Một tờ báo Việt Nam mới đây lại cảnh báo rằng cơ quan Bảo hiểm Xã hội có nguy cơ mất 800 tỉ đồng đã cho vay. Một chuyên gia cho rằng người dân không nên quá lo lắng về tác động của việc mất số tiền này đến sự tồn tại của quỹ BHXH.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh hôm 2/4 đăng tin cho hay Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hiện chưa đòi được số tiền hơn 769 tỉ đồng, chưa kể lãi phát sinh, mà họ đã cho công ty ALCII vay cách đây 10 năm.
ALCII có tên đầy đủ là Công ty Cho thuê tài chính II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Năm 2008 và 2009, BHXH Việt Nam ký nhiều hợp đồng với ALCII, cho công ty này vay tổng số tiền là 1.010 tỉ đồng để hưởng lãi, theo tờ báo ở TP. HCM.
Báo cho hay đến giữa năm 2009, ALCII bắt đầu không thanh toán lãi hằng tháng và gốc khi đến hạn. Sau đó, công ty này bị công an điều tra về nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý tài chính. Cuối năm 2016, tòa án ở TP.HCM ra một quyết định về mở thủ tục phá sản đối với ALCII.
Chính phủ cần phải có biện pháp khi thấy những chuyện đó xảy ra. Chính phủ cần phải yêu cầu và định hướng các quỹ bảo hiểm đó đầu tư vào những loại hình đầu tư ít rủi ro.Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu
Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã cố gắng thu hồi được 240,7 tỉ đồng tiền gốc, phần còn lại - gần 770 tỷ đồng - ALCII vẫn còn nợ BHXH Việt Nam, theo báo Pháp luật.
Thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội và dẫn đến nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về sự thất thoát tiền đóng góp của người lao động vào quỹ BHXH, cũng như nguy cơ vỡ quỹ do tác động của việc quỹ mất tiền đã cho vay.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính gốc Việt Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng người dân không nên hoảng hốt:
“Nếu mà công ty không trả được nợ cũng là một cái thất thoát. Nhưng mà thất thoát này có lẽ không đáng kể để có thể tác động nhiều đến dự trữ của họ cũng như đến khả năng bồi thường bảo hiểm của quỹ bảo hiểm quốc gia. Thành ra tôi nghĩ là có lẽ chúng ta an tâm”.
Với hàng chục năm kinh nghiệm làm việc cả ở Mỹ và Việt Nam, tiến sĩ Hiếu cho rằng việc các quỹ bảo hiểm đem tiền thu được của người đóng góp đi đầu tư hoặc cho vay nhằm sinh lời là điều bình thường ở bất cứ quốc gia nào. Các hoạt động như vậy không thể tránh khỏi một mức độ rủi ro nhất định, ông Hiếu nói.
Theo một báo cáo trước quốc hội Việt Nam hồi giữa năm 2017 được báo chí trích đăng, các quỹ BHXH có số kết dư hơn 540 nghìn tỉ đồng vào năm 2016. Đến cuối năm đó, tổng dư nợ đầu tư là hơn 500 nghìn tỉ đồng, với số tiền sinh lời là khoảng gần 34,5 nghìn tỉ đồng.
Mặc dù số tiền 800 tỉ có nguy cơ mất mát trong vụ BHXH cho ALCII vay chỉ bằng chưa đến 1 phần 40 số tiền lời, song do tầm quan trọng của quỹ, nên chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến rằng nhà nước cần bám sát hoạt động của quỹ:
“Chính phủ cần phải có biện pháp khi thấy những chuyện đó xảy ra. Chính phủ cần phải yêu cầu và định hướng các quỹ bảo hiểm đó đầu tư vào những loại hình đầu tư ít rủi ro. Bởi vì tiền đóng bảo hiểm của người dân và các thành phần kinh tế là số tiền rất quan trọng để bồi thường cũng như để tài trợ những mục đích xã hội”.
Về nguy cơ vỡ quỹ, ông Hiếu nói bất cứ quỹ bảo hiểm nào, dù là bảo hiểm xã hội hay quỹ tư nhân, nếu có mất cân đối quá lớn giữa thu và chi, ví dụ như số người nộp phí bảo hiểm ít trong khi số người hưởng lại nhiều hơn, rủi ro vỡ quỹ là rất cao.
Báo chí Việt Nam cho hay trong những năm qua BHXH đã ban hành nhiều chính sách tăng thu vì sợ “vỡ quỹ” BHXH.
Tổ chức Lao động Quốc tế đã cảnh báo rằng nếu vẫn áp dụng các chính sách đã có trước năm 2016, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 sẽ rơi vào tình trạng thu không đủ chi trong năm.
Khi đó, để đảm bảo khả năng chi trả, nguồn kết dư của quỹ phải được sử dụng. Tiếp đến, nếu tình hình không có gì cải thiện, đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.
Để tránh điều đó xảy ra, BHXH mấy năm nay đề xuất giải pháp là tăng dần mốc tuổi nghỉ hưu của người lao động.