Đường Nguyễn Thông, Sài Gòn, gần ga xe lửa Hòa Hưng, có khu phố chuyên bán cơm trắng, hay còn gọi là cơm không, hoặc cơm ký. Mối ruột là những người từ tỉnh lẻ tha phương lên Sài Gòn làm các nghề như bán vé số, mua ve chai, chạy xe ôm. Nhiều người bận bịu công việc cũng đến đây mua cơm trắng.
Ông Việt, người đàn ông hành nghề xe ôm ở phố cơm trắng kể rằng chuyện bán cả tạ cơm trắng trong một ngày là bình thường:
“Đầu tiên thì nấu nồi nhỏ thôi, kiểu như là bán thử thôi. Thấy vấn đề mà người ta nấu cơm này kia…, mấy người đàn bà đi chợ ưa phàn nàn là phải lo cơm nước vậy đó, thì mới nghĩ ra vấn đề nấu cơm ký để bán này kia… coi thử nó ra làm sao. Bán thấy được. Rồi bán được, người ta lại người ta mua. Lúc đầu tiên người ta mua một ký, nửa ký, lần 5 ngàn, 10 ngàn vậy đó. Rồi từ từ sau này cái mấy tiệm cơm thấy vậy người ta mới mua 10 ký, 20 ký về người ta bán, khỏi nấu. Lợi là cái lợi chỗ đó đó. Ngày xưa có một nồi bán cả ngày đó. Nhưng bây giờ thì bốn nồi bán chừng nửa buổi sáng là hết đó. Ngày bán cả tạ cơm chứ đâu có ít đâu. Có bữa như những ngày rằm, lễ lạc, bán nhiều lắm”.
Gọi là phố nhưng các quán cơm nằm rải rác chứ không tập trung thành dãy. Người nghèo không ăn sáng, nên theo lời một người phụ bán cơm trắng, người ta bắt đầu nấu từ 6 hoặc 7 giờ sáng để kịp bán trưa:
“Thời gian nấu một nồi cơm là 45 đến 50 phút. Thường thường như chủ thì dậy từ 5 giờ, còn tụi em người làm thì tới từ 6 giờ, 7 giờ. Nấu cơm đảm bảo thì mình lấy gạo ngon một chút. Mua một lần, hai lần người ta thấy ngon, người ta cứ tới mua hoài vậy đó. Khách hàng của em là toàn những thành phần người bán vé số, người đi mua ve chai, rồi sinh viên, rồi những người già… Hầu như là toàn những người mà… dân ở xa tới đây lập nghiệp, làm ăn”.
Một ký gạo nấu thành 2 ký cơm, gạo ở đây thường là loại giá rẻ, hạt cơm dễ bị cứng khi để nguội. Khách mua chủ yếu người nghèo, chỉ cần ăn no, rẻ chứ không cần ngon.
Ông Việt cho rằng các quán cơm trắng đã giúp ông tiết kiệm được ít tiền để nuôi gia đình, công nhân có dư chút đỉnh gửi về quê, hay các em sinh viên đang tuổi ăn tuổi học được no bụng mà không phải tốn tiền ăn cơm tiệm:
“Tiện lợi. Biết sao hông? Cái xã hội phải cần có những quán cơm như vầy nè, để cho người dân tới người ta ăn uống, cho nhu cầu của người ta đó. Đỡ tốn thời gian nữa. Người ta mua bán , người ta không có thời gian để nấu cơm, người ta ghé người ta mua, rồi người ta ăn luôn. Còn mấy người mà đi đường, người ta lỡ, cơ nhỡ đồ đó, người ta mua một, hai ký, năm, ba ngàn gì đó, người ta về người ta ăn thôi, khỏi phải nấu. Trời, đông lắm anh ơi… Mười một, mười hai giờ… người ta mua nườm nượp luôn đó…, đến chiều tối luôn. Mà đa số là bán [cho] người nghèo không à. Bán cho mấy người mà người ta nấu cơm, người ta bán cơm bình dân đó. Người ta mua ký về người ta bán, người ta khỏi nấu”.
Một cô sinh viên cho biết hay ra đây mua mỗi khi kín lịch học:
“Em là sinh viên, đang đi học… nói chung là trong một tuần, mình dành ra thời gian, khi nào mình rảnh theo thời khóa biểu lịch học của mình, thì mình nấu khoảng từ 3 đến 4 bữa. Còn lại thì mình mua cơm ngoài… Giá cả được, hợp với sinh viên”.
Giá gạo, giá gas biến động không ngừng, người bán cũng trầy trật, nói gì đến người mua. Nhiều người bán chia sẻ rằng mỗi lần tăng giá cơm, họ thấy xót ruột lắm. Không phải họ sợ mất khách, mà chỉ sợ lại thêm nhiều người nghèo không đủ tiền ăn cơm, hay lại phải bớt tiền gửi về nhà cho người thân.
Trong những hạt gạo trắng, xen lẫn tình người ấm áp. Không quá lời khi nói rằng Sài Gòn luôn có đủ cách dang tay che chở cho những phận nghèo.