Virus bệnh Covid-19 mới được biết đến vài tháng nay. Như binh pháp Tôn Tử : “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mỗi trận đều bại”. Trong cuộc đương đầu với siêu vi này, chúng ta không biết nhiều về nó và về phía ta, chúng ta cũng còn nhiều điều chưa biết. Ví dụ tại sao một số nước như Việt Nam bị tử vong rất ít trong lúc những xứ không phải là dở về y tế lại bị thiệt hại nặng, tại sao người già bệnh nặng hơn người trẻ, tại sao người trẻ có những biểu hiện ngoài da mà ít thấy ở người già? Một điều mới nghe rất giản dị, nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu rõ: siêu vi bệnh đi từ người này qua người khác như thế nào và biện pháp ngăn chặn nào hữu hiệu hơn cả ?
Chúng ta đều biết lúc ban đầu các nước Âu Mỹ không dùng khẩu trang, khác với các nước Đông Á, kể cả Việt Nam. Lúc ban đầu người ta nghĩ rằng siêu vi đi theo các hạt nước nhỏ mà lúc bệnh nhân nói, hắt hơi văng ra ngoài trong vòng chừng 2 mét (hay 6 feet).
Theo CDC cơ quan kiểm soát bệnh của Mỹ (1):
"COVID-19 được cho là lây lan chủ yếu thông qua tiếp xúc gần gũi từ người sang người. Một số người không có triệu chứng có thể lây lan virus. Chúng ta vẫn đang tìm hiểu về cách thức lây lan của virus và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
“Sự lây lan từ người sang người:
- Virus được cho là lây lan chủ yếu từ người sang người.
- Giữa những người tiếp xúc gần gũi với nhau (trong khoảng 6 feet).
- Thông qua các giọt nước nhỏ từ đường hô hấp (respiratory droplets) được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
- Những giọt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của những người khác ở gần hoặc có thể được hít vào phổi.
- COVID-19 có thể được lan truyền bởi những người không có triệu chứng...
“Người ta có thể nhiễm COVID-19 bằng cách chạm vào bề mặt hoặc vật có virus trên đó và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc có thể là mắt của họ. Đây không phải là cách lây lan chính của virus, nhưng chúng ta vẫn đang tìm hiểu thêm về cách thức virus này lây lan."
(CDC có đưa ra nhận xét là nhiễm trùng qua trung gian một bề mặt hoặc một vật nào đó "không phải là dễ", nhưng CDC không muốn nhấn mạnh đến điểm này vì ngại làm cho người ta bớt chú tâm về việc rửa tay đều và kỹ. Tuy nhiên lo sát trùng các bao bì mua ở chợ về hay các gói bưu phẩm giao tận nhà có thể hơi thái quá.)(2)
Và do đó CDC đưa ra các biện pháp sau:
“Cách tốt nhất để phòng bệnh là tránh tiếp xúc với loại virus này. Bạn có thể thực hiện các bước để làm chậm sự lây lan:
- Duy trì khoảng cách xã hội tốt (khoảng 6 feet hay 2 mét). Điều này rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
- Rửa 1tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn.
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào.”
Người ta chỉ chú tâm vào "khoảng cách xã hội" (giãn cách), rửa tay kỹ lưỡng, và dùng thuốc sát trùng các bề mặt đụng chạm vào là vì người ta nghĩ rằng sự lan truyền qua trung gian các "droplets" là chính, và các droplets này không đi xa quá 2 mét, và chỉ giới hạn ở những bề mặt trong vùng tiếp cận trực tiếp với người bệnh.
Trong các biện pháp này trước đây (vào tháng 5/2020), không thấy nói đến chuyện mang khẩu trang, vì ích lợi khẩu trang trong vấn đề ngăn ngừa bệnh cho người mang nó còn là một vấn đề gây tranh cãi cho đến thời gian gần đây.
Trong trang web được cập nhật vào tháng 9/2020, CDC thêm đoạn sau đây về sự cần thiết của khẩu trang.(3)
- "Che miệng và mũi bằng khẩu trang khi ở gần người khác.
- Bạn có thể lây lan COVID-19 cho người khác ngay cả khi bạn không cảm thấy bị bệnh.
- Mặt nạ dùng để bảo vệ người khác trong trường hợp bạn bị nhiễm bệnh.
- Mọi người nên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng và khi xung quanh có những người không sống trong gia đình bạn, đặc biệt là khi các biện pháp tạo khoảng cách xã hội khác khó duy trì.
- Không nên đeo mặt nạ cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, bất kỳ ai khó thở, bất tỉnh, mất khả năng vận động hoặc không thể tháo mặt nạ ra mà không có sự trợ giúp.
