Mục tiêu dường như đơn giản: tìm một phụ nữ để ngồi vào ban quản trị của tất cả các công ty niêm yết của Ấn Độ. Nhưng sau một năm trời, hàng chục công ty vẫn chật vật để điền vào các chức vụ đó, khiến sự chú ý đổ dồn vào tình trạng thiếu phụ nữ trong các chức vụ lãnh đạo hàng đầu ở Ấn Độ. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha ghi nhận chi tiết.
Bộ luật cấp tiến thông qua cách đây một năm nhằm mục đích bảo đảm sự đa dạng giới tính và nâng cao vị thế của phụ nữ ở bậc thang cao nhất trong các công ty lớn.
Nhưng cho đến khi hạn chót đã định là ngày 1 tháng 4 trôi qua, khoảng 150 công ty trong số 1.475 công ty đã niêm yết đã không bổ nhiệm được một phụ nữ vào các ban quản trị do nam giới thống trị.
Và gần phân nửa các công ty đạt được yêu cầu đó đã bổ nhiệm các thân nhân, như vợ và con gái vào các ủy ban quản trị đó. Số này bao gồm cả tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, Tập đoàn Công nghiệp Reliance, là tập đoàn đã bổ nhiệm vợ của Chủ tịch, bà Nita Ambani vào ban quản trị.
Ông Pranav Haldea thuộc nhóm nghiên cứu thị trường PRIME Database ở New Delhi nêu nghi vấn về sự tuân hành theo kiểu ‘điền vào ô trống’ như thế.
“Điều đáng lo ngại hơn là cách thức đạt được sự tuân hành bởi ngay những công ty đã làm việc ấy. Đó cơ bản là một sự chế giễu luật lệ, là điều đã xảy ra. Chúng ta cảm thấy những người thân phái nữ rõ ràng sẽ có tiếng nói giống như người đã tiến cử họ và sự kiện ấy đánh bại mục tiêu là sự đa dạng thực sự.”
Nhiều công ty viện cớ thiếu những người có đủ kỹ năng để điền khuyết các chức vụ trong ban quản trị.
Người đứng đầu công ty tìm người quản trị, Transearch India, ông Uday Chawla, là người đi tìm các ứng viên xứng hợp, nói rằng điều khó là tìm được những phụ nữ đã từng phục vụ trong các ban quản trị.
“Các công ty mang tính chuyên nghiệp hơn muốn có những phụ nữ trong ban quản trị thêm vào giá trị cho ban quản trị chứ không phải chỉ là một cái dấu đánh vào ô trống để đáp ứng yêu cầu cụ thể. Vì thế, yêu cầu nà chúng tôi có rất chặt chẽ về mặt điều kiện. Thứ nhất là khả năng, thứ hai là kinh nghiệm, cả hai đều quan trọng. Và có rất ít phụ nữ có kinh nghiệm.”
Những người khác cho rằng các công ty đơn giản không coi luật lệ là nghiêm túc và không chịu giăng tấm lưới đủ rộng.
Cho dù sự thực ra sao, thì việc các công ty lớn của Ấn Độ không tìm được phụ nữ vào các ban quản trị đã khiến sự chú ý dồn vào sự tham gia của phụ nữ ở mức độ thấp trong các chức vụ quản lý cấp cao. Ấn Độ nằm trong số có tỷ lệ thấp nhất trên thế giới – khoảng 15%.
Một cuộc nghiên cứu của Catalyst, một tổ chức phi lợi nhuận vận động cho việc xây dựng những nơi làm việc toàn diện, nhận thấy gần 50% phụ nữ trong các công ty lớn của Ấn Độ đều thôi việc trong giai đoạn từ cấp thấp lên tới cấp trung, so với 29% ở khắp châu Á.
Giám đốc điều hành Catalyst ở Ấn Độ, Shachi Irde nói rằng một trong các lý do là việc chăm sóc gia đình chủ yếu đè lên vai phụ nữ. Bà nói các công ty cần phải thực thi các chính sách cấp tiến để giữ lại thêm phụ nữ.
“Nếu ta thực sự tìm kiếm và bảo đảm rằng phụ nữ được tuyên dương, đối đãi công bằng, thì sẽ có thêm nhiều phụ nữ trong tổ chức hơn là thấy họ bỏ việc. Thách thức dứt khoát xảy ra khi các văn phòng không có các chính sách toàn diện và người phụ nữ bị giằng co giữa trách nhiệm gia đình và trách nhiệm nơi làm việc.”
Bà Irde nói có thể đề cử thêm phụ nữ vào các ban quản trị nếu các công ty không tự hạn chế nhắm chỉ vào những người đã có kinh nghiệm từ trước mà cứu xét những người “sẵn sàng tham gia ban quản trị”.
Những người khác như ông Pranav Haldea nói rằng toàn bộ vấn đề cũng nêu bật sự thất bại của nhiều công ty Ấn Độ trong việc thừa nhận rằng có thêm phụ nữ ở nơi làm việc, kể cả trong các chức vụ quản lý cấp cao, sẽ đem lại thêm giá trị cho công ty.
“Tôi không tin rằng giải pháp là có thêm người và luật lệ. Đúng ra đó là một cuộc đấu tranh để thay đổi định kiến của những người tuyển dụng. Trong trường hợp ban quản lý và những người tuyển dụng không tin vào sự quản trị tốt trong các công ty lớn thì luôn luôn có những cách để đáp ứng với luật lệ trên danh nghĩa, chứ không thực sự trong tinh thần.”
Trong khi các ban quản trị đại công ty ở Ấn Độ có mức thấp nhất về đại diện phụ nữ trên thế giới, thì sự cách biệt về giới tính ở cấp cao nhất cũng tồn tại ở các nước khác nữa. Con số tối đa phụ nữ trong thành phần ban quản trị được thấy ở các nước như Na Uy, Phần Lan và Pháp, là những nước định ra cô-ta cho phụ nữ theo yêu cầu của chính phủ.