Các học giả Trung Quốc nói rằng việc Bắc Kinh rút giàn khoan dầu ra khỏi Biển Đông nằm trong khuôn khổ của một chiến lược dài hạn. Thông tín viên Da Hai Han ghi nhận ý kiến các học giả về hành động của Trung Quốc trong vụ này.
Hoa Kỳ, từng tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, đã hoan nghênh hành động này sau khi nói rằng địa điểm đặt giàn khoan của Bắc Kinh là khiêu khích.
Việc di chuyển được loan báo chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và chỉ vài ngày sau cuộc đàm phán thường niên về chiến lược và kinh tế giữa các giới chức cao cấp Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Trong một bài đăng trên mạng hôm thứ Năm, học giả Trung Quốc Zhang Hongliang nói, “Đối với Trung Quốc, hành động này cũng như sự đồng ý với yêu cầu của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc chịu nhượng ở Biển Đông.” Đó cũng là cảm nghĩ của nhiều người trên các trang mạng truyền thông xã hội của Trung Quốc.
Tuy nhiên ông Chen Yixin, một chuyên gia về Mỹ và Trung Quốc ở Đài Loan, nói rằng Bắc Kinh đang nhìn vào toàn cảnh lớn hơn. Ông phân tích:
"Trung Quốc rõ ràng không muốn tình hình này lan rộng. Hãy nhìn vào những gì diễn ra hiện nay, tôi không nói đó là một sự rút lui lâu dài, mà Hoa lục rõ ràng đang tạm thời dàn xếp một vụ tranh chấp và không muốn đối đầu lâu dài với Hoa Kỳ.”
Ông nói thêm rằng Bắc Kinh rút lui bây giờ để thủ mối lợi lớn hơn sau này.
Ông Zheng Hailin, một chuyên gia về Biển Đông và Hoa đông ở Hong Kong đồng ý về điểm này. Ông nói rằng việc rút giàn khoan hiện nay là một bước chiến lược dài hạn của Trung Quốc.
Ông Lin Yongxin, làm việc cho Viện Nghiên cứu về Biển Đông ở Nam Hải cho rằng thời điểm của việc này chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông nói:
"Việc này chắc chắn không phải là đầu hàng trước áp lực của Mỹ. Việc này diễn ra vào thời điểm trùng hợp hết sức ngẫu nhiên, đây chỉ là những sắp xếp hoạt động. Tất nhiên, hành động này, theo tôi nghĩ, ảnh hưởng của nó sẽ giúp làm dịu tình hình hiện nay rất nhiều.”
Ông Lin nói rằng có phần chắc sẽ có thêm giàn khoan của Trung Quốc đươc đưa trở lại trong tương lai vì đây là khu vực có dầu và khí.
Vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan hồi tháng 5 cũng là vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, việc này đã gây ra căng thẳng trong hơn 2 tháng qua, trong đó có đã xảy ra các vụ đâm tàu, cùng với các vụ bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.