Theo tôi, có thể nói một cách khái quát: Mặt nổi của toàn cầu hoá là các hoạt động kinh tế tài chính; mặt chìm của toàn cầu hoá là những phát minh của khoa học kỹ thuật liên quan, trước hết, đến hai lãnh vực giao thông vận tải và truyền thông (bao gồm cả điện thoại di động, email và internet); nhưng trung tâm của toàn cầu hoá lại là văn hoá.
Mở đầu cuốn Globalization and Culture, John Tomlinson nhấn mạnh: “Toàn cầu hoá nằm ở trung tâm của nền văn hoá hiện đại; việc thực hành văn hoá nằm ở trung tâm của toàn cầu hoá.” (1)
Malcolm Waters cho thực chất của toàn cầu hoá là quan hệ giữa các tổ chức xã hội/văn hoá và tính lãnh thổ (territoriality); thực chất của mọi quan hệ là sự trao đổi. Có ba loại trao đổi chính: một, trao đổi vật chất (material exchanges) bao gồm việc buôn bán, thuê mướn, lương trả cho lao động, chi phí cho dịch vụ, v.v…; hai, trao đổi chính trị (political exchanges) bao gồm các phương tiện như là bầu cử, chỉ huy, kiểm soát, tham gia vào các đảng phái, v.v…; và ba, trao đổi biểu tượng (symbolic exchanges) qua các phương tiện như đối thoại, xuất bản, trình diễn, giáo dục, nghi lễ, tuyên truyền, quảng cáo, biểu tình, v.v…
Loại trao đổi thứ nhất thường gắn liền với các quan hệ liên cá nhân (interpersonal), và đặc biệt, những không gian được địa phương hoá (nơi sản xuất, người sản xuất, thị trường, tiệm, hãng, chợ); loại trao đổi thứ hai gắn liền với chủ quyền và lãnh thổ, rộng hơn, với các quan hệ quốc tế; loại trao đổi thứ ba dễ có khả năng vượt qua các giới hạn địa phương và trở thành phổ quát nhất. Waters tóm tắt thành công thức: “trao đổi vật chất (có khuynh hướng) địa phương hoá, trao đổi chính trị quốc tế hoá; và trao đổi biểu tượng toàn cầu hoá.” (2)
Đi xa hơn, Waters cho mọi kích thước của toàn cầu hoá đều có khuynh hướng biểu tượng hoá: trong kinh tế, việc toàn cầu hoá được thực hiện qua trung gian của tiền tệ, và tiền tệ càng ngày càng được giải vật chất hoá (dematerialized) (dưới hình thức chi phiếu, ngân phiếu, thẻ tín dụng, eBank, v.v…); trong chính trị, toàn cầu hoá được tiến hành với ý hướng tranh giành ảnh hưởng hơn là những quyền lợi vật chất; nói cách khác, mọi trao đổi vật chất và trao đổi chính trị dần dần sẽ được thay thế bằng trao đổi biểu tượng; (3) nói cách khác nữa: mọi hình thức toàn cầu hoá, cuối cùng, đều đồng quy vào văn hoá, hay nói theo Malcolm Waters, “toàn cầu hoá không những trở thành một tiến trình lịch sử chính tác động lên văn hoá mà còn trở thành bản chất của văn hoá đương đại.” (4)
Cái gọi là “bản chất của văn hoá đương đại” ấy là gì?
Có thể tóm gọn lại một câu: Là kinh nghiệm mới về không gian và thời gian.
