Chính khách Mỹ kêu gọi bà Clinton nêu vấn đề nhân quyền với VN

  • VOA

Dân biểu Loretta Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm Việt Nam Caucus ở Hạ Viện Hoa Kỳ

Trước khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton lên đường tham dự Hội nghị An ninh Cấp vùng ASEAN tổ chức tại Hà Nội, 19 nhà lập pháp Mỹ trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi một thỉnh nguyện thư yêu cầu bà Clinton đề cập đến vấn đề nhân quyền Việt Nam trong các cuộc họp với giới chức cấp cao của Hà Nội.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, dân biểu liên bang Hoa Kỳ Loretta Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm Việt Nam Caucus ở Hạ Viện, một trong 19 người đồng ký tên trong bức thư gửi Ngoại trưởng Clinton, cho biết thêm chi tiết.

Dân biểu Loretta Sanchez: Ngoại trưởng Hillary Clinton sắp tham dự Hội nghị An ninh Cấp vùng ASEAN. Nhân cơ hội này, chúng tôi bao gồm 19 nhà lập pháp trong Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có cả Chủ tịch và thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện là dân biểu Howard Berman và dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, đã đồng ký tên vào bức thỉnh nguyện thư, đề nghị Ngoại trưởng Clinton thực hiện ba điều. Thứ nhất, kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức các nhà hoạt động dân chủ đang bị cầm tù, trong đó có nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà báo tự do Phạm Thanh Nghiên, và luật sư Lê Công Định, cũng như trả tự do vĩnh viễn và vô điều kiện cho linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý. Thứ hai, cổ võ cho quyền tự do internet, yêu cầu Hà Nội cho phép người dân tự do truy cập vào các trang mạng xã hội như Facebook. Thứ ba, sắp xếp gặp gỡ với các nhà hoạt động dân chủ hoặc thân nhân của những tù nhân chính trị tại Việt Nam. Đó là nội dung chính trong bức thư kêu gọi mà chúng tôi gửi lên Ngoại trưởng Clinton trước khi bà lên đường.

Thời gian Ngoại trưởng Clinton có mặt tại Việt Nam rất ngắn ngủi, theo tôi được biết, chỉ trong khoảng 1 ngày rưỡi, vì bà đến đây để tham dự Hội nghị An ninh Cấp vùng ASEAN. Và chính tôi đã gặp bà cách đây một tháng để nhấn mạnh với bà tầm quan trọng của việc đề cập tới vấn đề nhân quyền của Việt Nam nhân chuyến đi này. Bởi lẽ ngay trong các báo cáo nhân quyền hằng năm, Việt Nam vẫn tiếp tục không đáp ứng thích hợp các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cơ bản cần thiết. Vì vậy, tôi cho rằng quan trọng là Ngoại trưởng Clinton bằng cách nào đó, dưới hình thức hoặc chỉ dấu nào đó, chỉ rõ cho Việt Nam thấy rằng Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và sẽ tiếp tục đấu tranh đòi hỏi Việt Nam cải thiện nhân quyền tốt hơn.

VOA: Lúc đó, Ngoại trưởng Clinton hồi đáp như thế nào trước đề nghị của bà?

Dân biểu Loretta Sanchez: Bà Clinton rủ tôi cùng đi Việt Nam với bà, và bà đã yêu cầu phía Việt Nam cấp visa cho tôi. Hiện tôi vẫn đang chờ xem lần này họ có cấp visa cho tôi hay không, nếu được, tôi sẽ bay ngay sang Việt Nam.

VOA: Bà có nghĩ rằng lần này có nhiều hy vọng là bà sẽ được Việt Nam cấp visa nhập cảnh không?

Dân biểu Loretta Sanchez: Chính bà Ngoại trưởng Clinton yêu cầu với phía Việt Nam về việc cấp visa cho tôi, nên chúng tôi hy vọng sẽ được. Tuy nhiên, như cô biết đấy, chính quyền Hà Nội đã nhiều lần không cấp visa cho tôi vào Việt Nam. Khi cựu Tổng thống Bill Clinton đi ký thỏa thuận mậu dịch song phương với Việt Nam hồi tháng 11/2000, ông đã cho tôi tháp tùng, với mục đích mà ông nói rằng nhằm chứng tỏ cho Việt Nam rằng Hoa Kỳ vẫn coi trọng vấn đề nhân quyền. Cho nên khi tôi yêu cầu Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu vấn đề nhân quyền với Việt Nam, bà đã bảo tôi đi cùng với bà sang Việt Nam.

VOA: Nếu bà được cấp visa vào Việt Nam lần này, kế hoạch của bà sẽ như thế nào?

Dân biểu Loretta Sanchez: Điều quan trọng đầu tiên là tôi sẽ yêu cầu được gặp một số giới chức chính quyền Việt Nam để thảo luận với họ về vấn đề tự do internet. Tôi sẽ cùng với Ngoại trưởng Clinton mở cuộc họp báo yêu cầu Hà Nội trả tự do cho các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam. Và tôi sẽ đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép tôi gặp một số các tù nhân chính trị.

VOA:
Còn nếu lại bị Việt Nam khước từ lần nữa, trong tương lai gần, bà sẽ tiếp tục cố gắng xin visa lần nữa chứ?

Dân biểu Loretta Sanchez: Dĩ nhiên rồi, tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng. Nhiều năm trước đây, khi tôi có dịp lần đầu tiên gặp gỡ Hòa thượng Thích Quảng Độ và bác sĩ Nguyễn Đan Quế tại Việt Nam, cả hai đều nói với tôi rằng tôi cần tiếp tục tranh đấu từ bên ngoài, để cộng đồng quốc tế biết đến tầm quan trọng của việc tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và tiếp thêm sức mạnh cho những người yêu chuộng dân chủ tại Việt Nam khi họ biết là cộng đồng quốc tế có quan tâm và cùng tranh đấu với họ.

VOA: Trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi mới đây, đại sứ Mỹ đầu tiên tới Việt Nam, ông Pete Peterson, có nói rằng “không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng”. Vẫn theo lời ông Peterson, các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam đã mang lại những tiến bộ, nên ông đề nghị nên “đo lường những tiến bộ so với các mục tiêu đề ra, hơn là đo lường bằng sự hoàn hảo”. Ý kiến của bà như thế nào?

Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi thậm chí đâu có yêu cầu một sự hoàn hảo nào đâu. Trong bất kỳ khía cạnh nào, dù là về mặt tự do tôn giáo, tất cả đều bị nhà nước Việt Nam kiểm soát và giới hạn. Các quyền tự do tôn giáo là những quyền căn bản của con người mà Hà Nội cũng không cho phép người dân được thực thi trọn vẹn. Trong lĩnh vực quyền tự do báo chí cũng vậy, tất cả các cơ quan truyền thông báo chí đều thuộc nhà nước và do nhà nước kiểm soát. Ở đây chúng tôi không hề nói đến sự hoàn hảo, chẳng ai yêu cầu một sự hoàn hảo cả. Chúng tôi chỉ yêu cầu Việt Nam cho phép và tôn trọng một số quyền căn bản của công dân, ví dụ nho nhỏ như cho phép báo chí tư nhân được thành lập chẳng hạn, hay cho phép người dân được quyền tự do truy cập thông tin chẳng hạn.

VOA
: Xin chân thành cảm ơn dân biểu Loretta Sanchez đã dành cho VOA Việt Ngữ cuộc phỏng vấn này.