Vào chiều ngày 17/9, bão Florence đã chuyển thành áp thấp nhưng những trận mưa lớn đã làm ngập các thành phố tại hai bang North Carolina và South Carolina, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây đang ra sức vận động để hỗ trợ cho những đồng hương nạn nhân bão lụt.
Mấy ngày qua, thành phố Wilmington, bang North Carolina, nằm trong tâm bão Florence, đã bị cô lập vì nước lụt. Anh Duy Mai, một cư dân thành phố đã tạm lánh sang bang khác, nay đang định trở về nhà với nhiều lo lắng.
“Hôm thứ Sáu 14/9 bão vô thì bị mất điện, cho tới bây giờ chưa có điện trở lại. Địa hình của Wilmington thì hơi phức tạp: một bên là biển và một bên là sông. Phía ven biển thì bị bão ập vào. Người bị thiệt mạng thì chưa có người Việt, nhưng thiệt hại về tài sản là chắc chắn. Nhà cửa và cơ sở làm ăn ở ngoài biển, chủ yếu là nhà sàn, phía tầng dưới làm kho và bị lụt. Bão vô, triều cường lên thì bị ngập hết.”
Tại Leland, một thành phố nằm ở vùng đất thấp ở phía bắc Wilmington, nhà cửa và văn phòng bị nhấn chìm khi mực nước dâng cao tới 10 feet (3 mét) trên Quốc lộ 17, trong trận lũ lụt mà người dân địa phương nói là “chưa từng có.”
Chiều ngày 17/9, ở hầu hết các khu vực tại bang North Carolina mưa đã dứt, nước rút dần, và nhiều người đang trở về nhà mình.
Tính cho tới sáng ngày 18/9, bão Florence đã giết chết ít nhất 32 người, trong số đó có 25 người ở bang North Carolina, 6 người ở bang South Carolina, và 1 người ở bang Virginia, theo đài truyền hình CBS.
Tại thành phố Raleigh, North Carolina, ông Đỗ Trọng Khải chia sẻ với VOA hôm 17/9:
“Cơn bão đã chuyển hướng và đã giảm dần. Đa số các đồng hương tại thành phố Raleigh và vùng phụ cận không bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên một số gia đình ở đây bị cúp điện, một số người không đi làm được vì xe bị ngập nước. Khi tôi hỏi thăm các đồng hương ở vùng duyên hải như ở Wilmington, Morehead City, và New Bern thì bị thiệt hại khá nặng.”
Bà Trâm Lương, một người làm đại lý ngành địa ốc tại hai bang North và South Carolina, cho biết:
“Ở khu vực quanh thành phố Charlotte nơi tôi đang ở thì không có thiệt hại nghiêm trọng, dù ngày hôm qua bị mất điện. Tôi được biết thì ở khu vực này cũng không có gia đình nào phải tạm lánh, tuy một số khu vực dân cư bị ngập. Chính quyền thành phố Charlotte đã ra cảnh báo kịp thời và hỗ trợ tận tình cho người dân. Ngày hôm qua tôi có đi thăm các người thân trong gia đình và khi tới thì đã gặp các nhân viên thành phố tới hỗ trợ họ.”
Cũng từ thành phố Charlotte, bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia thành phố Charlotte, cho biết một số gia đình người Việt sống tại vùng duyên hải đã phải sơ tán theo lệnh của chính quyền địa phương.
“Trong số những người di tản có một vài gia đình người Việt Nam, cho đến giờ này tôi vẫn chưa liên lạc được với họ có thể là vì điện thoại của họ hết pin mà mất điện nên không sạt được. Những người di tản có thể giờ này đang trở về nhà, thu xếp dọn dẹp nhà cửa sau cơn bão.”
Bà Hương chia sẻ chương trình hỗ trợ cho các gia đình gốc Việt và cả người Mỹ bị thiệt hại trong bão:
“Chúng tôi đã có một chương trình để giúp người Việt ở cả Nam Carolina và Bắc Carolina. Ở Nam Carolina thì tôi cũng liên lạc với một vài gia đình và có thể chúng tôi sẽ đến thăm họ vào cuối tuần này. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đóng góp cho chương trình của Walmart, mình bỏ vào 1 ngàn đôla thì Walmart bỏ vào 2 ngàn đôla (donations two-to-one match donation), để giúp cứu trợ cho người dân địa phương, bao gồm cả người Mỹ và người Việt.”
Vào ngày 17/9, bão Florence đã di chuyển qua khu vực phía tây bang North Carolina và hướng về phía bang Virginia và New England, sau khi gây mưa lớn làm dâng nước sông, ngập đường cao tốc, nhà cửa, đe dọa nhiều mạng sống, gây bệnh tật tại hai bang Carolina.
Từ ngày 13/9, cơn bão gây mưa lớn tới 40 inch (100 cm) ở bang North Carolina và phía đông bang South Carolina.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã điều động 13 ngàn quân, gồm 5.400 binh sĩ, 7.857 thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia để tham gia các hoạt động hỗ trợ nhằm khắc phục hậu quả sau khi siêu bão Florence tàn phá bờ Đông Hoa Kỳ.
Your browser doesn’t support HTML5