Công nhân di trú TQ gặp trở ngại gấp đôi trong lúc kinh tế trì trệ

Công nhân di trú tại một công trình xây dựng ở Thượng Hải.

Năm 2015 là một năm gay go cho nền kinh tế Trung Quốc, với mức tăng trưởng chậm nhất từ gần 25 năm và năm tới dường như cũng tương tự như thế. Nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này lâu này vẫn lệ thuộc nặng vào lực lượng lao động khổng lồ, và đói với trên 250 triệu công nhân di trú trong nước, thì sự bất định đang tăng thêm. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Bill Ide gửi về bài tường thuật sau đây.

Từ tảng sáng đến sẩm tối, ngôi chợ Kinh Ôn ở Bắc Kinh sinh hoạt nhộn nhịp. Những núi hàng hóa chất đống khắp nơi và đang bị kéo xuống những phòng mua bán chật hẹp chứa đầy mọi loại quần áo từ áo khoác mùa đông cho đến những bộ đồ ngủ.

Nhưng bất kể tất cả sinh hoạt này, không mấy nhà buôn tỏ ra lạc quan.

Một bà bán hàng tên là Diệp nói bà không biết điều gì đang xảy ra trong năm nay, nhưng đó là một năm khủng khiếp.

Như nhiều người ở chợ, bà là người tỉnh Ôn Châu, do đó mà ngôi chợ mang tên ghép Kinh của Bắc Kinh và Ôn của Ôn Châu. Tình trạng kinh doanh trì trệ không phải là điểm bất ổn duy nhất mà bà Diệp và những người khác đang phải đối mặt.

Một nỗ lực của giới hữu trách ở Bắc Kinh đang được xúc tiến nhằm đóng cửa những ngôi chợ như Kinh Vân và chuyển các ngôi chợ này ra xa khỏi trung tâm thành phố. Trong một số trường hợp, các ngôi chợ đang bị dời ra khỏi địa điểm hiện tại cách xa cả tiếng đồng hồ đến tỉnh Hồ Bắc bên cạnh.

Công nhân di trú làm việc ở Bắc Kinh.

Giới hữu trách nói việc dời địa điểm sẽ làm giảm bớt những căng thẳng về dân số và giao thông và giúp giải quyết nạn ô nhiễm triền miên ở Bắc Kinh.

Nhiều văn phòng hành chính của thành phố cũng có kế hoạch rời tới khu vực phía đông thành phố. Sự dời chuyển dự kiến sẽ thu hút khoảng 400.000 người đến vùng ngoại thành Đồng Châu ở phía đông.

Bắc Kinh cũng đã cam kết “kiểm soát gắt gao tăng trưởng dân số,” định mức trần là 23 triệu. Nhưng theo các chuyên gia, con số đó quá thấp và có nguy cơ cướp đi của thủ đô Trung Quốc tính đa dạng rất cần thiết.

Giáo sư Đại học Thanh Hoa Thái Kế Minh nói một thành phố quốc tế cần có những người thuộc mọi thành phần.

Ông Thái nói phải có sinh viên đang đi học, sinh viên tốt nghiệp, các nhà khoa học cũng như một số lớn những người làm việc trong công nghiệp dịch vụ. Ông nói đuổi tất cả những người này đi thì thành phố mất đi sinh lực của mình.

Những nhà buôn ở Kinh Ôn nói họ đang trông chờ vào thị trường để tìm ra lời giải, chứ không phải vào các nỗ lực của chính phủ quản lý vi mô nơi nào họ có thể làm ăn.

Nhân viên làm việc trong nhà máy Foxconn ở thị trấn Long Hoa ở phía nam tỉnh Quảng Đông.

Một nhà buôn tên Hình nói các kế hoạch di dời một số ngôi chợ là thiếu thực tế.


Ông Hình nói ông chú tâm vào những gì mọi người muốn. Ông nói lúc nào cũng có cách làm ra tiền, và nói thêm rằng ông có thể chuyên về hàng hóa rẻ tiền hay cao cấp mà vẫn có thể xoay xở được.

Một nhà buôn khác tên là Tô đã làm việc ở chợ Kinh Ôn được 9 năm. Ông nói nếu có những thay đổi tại chợ này, thì có thể ông sẽ trở về sinh quán.

Ông Tô nói thực ra có thể làm ăn bất cứ ở chỗ nao. Theo ông, ta có thể mở một cửa hàng trên mạng, có rất nhiều con đường để đi.

Thay vì siết chặt, các chuyên gia phân tích cho rằng các giới chức nên bớt phần tập trung vào các mục tiêu cứng nhắc về dân số, mà thay vì thế phải bắt chước các nhà buôn đã học được cách thức thích nghi với một thị trường thay đổi không ngừng.