Đúng là… chỉ Việt Nam mới thế!

Hình minh họa.

Bộ Quốc phòng vừa tổ chức một hội nghị toàn quân để thảo luận về hoạt động tham gia phòng, chống dịch viêm phổi corona. Quân đội Việt Nam hiện là lực lượng đảm trách việc tiếp nhận những cá nhân thuộc diện cần cách ly và vận hành các cơ sở cách ly để ngăn chặn lây nhiễm. Tại hội nghị vừa kể, Cục trưởng Quân y đã chính thức cảnh báo về nguy cơ quân nhân bị lây nhiễm khi thực hiện nhiệm vụ (1).

***

Từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán tái bùng phát tại Việt Nam, cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn một số người sử dụng mạng xã hội liên tục giới thiệu, quảng bá các thông tin, hình ảnh về việc quân nhân của nhiều đơn vị khác nhau trên toàn quốc, thi nhau “ăn bờ, ngủ bụi”, nhường nơi ở, chỗ sinh hoạt của họ cho những người thuộc diện phải cách ly. Chưa kể còn được điều động để dọn vệ sinh, nấu nướng, làm nhiều việc cả có tên lẫn không tên, phục vụ cho những người thuộc diện phải cách ly.

Nếu xem kỹ các thông tin, hình ảnh đã và đang được quảng bá rộng rãi ấy, sẽ thấy rất rõ: Đúng là… chỉ Việt Nam mới thế! Có dùng google để… search từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác cũng không thể tìm được bất kỳ thông tin, hình ảnh nào liên quan đến việc sử dụng quân đội để phòng, chống dịch theo kiểu giống như Việt Nam: Để những quân nhân được điều động phòng, chống dịch, ăn, ngủ hết sức tạm bợ giữa gốc cây, bụi cỏ (2), vạ vật cả ở lối đi lẫn sân của các cơ sở cách ly (3).

Đúng là… chỉ ở Việt Nam mới có chuyện từ đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ, kể cả lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem việc quân nhân được điều động phòng, chống dịch vào cuộc phong phanh như thế, ăn ở trong điều kiện tồi tệ như thế là… tất nhiên. Thậm chí còn cố tình dùng “gian khổ, thiếu thốn”, tô đậm “gian khổ, thiếu thốn” nhằm chứng minh “quyết tâm, nỗ lực” phòng, chống dịch, kể cả khắc họa tính “ưu việt” và sự “nhân đạo” của “toàn bộ hệ thống chính trị”!

Đúng là… chỉ ở Việt Nam mới có chuyện hệ thống truyền thông chính thức và các tuyên truyền viên trên mạng xã hội thi nhau nhấn nhá, tô vẽ, lấy hoàn cảnh sống “gian khổ, thiếu thốn” của những quân nhân đang ở tuyến đầu trong công cuộc phòng, chống dịch để ca ngợi quân đội ta, thông qua đó, tán tụng chỉ đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta, quân đội ta,… “mới thế”, mới “hi sinh mà chẳng cần báo đáp”!

Chắc chắn sẽ không thể tìm thấy bất kỳ hệ thống truyền thông chính thức nào của bất kỳ quốc gia nào, kể cả… Bắc Hàn, Trung Quốc, lại hoan hỉ, phấn khích một cách bất nhân như thế khi các “chiến binh” bị đẩy vào tình thế giống như “trần truồng xung trận” (chỉ có khẩu trang dù trực tiếp tiếp xúc với những người đã được xác định là có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho cộng đồng), dù đã hi sinh an toàn cá nhân cho lợi ích cộng đồng nhưng bị buộc phải hi sinh thêm cả nơi ăn, chỗ ngủ!

Một điểm khác cần chú ý, tuy đa số quân nhân được điều động ra tuyến đầu trong cuộc chiến chống virus gây dịch viêm phổi Vũ Hán ở Việt Nam là quân nhân nhưng họ không phải là thành phần “tận trung với đảng” trong quân đội. Họ là “con em nhân dân lao động” đang thi hành nghĩa vụ quân sự. Thành phần “tận trung với đảng” trong quân đội luôn ở rất xa các khu cách ly và đang chỉ đạo “con em nhân dân lao động” hi sinh cho đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta và cả quân đội ta… tỏa sáng (4)!

***

Giống như người Việt, thiên hạ cũng xem việc phòng, chống virus gây ra dịch viêm phổi corona là một cuộc chiến. Trong cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt đó, thiên hạ ở khắp nơi đã nhiều lần nghiêng mình, dùng nhiều cách để bày tỏ sự biết ơn với những nhân viên y tế, cấp cứu, cứu hỏa vì chức nghiệp mà liều thân, đối mặt với hiểm nguy. Không chỉ có thế, thiên hạ còn kịp nhìn ra để tri ân cả những tình nguyện viên cũng đang liều thân trong đủ loại việc để hỗ trợ đồng loại.

