Dư luận Việt Nam hôm 2/4 bày tỏ sự phẫn nộ cao độ trên mạng xã hội về vụ một nhân viên dân phòng hành hung man rợ 2 thiếu niên tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cách đây một ngày, vào sáng 1/4, một đoạn video lan truyền và làm dậy sóng trên mạng, cho thấy một người đàn ông mang trang phục của lực lượng dân phòng đấm, đá, lên gối, thúc cùi chỏ rất mạnh vào 2 thiếu niên trong một căn phòng có nhiều người lớn khác hiện diện.
Tối cùng ngày, ông Nguyễn Vy Tường Thuỵ, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, phường 14, quận 10, TP.HCM, xác nhận rằng đoạn video ghi lại vụ việc xảy ra trong phòng giám thị của trường, theo tin của Dân Việt, báo Giao Thông, VNExpress và Zing News.
Hiệu trưởng Thụy được báo chí dẫn lời nói rằng gần đây trường của ông hay bị mất trộm vặt nên đã tăng cường người rình bắt. Vào đêm 31/3, một số giáo viên và bảo vệ nhà trường bắt được 2 thiếu niên. Một nhân viên dân phòng tại địa phương đã đánh 2 thiếu niên đó. Tiếp đến, 2 thiếu niên bị đưa tới công an phường.
Nếu các cháu có trộm cắp đi chăng nữa cũng phải đưa ra pháp luật chứ không phải là dân phòng hay nhà trường xử thay pháp luật, đánh các cháu, gây thương tích cho các cháu như vậy được ... Việc cán bộ nhà trường có mặt nhưng không ngăn cản vụ đánh người, như thế cũng là sai.Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Trên mạng xã hội, các Facebooker có ảnh hưởng rộng rãi như Nguyễn Đình Bổn, Nguyễn Tiến Tường, Ngô Nguyệt Hữu, Hà Phan, Lê Công Định và nhiều người khác lên án hành vi côn đồ của nhân viên dân phòng.
Có người thậm chí nhận xét rằng nhân viên đó dường như tung ra các cú đánh để lấy mạng của 2 đứa trẻ con. Những lời bình luận khác bao gồm các từ ngữ như “tra tấn trẻ em”, “đánh ác quá”, “đánh đập dã man”, “quá bạo lực”, “quá vô pháp”, “chỉ có thể là thú dữ”.
Những tiếng nói trên mạng xã hội nhấn mạnh rằng hành động côn đồ của nhân viên dân phòng là không thể chấp nhận được. Dư luận đòi hỏi phải nhanh chóng đưa nhân viên này ra xử lý nghiêm trước pháp luật.
Họ lập luận rằng cho dù 2 thiếu niên là nghi phạm trộm cắp, việc xử lý hai em phải theo pháp luật, không thể chấp nhận việc nhân viên dân phòng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với 2 em theo cảm tính cá nhân.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một người hùng về chống tiêu cực trong ngành giáo dục, có chung suy nghĩ. Ông nói với VOA:
“Nếu các cháu có trộm cắp đi chăng nữa cũng phải đưa ra pháp luật chứ không phải là dân phòng hay nhà trường xử thay pháp luật, đánh các cháu, gây thương tích cho các cháu như vậy được. Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý dân phòng, xử lý nhà trường”.
Thầy Khoa nói thêm rằng “việc cán bộ nhà trường có mặt nhưng không ngăn cản vụ đánh người, như thế cũng là sai”.
Theo tường thuật của các báo Việt Nam, đoạn video cho thấy có một số nhân viên nhà trường hiện diện khi vụ đánh đập xảy ra nhưng không can ngăn. Điều này dẫn đến những lời lên án trong dư luận.
Những người sử dụng mạng xã hội gọi các nhân viên đó là vô cảm, không xứng đáng đứng trong ngành giáo dục. Ở mức độ nhẹ hơn, một số người gọi vụ việc xảy ra trong một môi trường giáo dục là rất đang buồn.
Không ít người buông lời cảm thán rằng các nhân viên ngành giáo dục dung túng cho bạo lực như vậy, chẳng trách bạo lực học đường nói riêng và bạo lực ngoài xã hội xảy ra liên tiếp.
Pháp luật không được thực hiện một cách nghiêm minh. Các hành vi sai trái không bị trừng trị một cách thỏa đáng, nên những người khác sẵn sàng sử dụng hành vi bạo lực.Tiến sĩ Khuất Thu Hồng
Bình luận về vụ việc mới nhất gắn trong bối cảnh mấy năm gần đây các vụ bạo lực đã gia tăng, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nói với VOA:
“Câu chuyện này phản ánh tình trạng người ta sẵn sàng không kiểm soát hành vi nữa, khi lên cơn tức giận người ta sẵn sàng có hành vi bạo lực dù đó là ở đâu. Điều ấy phản ánh thêm một chuyện nữa là người ta coi chuyện dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, xung đột là điều quá bình thường”.
Tình trạng kể trên có nguyên nhân ở pháp luật và đạo đức xã hội, tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói. Bà phân tích:
“Pháp luật không được thực hiện một cách nghiêm minh. Các hành vi sai trái không bị trừng trị một cách thỏa đáng, nên những người khác sẵn sàng sử dụng hành vi bạo lực. Những đạo đức xã hội, sự lên án về mặt xã hội, việc dư luận lên tiếng mạnh mẽ và hành động để trấn áp những hành vi như vậy thì tôi nghĩ bây giờ cũng yếu đi rồi. Có cảm giác là mọi người bất lực trước tình trạng như vậy”.
VOA nhận thấy hiện đang có nhiều người bày tỏ rằng việc lên án vụ dân phòng đánh đập 2 thiếu niên và lan tỏa những lời chỉ trích là điều cần thiết để ngăn chặn những hành vi, vụ việc có tính chất tương tự, vì nếu im lặng trước cái ác xảy ra với người khác, sẽ có lúc nó xảy ra với bản thân.
Một bản tin của Zing News vào sáng 2/4 dẫn lời ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 10, TP.HCM, nói rằng: “Hành động của bảo vệ khu phố đánh 2 thiếu niên là không thể chấp nhận được. Tôi đã yêu cầu đình chỉ công tác đối với người này để chờ xử lý”.
Vẫn tin của Zing News cho biết thêm công an quận 10 hiện phối hợp cùng các lực lượng chức năng địa phương đang làm rõ việc một nhân viên dân phòng đánh 2 thiếu niên tại trường Nguyễn Văn Tố.
Nhìn về dài hạn, tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định với VOA rằng để sửa chữa tình trạng bạo lực lan tràn ở Việt Nam hiện nay, một loạt điều phải được thực hiện, gồm pháp luật rất nghiêm minh, công tâm; giáo dục tốt hơn về lối sống, kỹ năng để mọi người tự kiểm soát hành vi; kết hợp với áp lực và sự lên tiếng của xã hội trước các điều xấu.
Ngay cả khi có thể thực hiện được tất cả những điều nêu trên, sự thay đổi sẽ mất nhiều thời gian vì đây là công việc khó khăn, đòi hỏi nghị lực phi thường của từng cá nhân và toàn xã hội, bà Hồng nói.