Yếu tố không gian và thời gian đối với quá trình sáng tác ca khúc

Yếu tố không gian và thời gian đối với quá trình sáng tác ca khúc

Quý vị thân mến. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bàn về đề tài “Yếu tố không gian và thời gian đối với quá trình sáng tác ca khúc”.

Từ những buổi phát thanh đầu tiên của chương trình này chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về hướng đi của Tân Nhạc Việt Nam bằng cách tuần tự nghe qua trích dẫn những ca khúc mới từ bên nhà ra đến hải ngoại, bên cạnh việc trích dẫn song song những bài hát của trên 35 năm về trước để qua đó quý vị có thể cùng chúng tôi, ta cùng nhau coi xem sau trên 70 năm thì nền Tân Nhạc đó có triển vọng phát triển theo hướng nào!

Nhưng bên cạnh việc so chiếu tác phẩm của những tác giả mới, thuộc thế hệ trẻ hôm nay, với tác phẩm của những tác giả thuộc thế hệ trước, thì thiết tưởng còn một khía cạnh quan trọng không kém là so chiếu tác phẩm mới và cũ của ngay chính những tác giả thuộc thế hệ trước đây. Có hai điều hết sức khách quan chi phối quá trình sáng tác của các vị ấy. Trước hết là vấn đề tuổi tác, và kế đến là hoàn cảnh sống của từng con người!

Nhưng chúng tôi hẵng xin mời quý vị nghe trích đoạn một bài hát hết sức quen thuộc của một tác giả thuộc lớp có ca khúc nổi tiếng từ thời cuối thập niên 40; bài “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên, qua giọng ca Lê Dung.

( Trích “Trăng mờ bên suối” )

Vừa rồi là trích đọan bài “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên qua giọng ca Lê Dung. Thời đó, cuối thập niên 40, đầu 50, liền sau bài “Trăng mờ bên suối” vừa rồi còn có bài “Một chiều thương nhớ” của cùng tác giả; với cùng một âm hưởng của thời đó, bài hát mở đầu với câu: “Một chiều nhớ em trên đuờng vắng…Và bâng khuâng tìm người ước mơ..” nhưng ngày nay mà có lên trên mạng để tìm nghe những bài hát của Lê Mộng Nguyên thì phần lớn ta chỉ thấy hàng chục bài hát làm mãi về sau này chứ còn bài “Một chiều thương nhớ” vào cùng thời với “Trăng mờ bên suối” thì lại rất hiếm thấy! Nay thì tác giả của “Trăng mờ bên suối” khi xưa đã tròn 80 và một trong những bài hát mới nhất của ông là bài “Thu sầu”, nhạc phổ thơ của Lưu Hồng Phúc mà chúng tôi xin trích đọan hầu quý thính giả sau đây, qua giọng ca Diệu Hiền.

( Trích “Thu sầu” )

Trở lại yếu tố tuổi tác mà chúng tôi đề cập đến lúc ban nãy thì có gì lạ chăng nếu như ngày hôm nay ta lên mạng Internet, vào một địa chỉ đuợc giới thiệu như là “Đỉnh cao của âm nhạc” chẳng hạn, để thấy trong số hàng trăm ca khúc mới thuộc loại được phổ biến nhiều nhất thì hầu như tất cả đều là những bài hát về tình yêu, và nếu nhìn lại, đối với các nhạc sĩ kỳ cựu và nổi tiến nhất của Tân Nhạc Việt Nam thuở các vị ấy còn trẻ trung, tức là vào cái thời từ cuối thập niên 40 đến khoảng đầu thập niên 70 thì phần lớn những ca khúc nổi tiếng nhất của các vị ấy cũng không xoay quanh đề tài nào khác hơn tình yêu là gì? Còn về mặt hoàn cảnh sống thì sau 54 ta đã thấy hàng loạt bài hát với đề tài ly hương; thế nhưng thời ấy các tác giả của những bài hát ấy vẫn còn trẻ trung, nguồn rung cảm vẫn còn đồi dào. Nhưng sau giữa thập niên 70 một số lớn các vị vừa nêu đã rời khỏi nước cho nên phần vì đã luống tuổi và phần vì còn lo thích nghi với môi trường sống xa lạ, chả còn có thể móc nối tâm thức mình với hình ảnh con sông, bờ lúa, lũy tre làng của hơn cả nửa đời người trước đấy, cho nên một số lớn cũng đã ngưng sáng tác hoặc có sáng tác chăng thì theo phong cách khác, mang tính chất hoài niệm là chủ yếu.

Có giới bình luận về ca nhạc thì cho rằng các vị ấy đã “cạn hứng”! Phải chăng cũng vì thế mà không ít các tác giả nổi tiếng khi xưa xoay ra phổ nhạc cho thơ của người khác nhiều hơn là tự mình viết cả nhạc lẫn lời? Bởi khi tự viết cả nhạc lẫn lời thì tình ý của bài hát mới thật rõ rệt là phát sinh từ suy nghĩ cùng tình cảm nơi chính tác giả bài hát. Còn phổ nhạc cho thơ, trừ phi là người nhạc sĩ cảm nhận ý tình bài thơ như thể chính bản thân mình mong ước có khả năng viết ra đúng những lời lẽ như thế để diễn tả tình cảm của mình thì không nói mà làm gì!

Với tuổi tác cùng hoàn cảnh sống thay đổi nơi con người ta thì ngay đối với một người bình thường không thôi cũng đã là khác, huống chi là đối với các nghệ sĩ, cho dù có tài hoa đến mấy! Có một nhạc sĩ thuộc lớp kỳ cựu và rất nổi tiếng của Tân Nhạc Việt Nam thì có suy là ông càng già, những bài hát của ông viết ra lại càng hay. Có người yêu ca hát, thuộc hàng rất mực hâm mộ tài năng của vị nhạc sĩ vừa nêu thì sau đấy viết bài trên báo lại có nhận xét, và chúng tôi lập lại nguyên văn là : “Những bài hay thì không mới, còn những bài mới thì không hay”!

Đến đây thì chúng tôi xin trích dẫn 3 bài hát của một nhạc sĩ với những ca khúc nổi tiếng từ thời giữa thập niên 50, nhạc sĩ Nhật bằng. Trích đọan bài thứ nhất là từ bài “Sau lũy tre xanh”, xuất hiện vào giữa thập niên 50, sau khi tác giả đã di cư vào Nam! Bài hát này do Kim Tước hát.

( Trích “Sau lũy tre xanh” )

Tiếp theo bài “Sau lũy tre xanh” vừa rồi do Kim Ước hát thì đến trích đoạn bài “Thuyền trăng”, bài hát bắt đầu nổi tiếng từ cuối thập niên 50, qua giọng ca của Tôn Nữ Liên Hương.

( Trích “Thuyền trăng” )

Vừa rồi là trích đoạn bài “Thuyền trăng” của Nhật Bằng qua giọng ca Tôn Nữ Liên Hương. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền khi xưa là bạn cùng thời với Nhật Bằng và hai người có một số bài cùng nhau làm. Có lần chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Hiền và tình cờ đề nghị ông đơn cử một vài ca khúc nào đấy của Nhật Bằng mà ông cho là đặc sắc thì ông nêu hai bài, một là “Đợi chờ” và hai là “Thuyền trăng”! Tiếp theo đây, xin mời qúy thính giả ta cùng nhau nghe bài “Mùa Đông tuyết trắng” của Nhật Bằng, sáng tác ở hải ngọai sau năm 75. Bài hát lại do Kim Tước hát.

( Trích “Mùa Đông tuyết trắng” )

Quý thính giả thân mến. Vừa rồi là trích đoạn bài “Mùa Đông tuyết trắng” của Nhật Bằng, một sáng tác của tác giả sau năm 75 ở hải ngoại qua giọng ca Kim Tước.

Còn tiếp theo đây thì chúng tôi xin trích dẫn một bài hát của Từ Công Phụng, một tác giả thuộc thế hệ đàn em của lớp nhạc sĩ như Nhật Bằng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng v.v.. khi xưa! Những bài hát của Từ Công Phụng thì từ bấy đến nay đã rất quen thuộc với thính giả thuộc hàng cao niên ngày hôm nay cũng như lớp thính giả thuộc lứa tuổi ba mươi, bốn mươi. Từ Công Phụng sáng tác khá nhiều ở hải ngoại; tuy cho đến bây giờ thì ca sĩ vẫn thường hát trên CD những ca khúc của họ Từ vào thời trước năm 75. Trong khi đó thì những ca khúc như chúng tôi trích dẫn sau đây, bài “Cánh chim vùng hoang dại”, do chính tác giả hát, lại hiếm khi thấy xuất hiện trên các CD.

( Trích “Cánh chim vùng hoang dại” )

Vừa rồi là trích đoạn bài hát “Cánh chim vùng hoang dại” của Từ Công Phụng do chính tác giả hát! Nhân đề cập đến khung cảnh sống làm nền cho tác phẩm thì tưởng cũng cần nêu sự thể là bài hát này tác giả lấy nguồn cảm hứng từ một kỷ niệm khi đi Úc Châu. Khi viết bài hát này thì, của đáng tội, tác giả của nó cũng chưa thể gọi là già vì mới chỉ trên dưới năm mươi, tức hình như lứa tuổi người ta viết về tình yêu không say đắm hay bồng bột như lứa tuổi ba mươi nhưng có phần chín chắn, thâm trầm, sâu lắng hơn. Hình như vậy! Và đối với trường hợp bài này cũng như những bài khác của lớp nhạc sĩ có tiếng khi xưa, cùng trạc tuổi với Từ Công Phụng, thì hình như một số không ít cái cũ đã hay mà một số những cái mới có khi cũng lại hay chẳng kém!

( Nhạc nền kết thúc )

Và đến đây thì cũng đã kết thúc chương trình “ca khúc Viêt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay. Xin gửi đếm quý thính giả lời chào thân ái, và xin hẹn nhau lại đến tuần sau!