Kinh nghiệm ấy, với Anthony Giddens, là sự tách rời thời gian ra khỏi không gian (time-space distanciation) để mở rộng các quan hệ giữa địa phương này với những địa phương khác ngay cả khi chúng hoàn toàn xa cách nhau về phương diện địa lý; (5) với David Harvey, là sự dồn nén thời-không gian (time-space compression), ở đó, không gian bị thu hẹp lại và thời gian trở thành ngắn hơn, hơn nữa, xu hướng khách thể hoá và phổ quát hoá của khái niệm không gian và thời gian còn cho phép thời gian triệt tiêu không gian; (6) với Manuel Castell, nơi không gian của sự tuôn chảy (space of flows) - một thế giới của sự chuyển dịch, ở đó, các quan hệ xã hội không dừng lại ở sự gần gũi về phương diện địa lý - xung đột với không gian của nơi chốn (space of places) vốn gắn liền với lãnh thổ theo cách hiểu truyền thống; chính cái không gian của sự tuôn chảy này, cùng với thời-gian-phi-thời (timeless time), trở thành nền tảng vật chất của nền văn hoá mới. (7)
Những ý kiến này, thật ra, không khác nhau nhiều lắm. Và cũng không mới. Tất cả dường như đã được Martin Heidegger linh cảm từ rất sớm, vào đầu thập niên 1950, khi ông tin, với sự tiến bộ vượt bậc của các phương tiện giao thông hiện đại, ý niệm về không gian và thời gian sẽ thay đổi hẳn. Ông viết: “Tất cả các khoảng cách trong thời gian và không gian đều đang bị thu hẹp lại. Bây giờ chỉ cần qua một đêm, trên máy bay, con người đã có thể đến những nơi mà trước đây họ phải cần đến hàng tuần hay hàng tháng.”
Heidegger cũng tiên đoán là những kỹ thuật thông tin và truyền thông hiện đại, nhất là phim ảnh và truyền hình, có thể làm cho mọi người nhìn thấy những cảnh tượng trong quá khứ xa xôi nào đó như chứng kiến những gì đang diễn ra ngay trước mắt của mình, qua đó, tạo nên những thực tại ảo (virtual reality), (8) như cái điều mà Jean Baudrillard sẽ phân tích kỹ lưỡng sau này.
Nhiều học giả thâu tóm hệ quả của các thay đổi ấy vào khái niệm liên kết (interconnection) hay nối kết toàn cầu (global connectivity). (9)
Thực chất của nối kết hay liên kết là sự lưu thông (circulation), theo Anna Tsing, vốn là một uyển ngữ dùng để chỉ sự thâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào mọi ngõ ngách trên trái đất, sự phá vỡ các rào cản giữa các văn hoá, chủng tộc, ngôn ngữ và quốc gia. (10) Đó là những gì có thể được nhìn thấy hầu như ở mọi nơi: từ âm nhạc chúng ta nghe cho đến phim ảnh hay chương trình ti vi chúng ta xem, thực phẩm chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc, giày dép chúng ta mang, vật dụng chúng ta có đều in đậm rất nhiều dấu ấn của phương xa, đến từ rất nhiều nơi trên thế giới.
Không những vậy, chúng ta có thể trực tiếp chịu sự tác động của một biến cố ở một nơi nào đó xa lơ xa lắc, nơi chúng ta chưa bao giờ đặt chân tới và có khi cũng không thể hình dung ra nó ở vị trí nào trên bản đồ thế giới, vậy mà, chỉ cần một biến động chính trị ở nơi ấy, giá xăng dầu hay giá thực phẩm tăng vọt khiến ngân sách gia đình chúng ta bị gặp khó khăn ngay tức khắc.
Ngoài ra, bản thân chúng ta cũng có thể trực tiếp tham gia vào tính nối kết ấy qua các phương tiện truyền thông chúng ta đang có: điện thoại di động, email, internet, v.v…
Nhiều người cho xu hướng viễn thông hoá (telemediatization) là một trong những đặc điểm chính của thế kỷ 21. Hơn nữa, cùng với giao thông vận tải, đó là một trong hai điều kiện chính dẫn đến toàn cầu hoá và có ảnh hưởng trực tiếp đến ý niệm thời gian và không gian của con người.
Nên nhớ cả không gian lẫn thời gian đều là những phạm trù cơ bản trong tư tưởng và là hai yếu tố nòng cốt trong kinh nghiệm xã hội. Đời sống con người gắn liền với không gian; văn hoá cũng gắn liền với không gian; bản sắc con người cũng định hình trong mối quan hệ với một không gian nhất định: một làng, một miền, một nước hay xuyên qua biên giới của nhiều nước.