Có những quốc gia như Đức, Thủ tướng chính thức nghiêng mình cảm tạ cả những nhân viên bán hàng, thu ngân, phu khuân vác,… vì chức nghiệp giữ cho hệ thống phân phối nhu yếu phẩm hoạt động bình ổn. Thủ tướng Đức không phải là người đầu tiên và chắc chắc không phải là viên chức hữu trách cuối cùng cảm tạ đồng bào khi họ hi sinh nhiều sở thích cá nhân để ngăn chặn lây nhiễm. Hạn chế đi lại, tiếp xức không đơn thuần là nghĩa vụ mà được đề cao là nghĩa cử và chính phủ trân trọng ghi nhận (5)…

Ở Việt Nam, từ các tuyên bố, nhận định chính thức cho đến chuỗi thông tin chính thức chỉ xoay quanh công lao của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta, quân đội ta,… để nhắc nhân dân ta phải tri ân. Bởi nhận thức như thế và vận hành theo hướng như thế nên Việt Nam không thể có những viên chức nhìn nỗ lực phòng, chống dịch như Angela Merkel mà chỉ có những đồng chí như Nguyễn Thị Kim Ngân, ân cần nhắc nhở Phó Thủ tướng đảm trách việc chống dịch nên “tranh thủ ngủ một chút” (6)!

Chẳng riêng những viên chức hữu trách của một số ngành, những quân nhân là “con em nhân dân lao động”, những dân quân, tình nguyện viên,… ở Việt Nam đều đang “trần truồng xung trận” (7). Dưới “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng”, chẳng có bao nhiêu người Việt cảm thấy đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta, quân đội ta và chính mình cần phải báo đáp bằng cách phải dành những nguồn lực tốt nhất để bảo vệ họ như bảo vệ phòng tuyến cuối cùng.

Giống như Việt Nam, nhiều quốc gia đã điều động quân đội nhập cuộc (8) nhưng cứ tìm sẽ thấy, chẳng có quốc gia nào buộc quân nhân phải hy sinh từ an toàn cá nhân đến những tiện nghi tối thiểu, bất kể tâm lý, bất chấp thể lực họ sẽ ra sao và khai thác tối đa sự hy sinh ấy như một cơ hội bằng vàng để “nâng cao hình ảnh quân đội” như Quân đội nhân dân Việt Nam.

Giống như Việt Nam, đại dịch viêm phổi corona khiến chính phủ nhiều quốc gia lúng túng, không ít chính phủ sai lầm trong dự liệu, ứng phó hoặc cả hai. Song khác với Việt Nam, vì công dân không bị buộc phải biết ơn đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ nên tất cả các sai lầm đều được nhận diện gần như lập tức và bị mổ xẻ tận tình để thúc đẩy tìm các giải pháp hữu hiện hơn.

Trước thực trạng thiếu thốn trầm trọng vật tư, thiết bị trong lĩnh vực y tế, hôm 24 tháng 3, The Washington Post đăng bài bình luận cho rằng, trong cuộc chiến phòng, chống dịch viêm phổi tại Mỹ, các nhân viên y tế giống như những mãnh sư, còn các chính trị gia chẳng khác gì lũ lừa (9). Tại Việt Nam, nhận thức và phản ứng như thế là… thù địch và vẫn còn nhiều người tin rằng như thế là phản động, thành ra mới có những chuyện mà chỉ Việt Nam mới… thế!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/cach-ly-phong-chong-covid-19-mot-so-du-hoc-sinh-tu-chau-au-thieu-hop-tac-1200114.html

(2) http://webtintuc.com/thay-bo-doi-nhuong-cho-an-bo-ngu-bui-nhom-viet-kieu-ve-nuoc-tranh-dich-co-chanh-long-177435.html

(3) https://www.tin247.com/xuc-dong-hinh-anh-bo-doi-tinh-nguyen-vien-nam-le-let-de-nhuong-giuong-cho-viet-kieu-thuong-dang-ve-nuoc-cach-ly-9-26971593.html

(4) https://we25.vn/cu-dan-mang/khi-doi-ngu-y-te-phai-ngu-man-troi-chieu-dat-nu-du-hoc-sinh-van-che-khu-cach-ly-khong-the-song-noi-vi-o-sach-quen-roi-284545

(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1069890673396217&id=100011258821919

(6) https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-dong-vien-pho-thu-tuong-tranh-thu-ngu-mot-chut-20200323110134302.htm

(7) https://tuoitre.vn/chan-nguon-lay-moi-tu-campuchia-va-thai-lan-20200324074702383.htm

(8) https://www.armytimes.com/news/your-army/2020/03/23/guardsman-didnt-have-a-mask-until-he-got-covid-19-but-he-wasnt-working-a-test-lane/

(9) https://www.washingtonpost.com/opinions/2020/03/23/our-medical-professionals-are-lions-too-many-political-leaders-are-donkeys/