DOHA, Qatar (AP) — Cảnh tượng các cổ động viên Nhật Bản tại World Cup nhặt rác cho vào túi sau một trận đấu — dù thắng hay thua — luôn gây ngạc nhiên cho những người không phải là người Nhật Bản. Các cầu thủ Nhật Bản nổi tiếng vì làm điều tương tự trong phòng thay đồ của đội họ: treo khăn tắm, lau sàn và thậm chí để lại thông điệp cảm ơn.
Hành vi này đang được bàn tán rôm rả trên trên mạng xã hội tại World Cup ở Qatar, nhưng không có gì bất thường đối với cổ động viên hoặc cầu thủ Nhật Bản. Họ chỉ đơn giản làm điều mà hầu hết mọi người ở Nhật Bản vẫn làm — ở nhà, ở trường, nơi làm việc hoặc trên đường phố từ Tokyo đến Osaka, Shizuoka đến Sapporo.
“Đối với người Nhật Bản, đây chỉ là điều bình thường họ làm,” huấn luyện viên Nhật Bản Hajime Moriyasu nói. “Khi bạn rời đi, bạn phải để lại một nơi sạch sẽ hơn trước đó. Đó là sự giáo dục mà chúng tôi đã được dạy. Đó là văn hóa cơ bản mà chúng tôi có. Đối với chúng tôi, nó không có gì đặc biệt cả.”
Người phát ngôn của Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản nói họ đang cung cấp 8.000 túi rác để giúp cổ động viên nhặt rác sau các trận đấu với thông điệp “cảm ơn” bên ngoài được viết bằng tiếng Ả-rập, tiếng Nhật và tiếng Anh.
Barbara Holthus, một nhà xã hội học đã sống ở Nhật Bản trong thập niên qua, cho biết việc dọn dẹp vệ sinh cá nhân đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản.
“Ở Nhật Bản, người ta luôn phải mang rác về nhà vì không có thùng rác trên đường phố,” bà Holthus, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản của Đức, nói. “Trẻ em dọn dẹp lớp học. Ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng đã học được rằng mình phải chịu trách nhiệm về sự sạch sẽ trong không gian của chính mình.”
Nhiều trường tiểu học ở Nhật Bản không có người lao công, vì vậy một số công việc dọn dẹp được giao cho học sinh nhỏ tuổi. Nhân viên văn phòng thường dành một giờ để dọn dẹp khu vực của họ.
“Một phần là do văn hóa, nhưng cũng là do cơ cấu giáo dục đã đào tạo con người ta trong một thời gian dài để làm điều đó,” bà Holthus nói thêm.
Đây là kì World Cup thứ bảy liên tiếp của Nhật Bản, và sự sạch sẽ của họ bắt đầu trở thành tin tức tại World Cup đầu tiên họ tham dự vào năm 1998 tại Pháp.
Trước Thế vận hội 2020, Đô trưởng Tokyo Yuriko Koike cảnh báo rằng những cổ động viên đến tham dự sẽ phải học cách tự dọn dẹp sau khi bày bừa. Tuy nhiên, vấn đề này không bao giờ xảy ra khi cổ động viên từ nước ngoài bị cấm tham dự Olympics vì đại dịch COVID-19.
Tokyo có ít thùng rác công cộng. Điều này giữ cho đường phố sạch sẽ hơn, tiết kiệm cho các thành phố đô thị chi phí đổ rác, và tránh được chuột bọ.
Midori Mayama, một phóng viên người Nhật tại Qatar tường trình về World Cup, nói rằng việc cổ động viên nhặt rác chẳng phải tin tức gì lớn ở Nhật Bản.
“Không ai ở Nhật Bản sẽ đưa tin về chuyện này,” cô nói, lưu ý rằng việc dọn dẹp tương tự cũng xảy ra tại các trận bóng chày chuyên nghiệp của Nhật Bản. “Tất cả điều này quá đỗi bình thường.”
Đó có thể là điều bình thường đối với người Nhật, nhưng Alberto Zaccheroni, một người Ý từng huấn luyện đội tuyển Nhật Bản từ năm 2010 đến 2014, cho biết đó không phải là cách mà hầu hết các đội hành xử khi họ đi thi đấu ở nước ngoài.
“Ở khắp nơi trên thế giới, các cầu thủ cởi bỏ đồ thi đấu của họ và để trên sàn trong phòng thay đồ. Sau đó, các nhân viên vệ sinh đến và thu dọn,” ông nói. “Không phải các cầu thủ Nhật Bản. Họ xếp hết cả quần đùi lên nhau, cả vớ và cả áo thi đấu.”