Crimea chuẩn bị trưng cầu dân ý về vấn đề gia nhập Nga

Ông Jack Matlock, đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại Liên bang Sô viết (1987-91)

Kể từ cuối thế kỷ thứ 18, Crimea đã là một phần của Nga. Ông Jack Matlock, đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại Liên bang Sô viết (1987-91), nói bán đảo này đóng một vai trò quan trọng trong đấu trường quân sự.

Ông Matlock nói: “Những người nói tiếng Anh có thể không nhận ra rằng cuộc tấn công của Binh đoàn Ánh sáng - cuộc tấn công nổi tiếng đó – đã diễn ra trong cuộc chiến tranh Crimea khi Anh tấn công Crimea. Leo Tolstoy, văn hào vĩ đại, đã viết một số câu chuyện ban đầu về sự kiện đó – khi ông là một sĩ quan pháo binh về phía Nga. Căn cứ hải quân tại Sevastopol đã từng là bản doanh của Hạm đội Hắc Hải Nga ngay từ khi hạm đội đuợc thành lập ở đó vào cuối thế kỷ thứ 18.

Trong thời kỳ nội chiến Nga, Crimea đã trở thành một căn cứ của lực luợng Bạch Vệ chống Bôn-sê-vich.

Năm 1954, lãnh tụ sô viết thời đó là Nikita Khrushchev đã giao bán đảo của Ukraina, lúc đó còn là một nước cộng hòa sô viết.

Crimea dưới quyền kiểm soát của Nga

Nhưng nay, Crimea nằm dưới quyền kiểm soát của quân lực Nga, đã tiến vào bán đảo hồi tháng trước. Các giới chức Nga nói hành động đó nhằm bảo vệ người sắc tộc Nga sinh sống ở đó. Họ đại diện cho khối đa số trong dân chúng ở Crimea. Nhưng các giới chức Tây phuơng nói không có bằng chứng là người Nga cần sự bảo vệ.

Phụ nữ tham gia cuộc biểu tình ủng hộ Ukraina ở Simferopol, 13/3/14


Ông Matlock nói bằng cách nắm quyền kiểm soát quân sự đối với Crimea, Nga đã vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ không đồng ý với những người nói rằng Tổng thống Nga Valdimir Putin hành động theo cách ông đã làm ở Crimea bởi vì ông cảm thấy Tổng thống Barack Obama yếu thế.

Ông Matlock nói: “Ông Putin làm như thế này một phần, và tôi nghĩ là rất có hại cho lý tưởng riêng của ông ta, bởi vì ông nhìn thấy, có thể là tôi nói một cách không công bằng, rằng đó từng là chính sách cụ thể là của Hoa Kỳ. và của phương Tây nói chung, nhằm bao vây Nga về mặt quân sự - và ông ấy sẽ không chấp nhận điều đó. Không một nhà lãnh đạo Nga nào muốn làm như vậy.

Ông Obama Không Yếu thế

Ông Matlock nói những người bảo ông Obama là yếu thế đang gửi đi những tín hiệu sai lầm.

Ông Matlock nhận định: “Nhiều người đang kêu gào lên rằng chúng ta tỏ ra yếu thế chính xác là những người đã đi quá đà khiến chúng ta can dự vào các tình huống đã gây tổn thất một cách thê thảm cho 5000 sinh mạng Mỹ ở Iraq. Dứt khoát là vô lý khi bắt đầu gợi ý rằng bằng cách vỗ ngực thêm một chút thì ông Obama có thể khuất phục được một nước Nga mà trong mắt Nga chỉ đang bảo vệ quyền lợi của họ - một cách rất thiếu khôn ngoan, đi ngược lại với luật pháp quốc tế, ngược lại với mọi thỏa thuận trước đây – nhưng họ có thể nói chính xác cũng điều đó về một số điều mà chúng ta đã làm chỉ cách đây vài năm.”

Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày chủ nhật

Các nhà lập pháp ở Crimea đã dự trù một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16 tháng 3 về việc liệu có sát nhập với Nga hay ở lại với Ukraina.

Ông Matlock nói trong trường hợp cử tri quyết định sát nhập với Nga, mọi hành động để sắp xếp lại đường biên giới sẽ vi phạm Đạo luật Chung quyết Helsinki năm 1975. Ðạo luật này nói rằng nếu thay đổi các lằn ranh biên giới đã được thừa nhận thì việc này phải được thực hiện qua thỏa thuận chung của tất cả các bên liên hệ - trong trường hợp này là Nga và Ukraina.

“Tôi hy vọng rằng chính phủ Nga sẽ chỉ tuyên bố là họ có một nghĩa vụ chính trị theo Đạo luật Chung quyết Helsinki – Liên bang Sô viết đã ký đạo luật đó và trong tư cách một quốc gia kế nhiệm, chúng ta cũng phải có những nghĩa vụ ấy – và vì thế chúng ta sẽ không chấp nhận Crimea cho đến khi nào chính phủ Ukraina, là nước có chủ quyền hợp pháp, đồng ý như vậy.”

Ông Matlock nói đó sẽ là một quyết định chính trị xuất sắc của Tổng thống Putin và nó sẽ xoa dịu căng thẳng trong một khu vực nhiều biến động.

Còn về cuộc trưng cầu dân ý ngày chủ nhật, Hoa Kỳ, các đồng minh Âu châu và chính phủ Ukraina nói rằng nó vi phạm hiến pháp Ukraina và có tính cách bất hợp lệ.