Công nhân Bắc Triều Tiên không đến làm việc tại Kaesong

Công dân Hàn Quốc trở về từ khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên, ngày 9/4/2013.

53.000 công nhân Bắc Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong hôm nay không ai đến làm việc. Hôm qua, một giới chức cao cấp ở Bình Nhưỡng loan báo đình chỉ dự án liên doanh duy nhất còn sót lại giữa hai miền Nam-Bắc và tố cáo rằng Nam Triều Tiên đã biến khu phức hợp này thành “một địa điểm đối đầu.” Trong khi đó, Bắc Triều Tiên đã hối thúc du khách và doanh nhân nước ngoài nhanh chóng rời khỏi Nam Triều Tiên để đề phòng trường hợp xảy ra chiến tranh. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên đài VOA Steve Herman gởi về từ Seoul.

Tại cuộc họp nội các ngày hôm nay, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã cảnh báo Bình Nhưỡng rằng “sẽ không có nước nào hay công ty nào trên thế giới” đầu tư vào Bắc Triều Tiên nếu họ đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong.

Nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên nói rằng bà vô cùng thất vọng trước quyết định của Bắc Triều Tiên. Bà nêu lên câu hỏi là cho tới khi nào thì nước bà mới khỏi phải đối mặt với cái vòng lẩn quẩn là Bắc Triều Tiên không ngớt đòi hỏi những sự nhượng bộ và hỗ trợ từ Nam Triều Tiên để rồi sau đó lại tạo ra khủng hoảng.

400 viên quản đốc người Nam Triều Tiên còn ở lại Kaesong buộc phải ngưng các hoạt động tại công xưởng của họ vì tất cả các công nhân người Bắc Triều Tiên không ai đến làm việc.

Bà Park Guen Hye phát biểu như vậy trong lúc 400 viên quản đốc người Nam Triều Tiên còn ở lại Kaesong đã bị buộc phải ngưng các hoạt động tại công xưởng của họ vì tất cả các công nhân người Bắc Triều Tiên không ai đến làm việc.

Ông Han Jae Kwon, người đứng đầu hiệp hội các công ty ở Kaesong, nói rằng nếu tình hình này tiếp diễn thì các doanh nghiệp nhỏ và trung bình sẽ bị phá sản.

Ông Han cho biết hiệp hội của ông muốn đưa một phái đoàn đến Bắc Triều Tiên để thảo luận về số phận của khu phức hợp Kaesong. Ông cũng kêu gọi Seoul và Bình Nhưỡng thương lượng với nhau để tìm cách phục hồi ngay các hoạt động tại khu công nghiệp này.

Ông Han cho biết như thế một ngày sau khi ông Kim Yang Gon, thư ký Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động đương quyền ở Bắc Triều Tiên, đi thăm Kaesong. Ông Kim tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ xem xét vấn đề có nên tiếp tục dự án bắt đầu hoạt động năm 2004 này hay không. Ông nói rằng vấn đề này tùy thuộc vào thái độ của Seoul trong vài ngày tới đây.

Binh sĩ thuộc một đơn vị pháo binh của Nam Triều Tiên trong cuộc tập trận gần khu phi quân sự DMZ.

Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Hòa bình Á châu Thái bình dương, một tổ chức do nhà nước Bắc Triều Tiên điều hành, đã yêu cầu “tất cả mọi tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài, và người ngoại quốc, kể cả du khách, ở Seoul và tất cả những nơi khác ở Nam Triều Tiên hãy tìm nơi ẩn núp và di tản để bảo đảm an toàn cho mình.”

Một xướng ngôn viên đài truyền hình Bắc Triều Tiên nói rằng “một khi chiến tranh xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, đó sẽ là một cuộc chiến tranh toàn diện; Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc chiến phản kích thần thánh và không muốn những người nước ngoài ở Nam Triều Tiên phải trở thành nạn nhân của cuộc chiến khốc liệt đó.”

Tuần trước chính phủ ở Bình Nhưỡng cũng đưa ra những khuyến nghị tương tự cho các nhà ngoại giao ở thủ đô của Bắc Triều Tiên. Họ nói rằng sự an toàn của người ngoại quốc ở đó sẽ không được bảo đảm từ ngày 10 tháng tư. Tuy nhiên, tất cả 24 phái bộ ngoại giao ở Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục hoạt động và chưa nước nào di tản công dân của mình.

Trước đó, Bắc Triều Tiên đã đơn phương tuyên bố rút khỏi hiệp định ngưng bắn mà họ đã ký kết với Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo. Họ cũng đe dọa thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhắm vào lục địa nước Mỹ và các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng Thái bình dương. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố rằng hai miền nam bắc Triều Tiên “đang ở trong tình trạng chiến tranh.”

Hiện đang có nhiều người suy đoán là trong vài ngày tới đây Bắc Triều Tiên có thể sẽ phóng phi đạn tầm trung hoặc tầm xa.

Các giới chức Nam Triều Tiên cho biết họ đang theo dõi địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên ở Pungye-ri, nơi họ phát giác những hoạt động của nhân viên và xe cộ.

Các nghị quyết của Liên hiệp quốc ngăn cấm Bắc Triều Tiên thực hiện những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn.


Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên