Có phải hạn chế visa sinh viên hay không?

Your browser doesn’t support HTML5

Có phải hạn chế visa sinh viên hay không?


Khi các sinh viên quốc tế theo học các trường đại học tại Mỹ trở lại Hoa Kỳ để tiếp tục học kỳ kế tiếp, họ sẽ phải đối mặt với sự kiểm tra kỹ lưỡng của các giới chức di trú Mỹ. Bộ An ninh Nội bộ Hoa Kỳ đã thay đổi Hệ thống Thông tin về Sinh viên và chương trình trao đổi sinh viên hay còn gọi là SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System.) Hệ thống này theo dõi các trường học, các chương trình tham quan và sinh viên trong khi những người này đến nước Mỹ du học. Trong Câu chuyện nước Mỹ tuần này, mời quý thính giả theo dõi thêm chi tiết về những thay đổi này cũng như về những lớp học miễn phí trên mạng do các trường đại học tổ chức.

Thay đổi chính yếu đòi hỏi các nhân viên kiểm soát biên giới, tại các phi trường, bến cảng, kiểm tra mỗi sinh viên quốc tế đến Mỹ phải có một visa hợp lệ. Quy định mới được áp dụng chỉ vài ngày sau khi nhà chức trách Mỹ biết được một sinh viên từ Kazakhstan đến bị cáo buộc đã giấu những tang vật cho một trong hai nghi can đánh bom vào cuộc chạy đua Marathon ở Boston. Sinh viên này đã được phép trở lại Mỹ vào tháng Giêng năm nay nhưng không có visa hợp lệ. Hậu quả của việc này, mà nhiều người gọi là truy lùng hoặc hạn chế, ảnh hưởng như thế nào đối với các trường đại học ở Mỹ.

Phóng viên Đài VOA Iran Mellman đã hỏi ông Ron Cushing, Giám đốc Dịch vụ Quốc tế của trường đại học Cincinnati, tiểu bang Ohio về việc này. Ông Cushing nói tình trạng này không phải là hạn chế, nhưng là một nỗ lực chỉnh sửa lại vấn đề. Các thanh tra di trú trước đây đã không có được thông tin cần thiết về các visa quá hạn. Do đó vào thời điểm này, các sinh viên có visa sẽ phải qua kiểm tra an ninh cẩn thận, và sẽ làm cho các sinh viên phải chờ đợi từ một đến ba giờ đồng hồ tại các cửa khẩu vào nước Mỹ vì phải qua kiểm tra lần thứ hai và có thể khiến cho sinh viên không đi kịp chuyến đi thứ hai đến nơi cần đến. Ông nói:

“Đây không phải là việc hạn chế nhưng là để đảm bảo là những cá nhân theo học một cách hợp pháp và được cho vào nước Mỹ có tên trong hệ thống visa của cơ quan an ninh.”

Được hỏi là liệu biện pháp mới này có gây trở ngại hay làm nản lòng các sinh viên và gia đình người nước ngoài muốn theo học tại Mỹ hay không? Ông Cushing nói:

“Tôi có thể nói là vào lúc này, tiến trình vẫn có nhiều khía cạnh tích cực trong việc người nước ngoài vào Mỹ bằng visa sinh viên. Mặt khác chúng ta có một hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới và sinh viên sẽ nhận được chất lượng giáo dục tốt nhất.”

Ông Cushing cho biết thêm là những thay đổi này sẽ được thông báo tường tận đến sinh viên qua các hệ thống thông tin của trường đại học:

“Các sinh viên cần phải tiếp xúc với văn phòng dịch vụ sinh viên người nước ngoài của các trường đại học và chúng tôi cũng tiếp xúc với tất cả sinh viên của chúng tôi về những chậm trễ có thể xảy ra tại phi trường và chúng tôi cũng cho sinh viên biết về những luật lệ mới được ban hành và các sinh viên cũng phải đọc những tài liệu các văn phòng dịch vụ sinh viên cung cấp và chúng tôi chắc chắn sẽ phải cho sinh viên biết những gì đang xảy ra.”

Ông Cushing nói việc sinh viên có visa quá hạn lại được vào nước Mỹ không phải chỉ xảy ra tại nước Mỹ mà còn tại các nước khác nữa nhưng ở một mức độ khác nhau:

“Không ở mức độ như chúng ta làm ở đây. Chắc chắn là tại Australia, tại Anh họ có những phương cách theo dõi sinh viên nhưng tôi không nghĩ là ở mức độ gần giống như Hoa Kỳ.”

