Một người con lai Hàn Quốc ở Việt Nam cho biết ông vẫn muốn chính phủ ở “xứ sở kim chi” phải chính thức lên tiếng trước các phụ nữ được cho là bị binh sĩ Hàn Quốc hãm hiếp, trong đó có mẹ ông.
Ông Trần Văn Ty nói với VOA Việt Ngữ hôm 8/12, ít ngày sau khi báo chí trong nước đăng tải thông tin về các thành viên của phong trào “Xin lỗi Việt Nam” tới tỉnh Quảng Ngãi để tạ lỗi những người dân được coi là nạn nhân của lính Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam.
Các hình ảnh đăng tải trên báo điện tử VnExpress cho thấy một nhóm người Hàn Quốc cúi đầu đứng dưới mưa và quỳ sụp trước một tấm bia tưởng nhớ hơn 400 người mà tờ báo này nói là “thường dân vô tội” trong “vụ thảm sát của quân đội Đại Hàn tại xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”.
Ông Ty cho biết ông sinh ra tại huyện Tuy Hòa, Phú Yên, sau khi mẹ ông, bà Trần Thị Ngải, theo lời ông, “bị lính Hàn Quốc hãm hiếp”.
Về việc người dân Hàn Quốc tới Quảng Ngãi xin lỗi về những gì lực lượng của nước này đã gây ra nhiều thập kỷ trước, người đàn ông 46 tuổi này nói:
“Đó là một cái mị dân. Họ làm như vậy với một tính cách cá nhân họ đi du lịch. Họ làm như vậy nếu mà đại diện cho chính phủ Hàn Quốc, hay đại diện cho quân đội Hàn Quốc, hay đại diện cho một tổ chức phi chính phủ, họ đến họ làm việc đó thì đó là việc mà họ thiện chí. Còn đây là một nhóm nhỏ họ đi du lịch. Đó không phải là việc xin lỗi. Nếu mà họ là những con người có thiện chí rõ ràng, là những người đại diện cho bất cứ ai thì họ đầu tiên họ đến họ tìm những bà mẹ mà bị hãm hiếp như vậy. Xin lỗi thì phải có ít nhất tổ chức nào của Việt Nam đứng ra. Chính phủ Việt Nam hay của họ kết hợp với nhau và có sự công bố rõ ràng”.
Cuối năm ngoái, bà Ngải là một trong 10 phụ nữ Việt, tự nhận bị binh sĩ Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam, đã gửi thư ngỏ, yêu cầu chính quyền Seoul, nhất là Tổng thống Park Geun-hye, công khai xin lỗi vì những gì lực lượng của nước bà gây ra đối với họ.
Những người phụ nữ được trích trong một thông cáo báo chí rằng họ buộc phải lên tiếng vì “chưa nhận được một lời xin lỗi chính thức” dù nhiều thập kỷ đã trôi qua, và họ sợ “các câu chuyện của chúng tôi sẽ bị lãng quên”.
Ông Ty là người hỗ trợ chiến dịch “tìm lại công lý” cho mẹ và những người phụ nữ khác. Ông cho VOA Việt Ngữ biết rằng “từ năm ngoái cho tới năm nay, chưa có một tổ chức hay cá nhân nào liên lạc, gọi cho tôi”.
Trả lời VnExpress khi tới Quảng Ngãi hôm 3/12, bà Ku Su Jeong, người được coi là đã khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” của người Hàn Quốc thời gian qua, cho biết bà khởi động chiến dịch này để “những người Hàn Quốc phải biết những sai lầm của quá khứ”.
“Nếu chúng tôi không nỗ lực giải quyết những vấn đề lịch sử bằng sự thật, thì những sai lầm của lịch sử Hàn Quốc sẽ lặp đi lặp lại vào tương lai và đánh vào chính chúng tôi”, tiến sĩ nghiên cứu về lịch sử Việt Nam được trích lời nói.
Người con lai Hàn Quốc Trần Văn Ty nói rằng “chúng tôi không hận thù, không căm ghét họ”, nhưng chính quyền Seoul cần phải lên tiếng chính thức.
Ông Ty nói thêm:
“Tôi chỉ mong có một việc duy nhất đó là họ làm, họ phải đích thân làm, phải có những lời nói như thế nào đó đối với những người mẹ. Tùy vào tấm lòng của họ. Và tùy vào việc họ có thể lựa lời họ nói như thế nào đó, bởi vì trong cuộc chiến chúng tôi cũng không thể nào bắt bẻ họ được bởi vì đó là chiến tranh. Nếu bên này không bắn bên kia, thì bên kia cũng bắn bên này. Vấn đề hãm hiếp phụ nữ đó, sau cuộc chiến, chính phủ Hàn họ phải biết rằng đấy là một cái việc làm sai. Họ phải có động thái nào đó để họ bày tỏ. Đằng này họ không nói bất cứ cái gì hết. Họ cũng không thừa nhận và không có một lời nào để an ủi tinh thần của những người mẹ”.
Chính phủ Việt Nam chưa công bố con số thống kê các nạn nhân bị binh sĩ Hàn Quốc tấn công tình dục, nhưng theo bức thư của mẹ ông Ty và những người được coi là nạn nhân khác, “hiện có khoảng 800 phụ nữ trong số hàng nghìn người từng bị hãm hiếp vẫn còn sống”.
Có hàng trăm nghìn binh sĩ Hàn Quốc cùng với lực lượng Mỹ tham chiến ở Việt Nam, và người đứng đầu chính quyền Seoul khi ấy là ông Park Chung-hee, cha đương kim Tổng thống Park Geun-hye.
Your browser doesn’t support HTML5