- KHÔNG sử dụng mặt nạ dành cho nhân viên y tế. Hiện tại, mặt nạ phẫu thuật (surgical masks) và mặt nạ N95 (N95 respirators) là những cung cấp thiết yếu nên dành cho nhân viên y tế và những người ứng cứu đầu tiên khác.
- Tiếp tục giữ khoảng 6 feet giữa bạn và người khác. Mặt nạ không thể thay thế cho sự xa cách xã hội."
Chúng ta nhận thấy hiện nay biện pháp mang khẩu trang lại được áp dụng khắp nơi ở Mỹ và Châu Âu, là những nơi trước đây rất "kỵ" mang khẩu trang. Trước đây, tháng 2 năm 2020, có người gốc châu Á mang khẩu trang ra đường thì bị tấn công, nhưng qua tháng 3 năm 2020 thì ngược lại, có người gốc Á bị tấn công vì không mang khẩu trang nơi công cọng. (4,5)
Trong vấn đề lan truyền của virus bệnh COVID-19 điểm mới đây được nhấn mạnh hơn là "khí dung" (aerosol). Các biện pháp mới được áp dụng rộng rãi trong mùa đông lạnh sắp tới ở những nước như Anh quốc, Đức, là tránh việc không khí tù hãm bị "tái chế biến" trong trường học hay những nơi công sở, tiệm ăn có nhiều người tụ họp. Nước Anh đang chuẩn bị cho học sinh mặc áo nhiều lớp để chịu lạnh với các cửa sổ để mở và nước Đức đầu tư gần nửa tỷ đô la vào việc cải thiện thông thoáng các công thự như trường học, nhà hát, bảo tàng viện. Lý do là vì hiện tượng khí dung, siêu vi Covid-19 có thể còn lơ lửng ít lắm là 8 phút trong không khí. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về hiện tượng này.
Các khảo cứu gần đây cho thấy là không chỉ lúc ho, nhảy mũi chúng ta mới phát ra những giọt nước nhỏ (droplets) , mà ngay lúc nói hoặc thở, chúng ta phát ra những giọt phần lớn là nhỏ hơn lúc ho và nhảy mũi có khả năng ở trong không khí lâu hơn và được dòng không khí đi ra xa hơn.
Khác với các giọt nước miếng nhỏ (droplets), khí dung (aerosol) gồm những giọt nước còn nhỏ hơn nữa, chừng một vài micron (μm hay 1 phần triệu của mét), nói chung là nhỏ hơn 5 μm (ví dụ mỗi hồng huyết cầu đường kính bằng 7 micron phải cần kính hiển vi mới nhìn thấy được).
Các giọt rất nhỏ này bay hơi (mất phần nước ) lúc còn lơ lửng trong không khí, và còn tồn tại trong không khí nhiều giờ sau khi người bệnh đã rời căn phòng đó, có thể theo luồng không khí của hệ thống điều hoà đi từ nơi này qua nơi khác và được người khác hít sâu vào phổi vì kích thước rất nhỏ của chúng (thay vì được niêm mạc và nhớt đường hô hấp trên chặn lại như đối với các giọt lớn hơn [>5 μm] ).
TS Kimberly Prather điều hành một trung tâm nghiên cứu lớn do chính phủ Mỹ tài trợ tại Đại học California San Diego để nghiên cứu làm thế nào virus và những thứ khác phát ra từ đại dương trôi nổi trong không khí. Prather đã “hoảng hốt” khi không thấy CDC hay WHO (Tổ Chức Y Tế Quốc Tế) đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ nói rằng mọi người có thể nhiễm phải siêu vi COVID-19 bằng cách hít vào phổi và tin rằng mặt nạ có thể đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn sự lây truyền đó.
TS Prather cho rằng mọi điều bà đọc được về COVID-19 đều chỉ hướng rằng mầm bệnh truyền qua không khí. COVID-19 lan truyền nhanh chóng trên khắp thế giới; các nghiên cứu cho thấy nó lan truyền qua các nhà hàng ăn uống (có thể là do hệ thống điều hòa không khí?). Làm thế nào nó tấn công một ca đoàn nhà thờ mặc dù người hát được đứng tách ra trong khi họ hát? Tại sao bệnh có thể lan rộng nhanh như cháy rừng trên các chuyến bay và trên tàu du lịch?
"Rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra sự lây truyền của virus hô hấp qua đường khí dung (aerosol transmission of respiratory viruses)," Prather nói. Bệnh cúm có thể truyền qua không khí, cũng như vi-rút gây ra SARS. "Đối với con virus đặc biệt (COVID-19) này, càng ngày càng có rất nhiều bằng chứng."
Bà cũng tin rằng kiến thức là sức mạnh. "Tôi phải lên tiếng bởi vì điều này thực sự có thể bảo vệ mọi người," bà nói. Theo bà, virus truyền qua không khí có nghĩa là khoảng cách 6 feet không đủ xa. Điều đó cũng có nghĩa là có lẽ chúng ta nên đeo khẩu trang thường xuyên hơn.