Ông Cushing trấn an các sinh viên nước ngoài muốn vào Hoa Kỳ:

“Tôi nghĩ lời nhắn của chúng tôi đối với những sinh viên đang xem xét vấn đề theo học tại Hoa Kỳ là chúng tôi đang nỗ lực giúp cho thế giới trở nên một nơi an toàn hơn và tốt hơn và các sinh viên đến đây để học hỏi về văn hóa chúng tôi cũng như chia sẻ với chúng tôi về văn hóa của họ, để khi trở về nước trở thành những nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp, trong công nghiệp và ngay cả trong chính phủ và chúng tôi khuyến khích sinh viên tiếp tục xem nước Mỹ như là nơi chính để đến.”

------------------------------------------------

Vào năm 2011 các trường đại học tại Mỹ và trên thế giới chú ý khi một giáo sư của trường đại học Stanford dạy một lớp về thông minh nhân tạo trên mạng không mất tiền, và có hơn 100.000 sinh viên trên toàn thế giới ghi danh theo học.

Thành công của trường đại học Stanford đã khiến các trường đại học lớn khác như Harvard và MIT theo gương và mang lại sự chú ý ngày càng tăng và giúp tài trợ cho các tổ chức phát triển những chương trình giáo dục miễn phí trên Internet. Thông tín viên Đài VOA Brian Padden có thêm chi tiết từ Palo Alto, California.

Lớp kỹ sư tại trường đại học Standford được thu hình để dành cho một lớp trên mạng. Trường đại học đã có từ 30 đến 40 lớp miễn phí trên mạng, và có hơn 1,5 triệu sinh viên ghi tên theo học. Có thời khóa biểu thường xuyên, làm bài ở nhà và có thi trắc nghiệm, nhưng những người ghi danh học không có được tín chỉ để lấy một văn bằng đại học. Ông John Mitchell, Phó Hiệu trưởng phụ trách về dạy trên mạng của trường đại học Stanford nói:

“Chúng tôi là giáo sư. Đây là những gì chúng tôi thích làm. Nếu chúng tôi có thể thấy những người trên toàn thế giới học chúng tôi, thì đây là phần thưởng. Đó là những gì giúp chúng tôi thức dậy buổi sáng.”

Những lớp học miễn phí này cũng có nghĩa là lôi kéo sinh viên nộp đơn vào Stanford hay ghi danh học các lớp học trên mạng khác nhưng phải đóng tiền. Trong khi giáo dục trên mạng đang nới rộng phạm vi hoạt động của những trường đại học nổi tiếng, ông Mitchell nói những lớp học trên mạng này không thay thế những lớp học tại trường.

Tuy nhiên ông David Stavens, trước đây dạy tại trường đại học Stanford và mới đây là đồng sáng lập trường đại học trên mạng miễn phí có tên là Udacity, nói một nền giáo dục có chất lượng trở nên quá đắt đối với hầu hết mọi người:

“Đây là một hệ thống tốt cho nhiều người nhưng cũng có nhiều người khác cũng thông minh như vậy, cũng quyết tâm như vậy, cũng làm việc cực nhọc như vậy nhưng không hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ này, và đây là một hệ thống không công bằng đối với họ.”

Trong khi trường đại học Udacity là một công ty bất vụ lợi, đa số những lớp học của công ty không mất tiền và được triển khai đặc biệt cho những sinh viên trên mạng. Những lớp này bao gồm những video ngắn, tiếp theo là những bài tập được thiết kế để sinh viên tham gia và củng cố thêm các bài học.

Sinh viên có thể trả tiền cho việc kèm cặp bằng hội luận video hay sử dụng các trang nói chuyện miễn phí để thảo luận những vấn đề với các bạn cùng lớp.

Trong khi con số những trường đại học tổ chức các lớp trên mạng ngày càng tăng thì một số lớp miễn phí, một số lớp phải đóng tiền. Khan Academy là một trang mạng miễn phí bất vụ lợi bao gồm 3.500 lớp video miễn phí bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và được sáu triệu người sử dụng mỗi tháng.

Ông Salman Khan là người sáng lập công ty. Ông nói không khó để thu hút các nhà tài trợ như Quỹ Bill và Melinda Gates bằng cách tổ chức giáo dục có chất lượng cho mọi người trên thế giới.

“Bất cứ lúc nào, với một ít tiền về phần bạn, bạn có thể tạo nên một tiềm năng vô giới hạn về phần người khác, tôi nghĩ thật là xấu hổ nếu không làm việc này.”

Các chỉ trích cho rằng có nhiều khuyết điểm của việc giáo dục trên mạng. Những chỉ trích này nêu ra các cuộc nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bỏ học cao của các sinh viên trên mạng. Tuy nhiên những người ủng hộ nói công nghệ tiến hóa đã tập họp lại để mở ra những cơ hội giáo dục mới chưa từng thấy trước đây cho hàng triệu người trên toàn thế giới.