Người mua không mua được thuốc mình đang cần, và trong một số trường hợp, thuốc giả gây ra những sự kiện bi thảm.
Khoảng 1 năm trước đây, trên 80 trẻ em ở Nigeria chết sau khi được cho uống thuốc giảm đau lúc mọc răng.
Và năm ngoái hơn 20 trẻ em ở Bangladesh chết sau khi được cho uống thuốc acetaminophen.
Trong cả 2 trường hợp, thuốc chứa các chất làm cho thuốc trông giống như thuốc thật, có mùi và vị như thuốc thật.
Trường hợp ở Bangladesh, nhà bào chế địa phương đã dùng một chất thay thế độc hại để bào chế thuốc nhằm tiết kiệm tiền.
Còn trường hợp ở Nigeria thì một người bán hóa chất bất hợp pháp bán chất glycerin giả cho một công ty dược phẩm, và công ty đã sử dụng hóa chất này để sản xuất thuốc giảm đau cho trẻ em mọc răng.
Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, nói rằng thuốc giả là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở các nước châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh. WHO ước lượng có đến 30% thuốc bán ở nhiều nước đó là thuốc giả.
Thuốc giả cũng còn là một vấn đề ở Trung Đông và nhiều nước thuộc khối Xô Viết cũ.
Vấn đề này ít phổ biến hơn ở các nước kỹ nghệ hóa. WHO nói rằng chưa đến 1% thuốc giả bán trên thị trường các nước Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và Tân Tây Lan.
Tuy nhiên theo tổ chức này thì có đến 50% thuốc bán trên mạng là thuốc giả.
Phần lớn khách hàng không có cách nào phân biệt được thuốc thật hay giả.
Một tổ chức y học vì lợi ích chung, Center for Medicine in the Public Interest, được hỗ trợ một phần bởi công nghiệp dược phẩm, tiên đoán năm nay số thuốc giả bán trên khắp thế giới sẽ lên đến 75 tỉ đôla, gần gấp đôi năm 2005.
Ngoài ra còn có những loại thuốc được sản xuất không đúng tiểu chuẩn, và đây cũng là một vấn đề ở các nước đang phát triển.
Thuốc không đúng tiêu chuẩn khác với thuốc giả như thế nào?
Hai loại hàng này có điểm khác nhau về mặt pháp lý, đó là thuốc giả được sản xuất với mục đích đánh lừa người khác, còn thuốc không đúng tiểu chuẩn chỉ do được bào chế kém cỏi.
Đã có những biện pháp nào để chống lại thuốc giả?
Nhiều công ty có những cách để xác định thuốc giả dễ dàng. Một trong những cách này là dùng loại máy nhanh chóng phân tích chất thuốc để biết là thật hay giả.
Một cách khác là để trong hộp thuốc một mã số truy tầm. Người mua thuốc gửi tin nhắn cho biết mã số, nhà sản xuất sẽ đối chiếu mã số trong cơ sở dữ liệu của họ rồi dùng tin nhắn xác nhận với người mua.
Một số hãng bào chế in những hình ảnh nổi ba chiều vào thuốc, là cách xác định đó là thuốc thật.
Một phương pháp khác là sử dụng các nhãn điện tử có tần số vô tuyến, gọi tắt là RFID. Nhà sản xuất dùng nhãn này để theo dõi sản phẩm từ lúc xuất xưởng cho đến tận tiệm bán thuốc hay bệnh viện.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA nói rằng nhãn RFID là một biện pháp an toàn, sử dụng kỹ thuật điện tử để phát hiện thuốc giả dễ hơn.
Tháng 7 năm ngoái, FDA đề nghị các công ty bỏ thêm hóa chất đặc biệt vào các loại thuốc do công ty sản xuất. Đây là những hóa chất có màu sắc, mùi vị mà thuốc giả rất khó bắt chước.
Trước tình hình nhiều loại thuốc được quảng cáo có bán qua Internet, ông Bryan Liang, thuộc Hiệp hội Y học An toàn, trụ sở ở Mỹ, cho biết:
” Internet chẳng những là môi trường mà người ta dễ bị đánh lừa để mua thuốc giả, mà còn là chỗ mà những kẻ chuyên làm thuốc giả tìm được những nguyên vật liệu mà họ cần để chế thuốc giả.”
Ông còn chơi chữ, bằng cách gọi WWW là Wild Wild West, miền Tây hoang dã, vô luật pháp, vô chính phủ, ai muốn mua gì cũng có, muốn bán gì cũng được, thay vì là World Wide Web, mạng lưới rộng mở toàn cầu.
Hiện nay, người chống thuốc giả hiệu quả nhất chính là các bệnh nhân. Phần lớn các vụ phát hiện thuốc giả là do bệnh nhân báo cáo.
Ông Liang nói tiếp: “Cách tốt nhất là bạn cần biết thuốc bạn đang dùng là thuốc gì. Biết hình dáng, mùi vị của chúng ra sao. Biết phản ứng thông thường sau khi sử dụng ra sao. Người nào hiểu được thuốc của mình và hiểu được tác dụng của thuốc là những người chống lại thuốc giả hiệu quả nhất.”