Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) công bố danh sách 10 nước hạn chế truyền thông nhiều nhất. Theo tường thuật của thông tín viên Daniela Schrier của đài VOA tại New York, Eritrea và Bắc Triều Tiên dẫn đầu danh sách những nước sách nhiễu và cầm tù ký giả, và kiểm duyệt internet để tìm cách làm im tiếng các nhà báo.
Bị bỏ tù là những gì xảy ra cho các nhà báo tại 10 nước nằm trong danh sách Uỷ ban Bảo vệ Ký giả công bố ngày hôm nay.
Trung Quốc là nước giam cầm ký giả nhiều nhất thế giới, với 44 nhà báo đang lâm cảnh lao lung. Trong khi đó, Iran thường xuyên thực hiện những chiến dịch bắt bớ hàng loạt để bóp nghẹt tiếng nói bất đồng hoặc ép buộc các nhà báo độc lập phải bỏ nước ra đi.
Với 200 ký giả trên thế giới bị giam cầm trong năm nay, ông Courtney Radsch của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả nói rằng năm nay là năm nguy hiểm cho những người hành nghề báo chí.
"Ba năm vừa qua là những năm nguy hiểm nhất đối với các nhà báo, với số người cầm bút bị giết hại, bị cầm tù lên tới mức cao kỷ lục. Theo các số liệu của chúng tôi, hơn 400 nhà báo đã bị buộc phải đi lưu vong trong 5 năm qua."
Kiểm duyệt internet là một khí giới chính mà chính quyền sử dụng để bóp nghẹt những tiếng nói phê phán. Tại Bắc Triều Tiên, chỉ có những người thuộc thành phần có quyền thế mới có thể truy cập internet, và tại Cuba, các blogger phải tải lên từ các sứ quán nước ngoài hoặc các khách sạn để có được sự nối kết không bị sàng lọc.
642 triệu người sử dụng internet ở Trung Quốc đối mặt với tường lửa, thường được gọi là “Vạn lý Hoả thành”.
"Kiểm duyệt là một công cụ rất mạnh để hạn chế dòng chảy thông tin. Để né tránh kiểm duyệt quí vị thường phải có những xảo năng kỹ thuật tối tân, phải biết dùng những công cụ nào và những kỹ thuật nào và phải biết cách để giữ an toàn cho những người cung cấp tin tức."
Phong trào Mùa Xuân Ả Rập đã dẫn tới những vụ đàn áp ở Eritrea, nơi chính phủ đã huỷ bỏ những kế hoạch để cung cấp internet di động cho người dân. Từ khi phong trào này bùng phát, Ả rập Xê út đã sửa đổi luật báo chí để ngăn cấm việc ấn hành hoặc đang tải những bái viết mâu thuẫn với luật Hồi giáo hoặc gây phương hại cho trật tự công cộng.
Truyền thông nhà nước thường là nguồn thông tin duy nhất tại 10 nước nằm trong danh sách của CJP. Ông Radsch cho biết việc công bố danh sách có mục đích làm cho giới truyền thông và người dân của những nước này biết được là thế giới đang theo dõi và quan tâm.
Bên cạnh Trung Quốc, Eritrea, Bắc Triều Tiên, Ả rập Xê út và Iran, danh sách 10 nước hạn chế truyền thông nhiều nhất thế giới của CPJ còn có Ethiopia, Azerbaijan, Việt Nam, Myanmar và Cuba.