Trong lúc quốc hội Mỹ xúc tiến công tác lập pháp để gia tăng các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tuần trước, các chuyên gia cho rằng cần gây thêm sức ép kinh tế thật mạnh mẽ để Bình Nhưỡng quay lại với cuộc đàm phán nhằm tháo dỡ chương trình hạt nhân để đổi lấy những lợi ích kinh tế và chính trị. Thông tín viên Ham Jiha của đài VOA gửi về bài tường thuật.
Tuy đã có những sự lên án trên khắp thế giới đối với vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên, việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân rõ ràng là một việc vô cùng khó khăn.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý với nhau rằng Bình Nhưỡng đang có tiến bộ đều đặn trong chương trình vũ khí hạt nhân của họ, mặc dù Washington và Seoul tỏ ý hoài nghi đối với tuyên bố của Bắc Triều Tiên là họ đã thử nghiệm thành công một quả bom hydro.
Ông William Perry, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đang tìm cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.
"Mục đích của vụ thử nghiệm này, theo phán đoán của tôi, là thử xem những vũ khí hạt nhân mà họ có có thể được làm cho nhỏ hơn và gọn hơn để có thể gắn vào phi đạn hay không," ông Perry cảnh báo như vậy tại một cuộc hội thảo ở Washington hồi đầu tuần này.
Đe dọa hạt nhân mỗi ngày một tăng
Bình Nhưỡng đang bị cộng đồng quốc tế chế tài vì những hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt 4 đợt chế tài nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển và thủ đắc vũ khí giết người hàng loạt kể từ khi quốc gia Cộng Sản này tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào năm 2006. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng những biện pháp trừng phạt đó không mang lại kết quả mong muốn vì sự chấp hành lỏng lẻo.
Ông David Asher là người dẫn đầu những nỗ lực của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Bush nhằm ngăn chận các hoạt động bị cấm của Bắc Triều Tiên. Ông cho rằng Washington cần phải gia tăng áp lực tài chánh đối với Bình Nhưỡng.
"Tôi nghĩ rằng vào lúc này việc bao vây tài chánh với mức độ cao hơn và một chiến lược gây sức ép lên Bình Nhưỡng là cần thiết hơn lúc nào hết," ông Asher nói.
Ông cũng cho rằng Hoa Kỳ và các nước khác phải trừng phạt những định chế tài chánh nước ngoài và những công ty mậu dịch nước ngoài làm bình phong cho Bắc Triều Tiên, trong đó có nhiều công ty ở Trung Quốc.
Cần gây sức ép tài chánh
Ông William Newcomb là cựu giới chức Bộ Tài chánh Mỹ từng làm thành viên của một uỷ ban của Hội đồng Bảo an chuyên giám sát việc chế tài Bắc Triều Tiên. Ông cho rằng Washington có thể tiếp tục nỗ lực trước đây là nhắm vào những tổ chức tài chánh làm ăn với Bình Nhưỡng, như những sự trừng phạt nhắm vào Ngân hàng Banco Delta Asia ở Macao.
Hồi tháng 9 năm 2015, Bộ Tài chánh Mỹ xác định ngân hàng này là “một tổ chức rửa tiền chủ yếu” vì đã trợ giúp cho những hoạt động phi pháp của Bắc Triều Tiên như rửa tiền và in tiền giả. Sự xác định đó đã dẫn tới chỗ phong toả khoảng 50 tài khoản của Bắc Triều Tiên ở Macao trị giá 24 triệu đô la và hạn chế sự tiếp cận của Bình Nhưỡng đối với các tổ chức tài chánh nước ngoài.
Ông Newcomb cho rằng một hành động tương tự vẫn có thể có hiệu quả, tuy việc phát giác những hoạt động phi pháp của Bắc Triều Tiên bây giờ đã trở nên khó khăn hơn vì Bình Nhưỡng đã tìm kiếm những cách thức khác sau vụ trừng phạt Ngân hàng Banco Delta Asia.
Sự tham gia của Bắc Kinh
Trong một bài bình luận đăng trên tờ New York Times hồi tuần trước, ông Robert Gallucci, người từng dẫn đầu phái đoàn Mỹ để thương lượng một thoả thuận hạt nhân với Bắc Triều Tiên năm 1994, và ông Victor Cha, giáo sư Đại học Georgetown từng tham gia cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên dưới tời cựu Tổng thống Bush, cho rằng Washington nên thúc giục Bắc Kinh giảm bớt sự hỗ trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng.
"Trung Quốc có thể chỉ thị cho các công ty Trung Quốc giảm thiểu những vụ mua bán với Bắc Triều Tiên, và chính phủ có thể bác bỏ những đề nghị của Bắc Triều Tiên về những dự án kinh tế mới cho tới khi nào họ quay lại bàn đàm phán," hai chuyên gia này nói.
Họ cũng hối thúc Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc gia tăng ngay những biện pháp chế tài.
Ông Yun Sun, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson ở Washington, nói rằng Bắc Kinh có phần chắc sẽ tham gia nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để áp đặt những biện pháp chế tài mới, nhưng sự tham gia đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẵn sàng ngưng hẳn sự hỗ trợ cho Bình Nhưỡng. Ông cho rằng vụ thử nghiệm mới nhất của Bắc Triều Tiên có lẽ không làm thay đổi chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.
"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tán thành việc áp đặt thêm các biện pháp chế tài quốc tế, nhưng tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đồng ý đụng tới sự hậu thuẫn cơ bản mà Trung Quốc đang dành cho Bình Nhưỡng," ông Sun nói.
Hôm 6 tháng 1, Washington hứa “tiếp tục chấp hành nghiêm nhặt” các biện pháp chế tài hiện có. Một ngày trước đó, Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật để cho phép tổng thống trừng phạt những cá nhân và tổ chức có những vụ giao dịch với Bình Nhưỡng liên quan tới vũ khí giết người hàng loạt, các loại xa xỉ phẩm, và những hoạt động phi pháp. Thượng viện Mỹ cũng đang xem xét một dự luật tương tự.