COVID-19 đang đẩy thêm nhiều trẻ em Việt Nam vào nạn tảo hôn

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nhiều trẻ em rơi vào nguy cơ kết hôn sớm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nhiều trẻ em rơi vào nguy cơ kết hôn sớm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children).

Trong “Báo cáo về trẻ em gái toàn cầu năm 2020” (“Global Girlhood Report 2020”), tổ chức của Anh cảnh báo có thể có thêm tới 2,5 triệu trẻ em gái trên thế giới rơi vào nguy cơ tảo hôn trong vòng 5 năm tới do ảnh hưởng của đại dịch.

Một đại diện của tổ chức nói với The Lancet rằng COVID-19 đang đe dọa đảo ngược tiến bộ trong suốt 25 năm của thế giới trong việc xoá bỏ tình trạng tảo hôn.

Tại Việt Nam, tờ báo dẫn lời ông Michael Brosowski, người sáng lập Quỹ Trẻ em Rồng Xanh ở Việt Nam, nói rằng việc đóng cửa trường học và tình trạng kinh tế khó khăn trong thời gian diễn ra đại dịch đang đẩy nhiều học sinh vào tình trạng tảo hôn, dù ông không thể có được dữ liệu chính xác.

Một thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai hồi tháng 7 cho hay chỉ riêng tỉnh này trong 6 tháng đầu năm đã có 284 trường hợp tảo hôn, tăng 117 trường hợp so với cùng kỳ năm trước do thời gian học sinh nghỉ học kéo dài. Riêng năm học 2019 - 2020, địa phương này đã có hơn 200 học sinh bỏ học, chủ yếu để đi lấy vợ, lấy chồng.

Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương vùng sâu vùng xa khác như Đăk Nông, Quảng Bình, Bình Phước…

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em dự đoán sẽ có khoảng 500.000 trẻ em gái trên toàn thế giới bị ép buộc tảo hôn trong năm nay và 1 triệu em khác dự kiến sẽ mang thai. Con số gia tăng này đưa tổng số trẻ em bị tảo hôn trên toàn cầu lên khoảng 12,5 triệu em trong năm 2020.

Hôm 18/8, các cựu lãnh đạo trên thế giới đã kêu gọi thế giới phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ hình thành “một thế hệ COVID” khi đại dịch đang khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới không thể tới trường và buộc phải kết hôn hoặc đi làm.

Trong bức thư gửi tới các lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các ngân hàng phát triển trên thế giới, 275 cựu lãnh đạo, các nhà kinh tế và chuyên gia giáo dục toàn cầu, các chính phủ đã ký tên kêu gọi các chính phủ phải đầu tư cho những chương trình giảng dạy, giáo dục bù đắp vào để chặn đứng những tổn hại “không thể cứu vãn” đối với tương lai của trẻ em thế giới.

Trong số những người ký tên trong thư có cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, Tony Blair và John Major.