Con ông Bạc Hy Lai xin cho cha có cơ hội tự bào chữa

Ông Bạc Hy Lai và con trai Bạc Qua Qua

Những diễn biến trong vụ ông Bạc Hy Lai

Những diễn biến trong vụ án Bạc Hy Lai

2012:


- 2 tháng 2: Đồng minh chính của ông Bạc, cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân bị giáng chức.

- 6 tháng 2: Ông Vương đi thăm lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô và tin nói ông tính xin tỵ nạn.

- 2 tháng 3: Tân Hoa Xã nói ông Vương đang bị điều tra.

- 9 tháng 3: Ông Bạc bênh vực mình và vợ là Cốc Khai Lai trong một cuộc họp báo ở Quốc hội.

- 15 tháng 3: Ông Bạc bị bãi chức tỉnh ủy Trùng Khánh.

- 26 tháng 3: Anh Quốc yêu cầu Trung Quốc điều tra về cái chết hối tháng 11 của ông Heywood tại Trùng Khánh.

- 10 tháng 4: Ông Bạc bị ngưng mọi chức vụ trong đảng Cộng sản. Trung Quốc cho biết bà Cốc Khai Lai đang bị điều tra về cái chết của ông Heywood.

- 17 tháng 4: Báo New York Times loan tin các giới chức Hoa Kỳ giữ ông Vương để giao ông cho nhà chức trách Bắc Kinh thay vì cho công an địa phương.

- 26 tháng 7: Bà Cốc bị buộc tội ám sát ông Heywood.

- 20 tháng 8: Bà Cốc bị tuyên án tử hình treo sau khi thú nhận giết ông Heywood.

- 18 tháng 9: Phiên xử 2 ngày ông Vương về tội đào tẩu và lạm quyền kết thúc mà ông không chống lại các cáo buộc.

- 28 tháng 9: Đảng Cộng sản khai trừ ông Bạc Hy Lai.

2013

- 25 tháng 7: Ông Bạc Hy Lai bị buộc tội hối lộ, tham nhũng, lạm dụng quyền lực.
Con của chính trị gia bị thất sủng Bạc Hy Lai tỏ ra nghi ngờ về sự công bằng của vụ xử cha ông về tội tham nhũng dự trù bắt đầu vào tuần này.

Trong một tuyên bố được đăng trên báo New York Times, ông Bạc Qua Qua kêu gọi giới hữu trách Trung Quốc để cha ông “được có cơ hội trả lời những chỉ trích và tự bào chữa mà không bị hạn chế nào cả.”

Ông Bạc nói đã qua 18 tháng kể từ khi ông được phép tiếp xúc với cha ông hay mẹ ông, bà Cốc Khai Lai, người bị kết tội giết một doanh nhân Anh vì tranh chấp tài chánh.

Ông Bạc, 25 tuổi, đang học tại Mỹ, nói ông “chỉ có thể phỏng đoán về điều kiện giam giữ bí mật của cha mẹ và sự bất hạnh họ phải chịu đựng trong tình trạng biệt lập.”

Ông cũng nói vụ xử ông Bạc Hy Lai sẽ “không có giá trị đạo đức” nếu kết quả tùy thuộc vào những thỏa thuận đạt được với cha mẹ ông để đảm bảo an toàn cho chính ông. Một số tin tức báo chí cho biết bà Cốc Khai Lai có thể làm chứng chống lại chồng bà nếu một thỏa thuận đạt được để bảo vệ con trai bà.

Các nhà phân tích nói ông Bạc Hy Lai có phần chắc sẽ bị kết tội. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng sẽ có một án tù dài hạn dành cho ông Bạc nhưng sẽ không có án tử hình.

Ông Carl Minzner, một chuyên gia về luật pháp và chính quyền Trung Quốc tại Trường Luật Fordham ở New York nói với Đài VOA là bản án đã được các giới chức cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định.

Cho đến năm ngoái ông Bạc là một ngôi sao đang lên trong nền chính trị Trung Quốc. Ông đã lên tới hàng ngũ cao cấp nhất là vào Bộ Chính Trị với 25 thành viên cho đến khi vụ tai tiếng làm cho ông bị hạ bệ.

Vụ xử ông Bạc Hy Lai, được xem như một vụ tai tiếng lớn nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên, sẽ bắt đầu vào ngày thứ Năm tại Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông. Ông bị xử về tội hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền hành.

Vụ án Bạc Hy Lai