Công an: Nạn nhân trong clip ‘Công an đánh chết dân’ tử vong do chạy quá sức

Hình nạn nhân Phạm Đặng Toàn và người thân (chụp từ video trên Facebook Tham Nguyen)

Cơ quan công an tỉnh Bình Định hôm 4/1 công bố kết quả sơ bộ về nguyên nhân gây ra cái chết của anh Phạm Đặng Toàn (29 tuổi) trong clip “Công an đánh chết dân” là do chạy quá sức dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho phổi, dẫn tới phù phổi và phù não.

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào để nghe phần âm thanh


Trước đó 1 ngày, dư luận trong nước xôn xao về một clip video quay cảnh nhiều người dân vây quanh hai công an và bắt họ quỳ trước thi thể một thanh niên, được cho là do 2 viên công an trên cùng 6 đồng nghiệp khác đánh chết.

Theo những người sử dụng mạng xã hội, đoạn video kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã được quay trực tiếp từ hiện trường là nhà xác của một bệnh viện ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Sau khi video clip lan truyền nhanh chóng trên mạng, ngay trong ngày 4/1, chủ nhân đăng clip là chị Thắm Nguyễn, đã gỡ đoạn clip xuống và đăng một video clip khác, trong đó chị Thắm giải trình rằng thông tin trong clip là không chính xác và gửi lời xin lỗi đến công luận. Kèm theo đó là một văn bản giải trình có chữ ký Thắm Nguyễn.

Tuy nhiên, cả lời giải thích của chị Thắm lẫn kết luận của cơ quan công an đều không thuyết phục được công chúng.

Chị Kim Tiến, con gái của ông Trịnh Thanh Tùng, một nạn nhân bị công an đánh chết vì vi phạm lỗi giao thông vào năm 2011, nói với VOA:

“Trong clip em thấy rõ ràng có những tiếng nói của những người trong vụ việc, họ nói rất rõ trong đó, và hình ảnh 2 người công an quỳ gối rất rõ. Nếu họ không đánh người thì họ sẽ không bao giờ quỳ và cũng không có việc người dân bức xúc tới mức độ phải đuổi theo để bắt công an lại”.

Theo giải trình của cơ quan công an Bình Định hôm 3/1, khi đi tuần tra theo kế hoạch trấn áp tội phạm kể từ dịp Tết dương lịch đến Tết âm lịch, tổ công an thấy hàng chục thanh niên tụ tập đánh bạc. Phát hiện ra công an, nhóm thanh niên, trong đó có anh Phạm Đặng Toàn, đã bỏ chạy và để lại dụng cụ xóc bầu cua và một số tiền mặt. Trong lúc kiểm tra hiện trường, công an phát hiện ra anh Toàn ngồi gục trước nhà dân trong tình trạng tím tái nên đưa đi cấp cứu, nhưng anh Toàn đã tử vong trước khi tới trung tâm y tế.

Ông Nguyễn Quang Phục, bố của anh Nguyễn Quốc Bảo - một nạn nhân nghi bị công an đánh chết năm 2010, nhận xét quá trình xét nghiệm, điều tra, công bố nguyên nhân của cơ quan chức năng trong các vụ án như thế này là “lố bịch”. Ông nói:

“Điều tra hình sự của mình quả thật là hơi bị lố bịch. Ngành hình sự của Việt Nam không hiểu họ điều tra kiểu gì? Cũng như vụ án của con tôi và nhiều vụ án tôi tham gia khác, họ chỉ bao che cho nhau thôi. Họ không nói lên sự thật”.

Theo ông Phục, việc công bố những kết luận không hợp lý, gây tranh cãi và để “chìm xuồng” những vụ án nghi bị công an đánh chết có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn nơi lòng tin của người dân.

“Việt Nam mà cứ để cho ngành hành pháp họ làm như thế này rồi thì sẽ mất lòng tin của người dân, nhất là họ chà đạp lên nhân quyền của người dân nhiều quá”.

Trong khi đó, với kinh nghiệm đấu tranh vất vả để đòi công lý cho cha, chị Kim Tiến đưa ra lời khuyên cho những nạn nhân của nạn bạo hành từ công an:

“Quan trọng nhất là họ phải kết hợp giữa truyền thông và pháp lý. Họ phải đấu tranh song song cả hai phương diện này để có thể đưa vụ án ra ánh sáng. Vì em đã trải qua một quá trình và em đã tìm hiểu rất nhiều vụ bị công an đánh chết, quan trọng về mặt truyền thông là họ phải kể lại vụ việc rõ ràng. Họ phải quay lại hình ảnh người thân mình với những chứng tích, lời khai của nhân chứng, cũng như trong toàn bộ quá trình làm việc với cơ quan công an. Về pháp lý, họ cần phải tìm một luật sư. Một người luật sư có tâm sẽ hướng dẫn họ về mặt pháp lý một cách đúng đắn”.

Mặc dù thừa nhận có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trong việc ghi lại bằng chứng, dấu vết trong các vụ án, nhưng tất cả những người được VOA phỏng vấn đều cho rằng vụ “Công an đánh chết dân” lần này rồi cũng sẽ chìm xuồng như những vụ trước.

Luật sư Võ An Đôn, người có nhiều kinh nghiệm trong những vụ án tương tự, nhận xét:

“Tình trạng người dân chết trong đồn công an hay chết khi đang làm việc với công an xảy ra rất nhiều. Đa số nạn nhân của các vụ việc hay nhờ đến em. Nhưng em cũng chỉ tư vấn về pháp luật, theo đúng luật pháp thôi, nên đa số những vụ này đều bị chìm xuồng hết, đều bị các cơ quan nhà nước cố tình bao che, không làm ra đúng sự thật, gây bức xúc dư luận dữ lắm”.

Theo Luật sư Đôn, nhiều luật sư ở Việt Nam rất ngại nhận những vụ án có liên quan đến lực lượng công an vì sợ liên lụy đến công việc làm ăn hoặc bị trả thù.

Hồi năm 2014, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã đưa ra một phúc trình về tình trạng gia tăng nạn nhân chết trong lúc bị giam giữ hay trong thời gian đang làm việc với công an. Phúc trình này chỉ trích lực lượng công an Việt Nam đã tra tấn, đánh đập nghi phạm trong lúc giam giữ, dẫn tới những cái chết oan của nghi phạm khi họ chưa hề được định tội.