Một tàu chở container đang chặn lưu thông trên kênh đào Suez ‘như một con cá voi bị mắc cạn’ giữa lúc các giới chức đang chặn tất cả tàu bè, không cho tiến vào kênh đào Suez hôm thứ Năm. Theo công ty cứu tàu thì có lẽ phải mất nhiều tuần nữa mới kéo được chiếc tàu để thông kênh đào Suez, hãng tin Reuters nói đây là thêm một cú giáng nữa vào nền thương mại toàn cầu.
Con tàu Ever Given dài 400m, gần bằng chiều cao của tòa nhà Empire State Building, đang nằm chắn ngang, chặn lưu thông từ cả hai hướng trên tuyến hàng hải bận rộn nhất cho các tàu chở hàng, trên hải trình nối liền châu Á với châu Âu.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết 8 tàu kéo đang dồn sức để cứu con tàu mắc cạn.
“Chúng tôi không thể loại trừ khả năng việc này sẽ kéo dài nhiều tuần, tùy vào tình hình,” ông Peter Berdowski, CEO của công ty Hà Lan Boskalis đang tìm cách giải cứu con tàu nói trên đài truyền hình Hà Lan.
Tổng cộng có 156 tàu chở container lớn, tàu chở dầu và khí đốt, cũng như các tàu chở gạo, đậu hạt đang bị kẹt ở cả hai bên kênh đào Suez, trong vụ ách tắc giao thông tệ hại nhất từng xảy ra tại đây trong nhiều năm.
Cuối ngày thứ Năm sẽ có một nỗ lực mới để di chuyển chiếc tàu, công ty quản lý kỹ thuật của con tàu, Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM) cho biết.
Khoảng 30% container của thế giới đi qua kênh đào Suez dài 193 km mỗi ngày.
Các chuyên gia hàng hải nói nếu kênh đào Suez tiếp tục bị chặn trong những ngày tới, một số tàu chở hàng sẽ phải đổi hải trình, đi vòng xuống Châu Phi, kéo dài thời gian di chuyển thêm khoảng 1 tuần.
Công ty Tham vấn Wood Mackenzie nói tàu chở container sẽ chịu tác động lớn nhất, nhưng ngoài ra có tổng cộng 16 tàu chở đầy dầu thô và phó phẩm đang có kế hoạch đi ngang qua kênh đào Suez, và giờ sẽ bị đình hoãn.
Các tàu này chở tới 870.000 tấn dầu thô, và 670.000 tấn sản phẩm dầu như xăng, naphtha và dầu diesel.
Nga và Ả rập Saudi là hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất sử dụng kênh đào Suez, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước nhập khẩu dầu lớn nhất.
Chủ tàu, là công ty Nhật Bản Shoei Kisen, đã ngỏ lời xin lỗi về sự cố này, nói rằng công tác giải cứu chiếc tàu đang trên đường từ châu Âu sang Trung Quốc “cực kỳ khó khăn” và tới giờ chưa rõ bao giờ con tàu mới nổi lên được.
Công ty này có khả năng phải đối mặt với yêu cầu bồi thường từ SCA vì mất doanh thu và các hãng tàu khác sau sự cố. Số tiền bồi thường có thể lên tới hàng triệu USD dù cho con tàu được giải cứu nhanh chóng, theo Reuters.
Hai toán cứu tàu chuyên nghiệp từ Hà Lan và Nhật Bản sẽ làm việc với các quan chức địa phương để thiết kế một kế hoạch hữu hiệu hơn nhằm giải thoát con tàu.