Cộng đồng Hồi giáo lên án hành vi bạo lực của các nghi can vụ xả súng

Phụ nữ và trẻ em tham dự cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya tại Hoa Kỳ cầu nguyện viên cho các nạn nhân của vụ thảm sát hôm thứ Tư tại Nhà thờ Hồi giáo Hameed Baitul San Bernardino ở Chino, California ngày 03/12/2015.

Vẫn chưa rõ được động cơ đằng sau vụ nổ súng vào đám đông khiến 14 người chết tại San Bernardino, California. Syed Rizwan Farook và vợ là Tashfeen Malik, đã gửi đứa con nhỏ cho thân nhân trước khi thực hiện vụ xả súng bừa bãi vào một buổi tiệc mừng lễ cuối năm. Một phần trong cuộc điều tra là tìm ra vợ chồng nghi can này là ai. Họ đã bị hạ sát trong cuộc nổ súng với cảnh sát tiếp theo vụ tấn công. Một thủ lãnh Hồi giáo ở địa phương và những người khác quen biết với Farook nói họ kinh ngạc khi biết được một người mà họ coi là tín đồ thuần thành liên can đến vụ việc.

Khi Farook, 28 tuổi và người vợ 27 tuổi được cảnh sát nêu tên là thủ phạm vụ nổ súng vào đám đông, Mustafa Kuko, giám đốc Trung tâm Hồi giáo ở Riverside nói ông không thể tin được.

“Tôi rất xuống tinh thần. Tôi lấy làm kinh động và có cảm giác bị phản bội khi thấy một điều như thế xảy ra do một người Hồi giáo đã được dậy dỗ ở đây và bất cứ nơi nào khác rằng đạo Hồi hoàn toàn chống lại hình thức cư xử bừa bãi như thế này.”

Ông Kuko mô tả Farook là một người trầm lặng, dễ thương, thích sửa chữa xe hơi. Ông nói Farook đã đến nhà thờ hồi giáo của ông vài năm trước khi dọn đi nơi khác vào năm 2014. Faraook còn tổ chức buổi tiệc cưới của anh tại Trung tâm Hồi giáo ở Riverside. Ông Kuko nhớ Farook đã nói với ông về Malik trước khi kết hôn với cô ấy:

“Farook nói anh ta đã gặp một người phụ nữ trẻ tuổi dễ thương, tốt, sùng đạo, gốc người Pakistan.”

Ông Kuko nói Farook thường đến nhà thờ Hồi giáo mỗi ngày.

Ông kể: “Tôi lấy làm ngạc nhiên một hành động khủng khiếp như thế xuất phát từ một người rất sùng đạo, rất trung thành, và anh ta có vẻ là một người đứng đắn.”

Thân nhân của Farook cũng kinh động, theo ông Hussam Ayloush, giám đốc điều hành Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo ở Los Angeles.

Ông Ayloush nói, “Họ đã tìm cách gọi cho anh ta, gọi cho người vợ, không ai trả lời; họ hoảng hốt nghĩ rằng, “Chúa ơi, có thể anh ta bị bắn, có thể anh ta bị thương rồi.”

Ông Ayloush nói kể từ lúc cảnh sát công bố tên các nghi can nổ súng, đã có phản ứng chống lại cộng đồng Hồi giáo.

Ông nói, “Không may chúng ta thấy rất nhiều sự quy trách cho người Hồi giáo, nhiều thông điệp thù hận gửi cho các nhà thờ hồi giáo, những lời dọa giết gửi cho cá nhân chúng tôi, gửi vào điện thoại của chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời dọa giết.”

Tuy ông cũng nhận được những thông điệp ủng hộ, ông nói người Hồi giáo đang bị phán xét một cách bất công bởi một số người vì những hành động của các phần tử ngoài lề xã hội.

Ông Ayloush nói, “Tôi không thể trông đợi bất cứ người Cơ đốc giáo nào phải bênh vực khi một kẻ rồ dại nào đó phạm một tội ác. Tôi không thể trông đợi một người Do Thái hay cộng đồng Do Thái làm như thế. Và chúng ta không nên trông đợi người Hồi giáo Mỹ hay Hồi giáo trên khắp thế giới làm như thế. Hãy phán xét các cộng đồng qua những triết lý của họ, qua các hành động của họ trong tư cách một cộng đồng nói chung.”

Cộng đồng Hồi giáo tại đền thờ đạo hồi lớn nhất ở Quận San Bernardino đã tổ chức một buổi lễ đa tôn thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ súng và lên án những gì đã xảy ra.

Ông Amjad Mahmoud Khan thuộc Cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya nói, “Có thể rất mệt mỏi khi lúc nào cũng lên án các hành động và làm đi làm lại như thế như một tiếng dội lại trong căn phòng trống; nhưng cá nhân tôi tin rằng bất kể cảm giác sợ hãi đạo Hồi ngày càng tăng, là điều rất có thực, chúng ta cần phải suy ngẫm với tư cách một công đồng Hồi giáo Mỹ.”

Để chống lại những quan điểm tiêu cực về đạo Hồi, ông Khan nói các thành viên của cộng đồng Hồi giáo cần phải tiếp tục gửi đi thông điệp rằng họ phản đối mọi hành vi cực đoan và bạo động.

Vụ xả súng ở San Bernardino, California