Kinh nghiệm về không gian của con người có liên hệ mật thiết với cấu trúc thời gian, ngược lại, kinh nghiệm về thời gian tác động đến cách chúng ta cảm nhận về không gian. Người ta dùng thời gian để đo lường không gian: những nơi có thể đến nhanh được thì gọi là gần; những nơi phải mất thời gian lâu mới đến được thì gọi là xa. Khi thời gian cần thiết để nối liền các địa điểm địa lý cách biệt bị giảm xuống, khoảng cách hay không gian sẽ bị nén lại hay biến mất. Bởi vậy, thay đổi trong thời tính của hoạt động con người đương nhiên sẽ dẫn đến những thay đổi trong kinh nghiệm về không gian, từ đó, lãnh thổ, và cũng từ đó, kinh nghiệm về biên giới; và cuối cùng, về cái mà chúng ta thường gọi là quốc gia.
Một trong những thay đổi quan trọng nữa là sự thay đổi trong tương quan giữa văn hoá và lãnh thổ: trước, như trong từ nguyên của chữ “culture” (“cultura” trong tiếng Latin) tiết lộ, văn hoá thoạt đầu có nghĩa là trồng trọt, nghĩa là gắn liền với đất; sau, cùng với quá trình toàn cầu hoá, văn hoá dần dần bị giải lãnh thổ hoá để rồi lại tái lãnh thổ hoá.
Liệu những nền văn hoá giải lãnh thổ hoá ấy có thành một nền văn hoá toàn cầu?
Có ba quan điểm khác nhau.
Một, các thuyết nhất thể hoá (homogenization theories) chủ trương kết quả của toàn cầu hoá là sự hợp lưu của các nền văn hoá, ở đó, những cái riêng sẽ bị những cái chung khống chế; trên rất nhiều phương diện, cả thế giới sẽ mang một hình ảnh giống nhau.
Hai, các thuyết dị thể (heterogeneity) tin là nhân loại sẽ chống lại xu hướng nhất thể hoá, tức là đồng dạng hoá, từ đó, một mặt, sẽ bảo vệ nét đặc thù và tính tự trị của các nền văn hoá địa phương; mặt khác, sẽ tranh đấu theo hướng đa cực hoá; mỗi hướng phản ảnh những kinh nghiệm riêng về toàn cầu hoá.
Ba, những người theo quan điểm lai ghép (hybridity) tin toàn cầu hoá làm cho các yếu tố mới và cũ trộn lẫn vào nhau, dung hoá lẫn nhau, cuối cùng, biến các bản sắc cá nhân cũng như cộng đồng thành những bức khảm nhiều màu và độc đáo. (11)
Tôi tin vào quan điểm thứ ba. Tôi tin đó sẽ là tương lai của mọi nền văn hóa trên thế giới, kể cả văn hóa Việt Nam, sau này.
Chú thích:
1.John Tomlinson (1999), Globalization and Culture, Cambridge: Polity Press, tr. 1.
2.Malcolm Waters, sđd., tr. 18-20. Nguyên văn câu vừa được dịch: “material exchanges localize; political exchanges internationalize; and symbolic exchanges globalize.”
3.Như trên, tr. 160.
4.Như trên, tr. 184.
5.Anthony Giddens (1990), The Consequences of Modernity, Stanford: Stanford University Press.
6.David Harvey (1989), The Condition of Postmodernity, Cambridge: Basil Blackwell, đặc biệt chương 14 “Time and space as sources of social power”, tr. 226-307. Chữ “triệt tiêu” ở đây được dùng để dịch chữ “annihilate” trong nguyên tác.
7.Manuel Castell (1996), The Rise of the Network Society, tập 1 của bộ The Information Age: Economy, Society, Culture, Oxford: Blackwell, tr. 406.
8.Martin Heidegger (1971), Poetry, Language, Thought, Albert Hofstadter dịch, New York: Harper & Row, tr. 165.
9.John Tomlinson, “Cultural Globalization” in trong cuốn The Blackwell Companion to Globalization do George Ritzer biên tập (2007), Oxford: Blackwell Publishing, tr. 352.
10.Anna Tsing, “The global situation”, in trong The Anthropology of Globalization, a Reader do Jonathan Xavier Inda và Renato Rosaldo biên tập, Blackwell xuất bản tại Oxford năm 2008, tr. 75.
11.Nguyên đoạn này, tôi dựa vào sự tóm tắt của William I. Robinson trong bài “Theories of globalization” in trong cuốn The Blackwell Companion to Globalization do George Ritzer biên tập, sđd., tr. 140.