Một chuyên gia tư vấn hàng không Mỹ nêu nhận định với VOA rằng thị trường hàng không rất khó thâm nhập cho những tên tuổi mới và việc này đối với tập đoàn Máy bay Thương Mại Trung Quốc (Comac) thì càng khó hơn.
Ông Bob Mann, chủ tịch công ty tư vấn hàng không R.W. Mann & Company có trụ sở Mỹ, cho VOA biết rằng Comac sẽ gặp phải các thách thức trong việc thâm nhập thị trường giữa lúc tập đoàn này vừa ra mắt và bay trình diễn hai mẫu máy bay mới tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Hai máy bay C919 và ARJ21 của Comac vừa rời sân bay Tân Sơn Nhất và đến Vientiane, Lào hôm 3/3 để tiếp tục trình diễn tại các quốc gia Đông Nam Á, theo trang Saigon Aviation.
Sau khi triển lãm tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh từ ngày 26-29/2, hai chiếc máy bay của Comac đã bay trải nghiệm đến Đà nẵng, thành phố Hố Chí Minh và Côn Đảo.
“Comac, cũng như các nhà sản xuất mới, sẽ gặp phải nhiều khó khăn để thâm nhập vào thị trường máy bay vận tải toàn cầu vì lý do thiếu thành tích về độ tin cậy của đội bay và sự hạn chế trong dịch vụ hỗ trợ sản phẩm”, ông Bob Mann, chủ tịch công ty tư vấn hàng không R.W. Mann & Company, nêu nhận với VOA qua email.
Chuyên gia hàng không Mỹ nêu điển hình hai công ty tầm cỡ Nhật và Nga đã từ bỏ các dự án máy bay thương mại trước đây. “Hãy nhìn vào những khó khăn của công ty Mitsubishi với chương trình MRJ/SpaceJet mà họ đã xóa bỏ sau hơn mười năm ra mắt”, ông Mann nêu ý kiến. “Tương tự như vậy, những khó khăn trong quá trình hoạt động và sự hỗ trợ của chương trình Sukhoi Superjet 100, bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu hiện tại”.
Ông Mann cho rằng thậm chí ngay cả các hãng Airbus, Boeing và Embraer cũng gặp phải những khó khăn này.
Máy bay C919 của Trung Quốc ra mắt quốc tế tại Triển lãm hàng không Singapore vào cuối tháng 2, thu hút đông đảo du khách và hàng trăm đơn đặt hàng, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể cạnh tranh với các máy bay dẫn đầu thị trường Boeing và Airbus, theo AP.
Tập đoàn Comac đến nay đã nhận được hơn 1.000 đơn đặt hàng cho dòng máy bay C919, chủ yếu từ các hãng hàng không Trung Quốc. Việc thiếu chứng nhận quốc tế khiến máy bay này không thể hoạt động thương mại ở hầu hết các quốc gia mà chưa công nhận chứng nhận của cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc.
Người Việt bay trải nghiệm
Hôm 2/3, Comac và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chuyến bay trải nghiệm tuyến TP.HCM - Đà Nẵng cho hành khách Việt Nam, tổng cộng 50 người, trên máy bay phản lực hai động cơ ARJ21, theo truyền thông trong nước.
Bà Đỗ Hương Lan, viết trên Facebook sau khi trải nghiệm máy bay “made in China”, máy bay ARJ21 tuyến TP.HCM - Đà Nẵng: “Cảm nhận cá nhân thấy máy bay nhỏ nhưng rất êm, chỗ ngồi rộng rãi và thoải mái”.
Trang Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Hà Tuấn Minh, giám đốc Công ty Winner - doanh nghiệp lữ hành chuyên đón các đoàn du khách từ Trung Quốc, Đài Loan sang Phú Quốc, nhận xét máy bay ARJ21 “vận hành êm ái, không ồn”.
“Trước mắt, tôi thấy người Trung Quốc đón nhận máy bay này khá tốt. Trong tương lai, nếu máy bay Comac được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, có thể tôi sẽ cân nhắc thuê máy bay của họ để đưa khách ra Phú Quốc du lịch”, ông Minh nói.
Trước đó, hôm 29/2, Comac trình diễn chuyến bay chặng TP.HCM – Côn Đảo – TP.HCM chở 60 hành khách trên máy bay thương mại ARJ21, theo trang web Cục cảng Hàng không Việt Nam.
“Các máy bay này thực chất chỉ có vỏ là do Trung Quốc chế tạo, còn lại động cơ và các thiết bị đều của các công ty của Mỹ và các nước tư bản khác”, ông Phan Bùi Hùy, một người làm việc trong ngành hàng không, viết trên Facebook hôm 3/3.
Truyền thông trong nước cho rằng với giá bán chỉ bằng 3/4 so với mẫu tương đương của hãng Airbus hay Boeing, hãng Comac tham vọng có thể nhận được đơn đặt hàng C919 của các hãng hàng không Việt Nam và Đông Nam Á. Hãng cũng dự định sẽ dùng máy bay này để khai thác các tuyến du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam.