Chuyên gia: Việt Nam chấp thuận ‘cộng đồng chia sẻ tương lai’ với TQ để hạ nhiệt chống Bắc Kinh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội, ngày 12/12/2023. (Nhac Nguyen/Pool via AP)

Các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam phải chấp thuận “một cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc thay cho tầm nhìn “cộng đồng chung vận mệnh” do tính nhạy cảm về ngôn từ và do tâm lý chống Trung Quốc vẫn còn mạnh ở trong nước, mặc dù về nội hàm chúng không khác nhau mấy. Các nhà quan sát cho rằng dưới ý đồ gia tăng sự kìm tỏa của Bắc Kinh trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực với Hoa Kỳ, mối quan hệ Trung - Việt với “tương lai chia sẻ” này sẽ để lại một “di sản nặng nề”.

Hôm 12/12 tại Hà Nội, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược”, cho rằng đây là “nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, theo thông cáo báo chí của chính phủ hai bên.

Kỹ xảo ngôn từ

Trước khi kết thúc chuyến thăm hôm 13/12, hai bên đưa ra tuyên bố chung, một lần nữa khẳng định “Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược”. Nhưng điều đáng lưu ý là truyền thông Trung Quốc hôm 13/12 vẫn dùng từ “cộng đồng chung vận mệnh” để mô tả thành quả chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập.

Luật sư Lê Quốc Quân, hiện đang sinh sống tại Mỹ, nêu ý kiến về khái niệm thỏa thuận mới giữa Bắc Kinh và Hà Nội:

“Cách mà người ta dùng từ ở đây về “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, theo tôi, là một kỹ xảo về mặt ngôn ngữ mà thôi. Nó diễn đạt lại ý định từ năm 1999 về “Vận mệnh tương quan”: hai bên lệ thuộc vào nhau, đan xen lợi ích với nhau, có chung một số phận - đặc biệt giữa hai đảng cộng sản. Từ đó hai đảng cộng sản áp dụng một tương lai chung vận mệnh cho cả hai dân tộc, hai quốc gia”.

Ông Lê Minh Nguyên ở bang California, Mỹ, một chuyên gia theo dõi các quan hệ đối ngoại của Trung Quốc và Đông Nam Á, nêu nhận định với VOA rằng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” xuất phát từ “Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại”, một sáng kiến của ông Tập có từ 10 năm trước.

“Đầu tiên ông Tập nói là “Cộng đồng chung vận mệnh”, sau đó ông Tập nói là xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại”, nghĩa là thay vì thắt chặt hoàn toàn thì ổng mở ra một chút. Nhưng qua những gì ổng nói, như việc ổng nói thăm Việt Nam như thăm “họ hàng, láng giềng, vừa là đồng chí vừa là anh em, hai nước núi liền núi, sông liền sông như môi với răng” thì thấy rằng là họ muốn kìm Việt Nam thật chặt”.

Luật sư Lê Quốc Quân đánh giá rằng việc Hà Nội chốt “Cộng đồng chia sẻ tương lai” thay vì “Cộng đồng chung vận mệnh” là một “thắng lợi” về mặt ngôn ngữ, nhưng bản chất vẫn không khác biệt.

“Đây rõ rằng là một thắng lợi của phía Việt Nam. Rõ ràng nếu dùng từ “Cộng đồng chung vận mệnh” thì chắc chắn về mặt tâm lý đối với nhân dân Việt Nam là không thể chấp nhận được”.

Ông Nguyên có nhận xét tương tự, nói rằng động thái mới này cũng nằm trong chiếc lược có cân nhắc kỹ lưỡng của Hà Nội, một mặt giảm bớt tâm lý bài Trung trong nước, mặt khác vẫn kiên định thế cân bằng trong mối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng.

“Chắc chắn người dân Việt Nam có thái độ chống Trung Quốc như thấy trên mạng xã hội và trên thực tế khắp nơi. Chính quyển cũng sợ rằng dư luận đó ảnh hưởng đến một phe nhánh lớn trong Đảng Cộng sản và dẫn đến sự nguy hiểm cho chế độ của họ, do đó họ đi từng bước chậm và chắc để đảm bảo sự thăng bằng trong việc đi dây, và cố gắng điều chỉnh từ ngữ để hạ nhiệt”.

Tuy vậy, từ “vận mệnh”, vẫn được đưa vào Tuyên bố chung một cách khéo léo hôm 13/12: “Hai bên cho rằng, các nước có tiền đồ vận mệnh liên quan chặt chẽ với nhau, các nền văn minh khác nhau chung sống bao dung, giao lưu học hỏi lẫn nhau”.

“Phía Việt Nam ủng hộ việc xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại””, tuyên bố chung Trung - Việt viết, với mục đích “nhằm thúc đẩy những giá trị chung về hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do; ủng hộ và sẵn sàng chủ động tham gia các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu phù hợp với khả năng, điều kiện, nhu cầu của Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về tuyên bố “Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại” của Việt Nam và Trung Quốc vừa thiết lập.

Ông Tập và ông Trọng hội đàm, ngày 12/12/2023.

Trung Quốc vẫn kiên định

Truyền thông Trung Quốc hôm 13/12 vẫn dùng từ “cộng đồng cùng chung vận mệnh” và nói rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ Tập Cận Bình là “một thắng lợi”.

“Việc hai Tổng Bí thư Việt Nam – Trung Quốc cùng tuyên bố xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược là cột mốc lịch sử trong quan hệ Việt – Trung, tất sẽ mang lại càng nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp to lớn hơn cho sự nghiệp hoà bình và tiến bộ của nhân loại”, đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc ban Tiếng Việt (CRI) đưa tin hôm 13/12.

Tuy nhiên, không bên nào đưa ra định nghĩa hay diễn giải các thuật ngữ này.

Hôm 12/12, ngay khi hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Tập vẫn kiên định thuyết phục nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

“Tập trung mưu cầu phát triển cho đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, mưu cầu tiến bộ cho nhân loại, Tổng Bí thư Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố định vị mới quan hệ hai đảng hai nước Trung Quốc – Việt Nam, chung tay xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược”, đài CRI tường thuật.

Tương tự như vậy, ông Tập viết một bài xã luận hiếm hoi cho tờ Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, nói rằng việc xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh” Trung Quốc-Việt Nam sẽ mang ý nghĩa chiến lược trên tất cả các lĩnh vực của mối quan hệ song phương.

Tuy vậy, trang Tân Hoa Xã tiếng Anh của Trung Quốc hôm 13/12 vẫn dùng từ “Cộng đồng chia sẻ tương lai”.

Chấp nhận và thách thức

Và như vậy, Việt Nam cuối cùng đã tán thành công thức “cộng đồng chung vận mệnh” bất chấp sự hoài nghi trước đó, mặc dù trong tiếng Việt, tầm nhìn này được phía Việt Nam dịch là “cộng đồng chia sẻ tương lai”.

“Từ hồi năm 2017, Trung Quốc đã hối thúc Việt Nam gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” trong chuyến thăm Đà Nẵng của ông Tập, nhưng Việt Nam khi đó đã không tham gia”, ông Vũ Xuân Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Chính trị học tại Trường Đại học Boston, bang Matsachusetts, Mỹ, viết qua email cho VOA.

“Trong khi cụm từ này báo hiệu Trung Quốc muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam thì đối với Việt Nam, việc Việt Nam có muốn tham gia tầm nhìn hay không không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của nước này đối với Trung Quốc”, ông Khang cho biết thêm. “Ưu tiên của Việt Nam là trấn an Trung Quốc rằng quan hệ của Việt Nam với các nước khác không nhằm vào Trung Quốc. Nếu Việt Nam tham gia cùng tầm nhìn của Trung Quốc, động thái này chỉ đơn giản là một bước nữa trong chính sách đảm bảo của Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam sẽ đứng về phía Trung Quốc trong mọi vấn đề”.

Quyết định của Hà Nội tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh” của Bắc Kinh “là phù hợp với chính sách đảm bảo lâu dài của nước này đối với nước láng giềng phía bắc”, ông Khang cho biết thêm.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Lê Quốc Quân nhận thấy rằng động thái mới này của Hà Nội, cho dù họ chọn ngôn từ như thế nào, cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn.

“Điều đó để lại một di sản rất nặng nề trong tương lai cho Việt Nam’, ông Quân nói. “Dù nội hàm nó như thế nào đi nữa thì vẫn không quan trọng bằng việc áp dụng vào thực tế”.

“Nói là quan trọng. Viết ra cũng càng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là áp dụng trong thực tế. Tôi lo ngại rằng việc áp dụng trong thực tế rất là nhiều bởi vì hai bên đã ký đến 36 văn bản hợp tác, và những văn bản này mới đi vào thực tiễn, và như vậy, gắng chặt toàn bộ bối cảnh về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của Việt Nam với Trung Quốc”.

“Phía Việt Nam tích cực ủng hộ Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội triển khai hoạt động”, một tuyên bố chung dài nêu hàng loạt các thỏa thuận viết.