"Mang khẩu trang rất dễ thực hiện, không phải là vấn đề lớn lao," bà nói. "Đối với tôi, tôi xem đây là một giải pháp."
Bà chỉ ra thành công ở Đài Loan đã ngăn chặn sự nhiễm trùng lây lan. Đài Loan chỉ có vài trăm trường hợp COVID-19 và chỉ có 7 trường hợp tử vong, mặc dù nước này chưa bao giờ thực hiện "khóa cửa' toàn quốc (national lockdown). Thay vào đó, họ tích cực thử nghiệm công dân của họ, cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính trong 2 tuần và cho mọi người đeo khẩu trang.
"Nếu bạn nhìn vào những quốc gia chỉ đeo mặt nạ một cách tự nhiên khi mọi người cảm thấy mình bị bệnh, những quốc gia đó đã làm tốt hơn rất nhiều so với những quốc gia không làm như vậy," Prather nói.
TS Prather mang khẩu trang trong nhà và lúc ra ngoài, đặc biệt khi đi bộ ngoài trời ở bất cứ nơi nào mà bà có thể nhìn thấy người khác. Bà nói với mọi người hãy tưởng tượng họ có thể ngửi thấy mùi thuốc lá hoặc thịt nướng từ bao xa. Đó là khoảng cách aerosol có thể đi giữa bạn và người khác.
Cũng may là các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khẩu trang vải tự chế có thể có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus như khẩu trang phẫu thuật. Tuy vậy, điều quan trọng cần để ý khẩu trang phải vừa với khuôn mặt của bạn.
"Nếu bạn nhìn những người đang đeo khăn choàng mặt (bandanas), khăn đều trễ xuống. Như vậy không tốt vì khí dung/aerosol sẽ luồn vào xung quanh khăn. Khí dung thật nhẹ. Nếu bạn cảm thấy có một làn gió nhẹ, khí dung có thể ở trong làn gió đó." Đó là một lý do tại sao "tấm khiên che mặt"( face shield) - lớp nhựa che đeo trên mặt - không có ích đối với khí dung, nếu không có mặt nạ. Khiên mặt chặn các giọt nước (droplets), nhưng aerosol vẫn có thể tìm đường vào đường hô hấp bạn.
Cuối cùng, ngay cả khi mặt nạ của bạn không hoàn hảo, hoặc đeo không hoàn hảo, nó vẫn có thể rất có ích cho bạn. Prather nói rằng đó là vì liều lượng virus mà bạn tiếp cận quyết định mức độ nặng nhẹ của bệnh của bạn. "Ngay cả khi bạn chỉ cắt giảm 70% lượng virus, bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều."
Ước mong câu chuyện về khí dung ( aerosol) này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức coronavirus gây bệnh COVID-19 và vai trò của khẩu trang (mặt nạ, mask) có thể ngăn chặn căn bệnh này lan tràn nếu chúng ta mang nó lúc cần thiết và mang đúng cách. Dù mang khẩu trang không đúng cách đi nữa, có mang khẩu trang vẫn tốt hơn không mang, vì đến nay thì chúng ta đã biết thêm một điểm nữa của con siêu vi này, lượng siêu vi càng cao thì bệnh càng nặng hơn.
Tài liệu tham khảo:
1) https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/how-covid-spreads.html?CDC_AA_refVal=https%3A%2F%2Fwww.cdc.gov%2Fcoronavirus%2F2019-ncov%2Fprepare%2Ftransmission.html
2) Surfaces Are ‘Not the Main Way’ Coronavirus Spreads, C.D.C. Says https://www.nytimes.com/2020/05/22/health/cdc-coronavirus-touching-surfaces.html
3) https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/prevention.html (accessed 10/19/20)
4) U.S. NEWS
Coronavirus hate attack: Woman in face mask allegedly assaulted by man who calls her 'diseased'
5) https://nypost.com/2020/03/10/unhinged-woman-slugs-asian-lady-for-not-wearing-coronavirus-mask/
https://nypost.com/2020/03/10/unhinged-woman-slugs-asian-lady-for-not-wearing-coronavirus-mask/
6) COVID-19 Is Likely Airborne, Aerosol Scientist Says
https://www.medscape.com/viewarticle/931320
7) Respiratory droplets
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK143281/
8) Aerosol emission and superemission during human speech increase with voice loudness
https://www.nature.com/articles/s41598-019-38808-z
9) Lisa Broseau COMMENTARY: COVID-19 transmission messages should hinge on science
10) Coronavirus: Germany improves ventilation to chase away Covid
https://www.bbc.com/news/world-europe 4599593
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 19 tháng 10 năm 2020