con cái họ có thể tìm được những việc làm giống vậy hay không," bà Lake nói.
Thuyết phục tầng lớp trung lưu
Nhiều năm qua, bà Lake và chuyên gia thăm dò dư luận của Đảng Cộng hòa Ed Goeas đã làm việc cùng nhau trong cuộc khảo sát Battleground Poll của Đại học George Washington, chuyên thăm dò thái độ của cử tri về nhiều vấn đề và về những ứng cử viên trong một chu kỳ bầu cử tổng thống.
Ông Goeas đồng ý nền kinh tế sẽ là vấn đề hàng đầu vào năm sau và nói rằng đảng nào nhắm mục tiêu vào sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu thì đảng đó sẽ thắng thế. "Những gì mà tôi nhận thấy về thái độ của tầng lớp trung lưu là một cảm giác đang lớn dần cho rằng người giàu có được hưởng những chương trình đặc biệt, người nghèo được lãnh phúc lợi và tầng lớp trung lưu thì phải gánh hóa đơn. Và nhận thức đó khiến họ cảm thấy mình bị chèn ép và rằng họ là những người ít được quan tâm và ít được chú ý tới nhất ở Washington," ông Goeas nói.
Nhiều mối lo về chính sách đối ngoại
Battleground Poll nhận thấy 23% những người được khảo sát cho biết nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu của họ, kế đến là 14% đề cập đến công ăn việc làm.
Những mối đe dọa từ nước ngoài xếp thứ ba ở mức 12%, nhưng ông Goeas cho biết kết quả trả lời cho riêng một câu hỏi khiến ông lưu ý nhiều. "Bạn có nghĩ rằng ai đó trong gia đình thân cận của bạn sẽ là mục tiêu tấn công khủng bố hay không? Và cơ bản có 39% nói là có mà chúng tôi cho rằng họ rất lo lắng hoặc lo lắng phần nào. Có 34% nói rằng họ không quá lo lắng. Nhưng việc này vẫn nằm trong tâm thức của công chúng," ông nói.
Bà Lake thừa nhận những lo ngại về an ninh quốc gia là có thật trong cuộc khảo sát. Nhưng bà dự đoán nền kinh tế và công ăn việc làm sẽ là những vấn đề quan trọng nhất trong suy nghĩ của cử tri khi cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 11 năm sau. "Câu hỏi đặt ra là liệu đây sẽ là một cuộc bầu cử về chính sách đối ngoại chăng và ngay bây giờ thì câu trả lời dường như là không. Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi. Người ta lo lắng về tấn công khủng bố."
Các cuộc thăm dò cho thấy phe Cộng hòa có lợi thế hơn phe Dân chủ về những vấn đề chính sách đối ngoại vào thời điểm này với cách biệt 50-40 phần trăm. Phe Cộng hòa cũng có lợi thế về quản lý nền kinh tế bằng với cách biệt 49-44 phần trăm. Và trong một dấu hiệu nguy hiểm cho phe Dân chủ, 65% người được khảo sát nói họ nghĩ đất nước đang đi lầm đường, điều mà có thể cho phe Cộng hòa thêm một lợi thế nữa vào năm sau nếu họ thể hiện mình là tác nhân thay đổi sau tám năm ông Barack Obama ngồi trong Tòa Bạch Ốc.
Đòi hỏi thay đổi
Cả hai chuyên gia thăm dò nói rằng dù công chúng dường như đang muốn có sự thay đổi trong cuộc bầu cử vào năm sau, song họ nhận thấy điều cử tri quan tâm nhất là tìm kiếm một ứng cử viên tổng thống "giải quyết vấn đề một cách hữu hiệu ở Washington" thay vì người nào đó "có quan điểm (chính trị) sát với quan điểm của chính họ. "
Ông Goeas tin rằng điều này có lợi cho Đảng của ông vào năm sau vì cử tri sẽ tìm kiếm sự thay đổi sau tám năm dưới quyền ông Obama.
Không ngạc nhiên, bà Lake của Đảng Dân chủ cho rằng bà Hillary Clinton có vị thế rất tốt để giải quyết những mối lo ngại về kinh tế hiển hiện trong cuộc khảo sát, và rằng bà Clinton sẽ được lợi vì những cử tri đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo hữu hiệu để đưa đất nước trở lại đúng đường.