Nói chuyện với hằng ngàn đại biểu trong đảng bảo thủ của bà, Thủ tướng Angela Merkel minh xác rằng Đức sẽ phải hy sinh thêm để đối phó với những biến cố tài chánh tại Châu Âu.
Bà nói, hiện nay Châu Âu đang ở trong một thời khắc gay go nhất, có thể gay go nhất kể từ Thế Chiến Thứ Hai. Bà nói "chúng ta phải ý thức rõ rằng chúng ta không thể nản lòng về chuyện đó." Bà nói hồi năm 2008, nước Đức đã tìm cách vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chánh với khẩu hiệu là Đức sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng này mạnh hơn so với lúc bước vào tình trạng đó. Giờ đây nước Đức phải thành công trong sứ mạng đưa Châu Âu ra khỏi cuộc khủng hoảng này mạnh hơn so với lúc rơi vào tình trạng đó.
Bà Merkel nói thêm rằng cơ cấu của Liên Hiệp Châu Âu phải được phát triển thêm nữa. Điều đó có nghĩa là tạo ra một Châu Âu bảo đảm là đồng euro có một tương lai.
Thủ tướng Đức nói rằng “euro” có ý nghĩa sâu xa hơn là một loại tiền tệ. Nó là biểu tượng sự thống nhất của Châu Âu và nó đã trở thành biểu tượng của nửa thế kỷ hòa bình, tự do và phồn thịnh.
Nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu nhấn mạnh rằng nếu “euro” thất bại thì Châu Âu cũng sẽ thất bại.
Tại Ý, Thủ tướng được chỉ định Mario Monti bắt đầu các cuộc thảo luận hôm thứ Hai để thành lập một chính phủ mới gồm các chuyên gia phi chính trị. Nỗ lực này tiếp theo sau vụ từ chức của ông Silvio Berlusconi và việc quốc hội chấp thuận các dự luật khẩn cấp về khắc khổ và cải tổ.
Nhưng nhà phân tích chính trị James Walston, tại Trường Đại Học American University ở Rome nói rằng, sự kiện ông Berlusconi từ chức không có nghĩa là ông từ bỏ chính trị.
Ông Waltston nói: "Ông Berlusconi đã bày tỏ rất rõ lập trường của ông khi từ chức hôm Chủ Nhật. Ông đã gởi một thông điệp cho nước Ý nói rằng con đường hoạt động của ông chưa chấm dứt, trước hết, ông nói rằng cá nhân ông rất phiền chuyện thiên hạ reo mừng khi ông từ chức nhưng về phương diện thực chất ông sẽ gia tăng nỗ lực gấp đôi để tiếp tục ý tưởng phục hưng nước Ý. Vì vậy vào lúc này chắc chắn ông chưa nghỉ hưu, ông không phải là mẫu người nghỉ hưu."
Ông Monti, một giáo sư kinh tế 68 tuổi, cam kết hành động với cảm quan khẩn cấp để tìm các bộ trưởng cho chính phủ mới và nói rằng hy vọng ông sẽ quy tụ được một đội ngũ mạnh. Ông đã dành suốt ngày để hội họp với nhiều đảng phái chính trị.
Sau khi ông thành lập được một nội các nhỏ gồm các chuyên gia kỹ thuật và đưa ra các ưu tiên cho hoạt động của chính phủ, ông sẽ còn cần phải bảo đảm rằng có đủ ủng hộ trong quốc hội để cai trị. Chính phủ mới của ông Monti sẽ có nhiệm vụ thi hành các cải tổ kinh tế nhằm phục hoạt nền kinh tế trì trệ và cắt giảm bớt nợ công.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh dấu hiệu của việc chấm dứt nhiều tuần lễ bất ổn tại Ý. Ông Monti có thể sẽ viếng thăm Pháp hoặc Đức để gặp bà Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong vòng một tuần lễ sau khi thành lập xong chính phủ mới.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, kêu gọi một thống nhất chính trị mạnh mẽ hơn tại Châu Âu để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nần của khối này. Bà gọi cuộc khủng hoảng hiện nay là “thời khắc gay go nhất kể từ Thế Chiến Thứ Hai” của đại lục này. Và tại Ý, Thủ tướng được chỉ định, Mario Ponti đang nỗ lực hành động để chọn các thành viên cho Nội các của ông. Thông tín viên Castelfranco tường thuật từ Rome cho đài VOA.