Công nhân Campuchia tiếp tục bỏ chạy khỏi Thái Lan

Người lao động nhập cư Campuchia xuống xe khi đến cửa khẩu Poipet, ngày 17/6/2014.

Các tổ chức cứu trợ tại Thái Lan cho hay hàng chục ngàn công nhân di trú Campuchia cùng với gia đình, con cái tiếp tục kéo về một chốt kiểm soát ở cửa khẩu biên giới Thái Lan. Họ không tin những lời trấn an của chính phủ quân nhân Thái rằng họ không bị nhắm mục tiêu trong cuộc trấn áp nhằm ngăn chặn di dân bất hợp pháp. Từ Bangkok, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Tổ chức Di Trú Quốc tế và đại diện của các tổ chức phi chính phủ có liên hệ nói với đài VOA rằng hàng ngàn người Campuchia vẫn tiếp tục kéo nhau về cửa khẩu biên giới Poipet.

Số người đổ về cửa khẩu hôm nay không nhiều như hồi cuối tuần trước, nhưng “vẫn rất đông,” theo lời những người quan sát tình hình ở biên giới Thái-Campuchia.

Ước tính ít nhất 200.000 người Campuchia đã rời bỏ Thái Lan để trở về Campuchia.

10 tổ chức cứu trợ có liên hệ, trong đó có một tổ chức trợ giúp pháp lý xã hội Công giáo, Nhóm Công tác Di dân ở Thái Lan và tổ chức phi chính phủ quốc tế Save the Children đã gởi thỉnh nguyện thư lên tập đoàn quân nhân cầm quyền Thái Lan, kêu gọi họ ngưng đàn áp lao động di dân.

Bà Roisai Wongsuban, một giới chức của Nhóm Công tác Di dân cho biết:

“Xã hội Thái Lan hiện giờ, nhất là các nhà doanh nghiệp, đang gặp khó khăn vì những chính sách thiển cận chú trọng vào an ninh quốc gia, bắt bớ, và trục xuất. Điều mà chúng tôi muốn ngay vào lúc này là quân đội chấm dứt những vụ trấn át, bắt bớ và đàn áp công nhân di trú.”

Bà Roisai nói những băng nhóm không rõ lai lịch đang lợi dụng tình hình ở đó và ở thị trấn Mae Sot nằm ở biên giới Thái-Miến Ðiện, hay Myanmar.

“Chúng tôi nhận được báo cáo về những người ăn vận giống nhân viên thi hành công lực đến cộng đồng vào đặt ra cách tống tiền giống như họ sắp đến cộng đồng chúng tôi để bắt bớ. Và một số người phải trả tiền cho họ. Nó cũng gây ra sự lo sợ trong cộng đồng.”

Tình trạng này khiến nhiều cơ sở làm ăn dùng người lao động không giấy tờ phải giảm bớt các hoạt động kinh doanh, kể cả việc sản xuất tại các nhà máy.

Trong lúc một tỉ lệ đáng kể, có lẽ là đa số, người Campuchia ở Thái Lan trốn chạy khỏi nước này, các nhà hoạt động cho biết những người mang quốc tịch Miến Ðiện đa phần tìm cách lẩn trốn ở Thái Lan, hơn là băng qua biên giới để về lại Miến Ðiện.

Ước tính có khoảng 2 triệu công nhân Miến Ðiện ở Thái Lan, một lực lượng lao động giá rẻ rất cần thiết cho ngành xây dựng và nhiều ngành nghề khác của Thái Lan.

Hàng vạn công nhân Campuchia ở Thái Lan đã trở về nước vì lo sợ quân đội Thái Lan sẽ truy lùng những công nhân bất hợp pháp.


Các nhà bênh vực cho di dân hôm thứ Ba đã họp với tư lệnh vùng Bốn của Quân đội Hoàng gia Thái Lan ở Mae Sot.

Bà Roisai nói rằng các binh sĩ đồng ý không nhắm mục tiêu vào lao động di dân bất hợp pháp ở đó cho đến chừng nào có những lệnh rõ ràng hơn của giới lãnh đạo của tập đoàn quân nhân.

Nhưng bà vẫn lo ngại.

“Nói về tình hình trên cả nước, ngoài quân đội ra còn có nhiều cơ quan công lực khác. Do đó tôi cho rằng không có gì bảo đảm là quân đội đáp lại đề nghị của chúng tôi.”

Tập đoàn quân nhân hôm thứ Ba đã ra các sắc lệnh có liên hệ. Một trong các sắc lệnh là “chưa có chính sách đàn áp công nhân di trú” bất chấp những tin tức trái ngược đang lan tràn. Chính quyền thừa nhận có yêu cầu người thuê mướn lao động phải nộp danh sách đầy đủ người lao động để xem xét.

Thông cáo thứ hai nói rằng bất cứ giới chức chính phủ nào bị phát hiện liên can đến buôn người, đặc biệt là liên quan đến lao động di dân “sẽ bị kỷ luật và truy tố hình sự.”

Cách thức Thái Lan đối xử với người lao động nước ngoài bị nhiều chỉ trích.

Tuần này Thái Lan bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa tên vào sổ đen gồm các nước không hành động thích hợp đối với nạn buôn người.

Chỉ số Nô lệ Toàn cầu do Quỹ Walk-Free có trụ sở tại Australia, nghiên cứu soạn thảo xem Thái Lan là một “trung tâm bóc lột” với các nạn nhân nô lệ xuất xứ từ cả bên trong lẫn bên ngoài biên giới Thái Lan.