Bộ Tài chính Việt Nam sắp trình đề xuất tăng một số loại thuế lên Thủ tướng, rồi sau đó đề xuất sẽ được trình lên quốc hội trong năm 2018, theo báo chí Việt Nam.
Trong số những báo lớn, một bài trên tờ Tiền Phong gọi nhiều sửa đổi về thuế là tăng “theo hướng tận thu”, trong khi tờ Lao Động có bài bình luận đưa ra lời kêu gọi nhà nước “hãy khoan thư sức dân”.
Tin trên truyền thông trong nước trong ngày đầu năm 2018 cho hay Dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế do Bộ Tài chính soạn đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Tiếp đến, Thủ tướng Việt Nam sẽ xem xét dự thảo và trình Quốc hội trong năm nay.
Trong số các đề xuất, nhận được nhiều chú ý là dự kiến tăng dần dần thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% trong năm 2018 và 2019, do thuế này có tác động trên diện rộng và đến hầu hết mọi người.
Bên cạnh đó, dư luận và các chuyên gia cũng rất quan tâm đến các đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào nước ngọt, đánh thuế thu nhập vào tiền lãi từ gửi tiết kiệm, việc phân chia lại khung thuế thu nhập, hay tăng khung thuế môi trường với xăng dầu.
Đó là những hạng mục gây nhiều tranh cãi dù mới chỉ ở dạng dự thảo, theo báo chí Việt Nam. Báo Tiền Phong nói “nhiều chuyện gia không đồng tình” với các đề xuất đó, song Bộ Tài chính vẫn nêu ra.
... tôi chưa được thuyết phục khi Bộ Tài chính đưa ra những lý do như phải tăng cường ngân sách, hay phải phù hợp với thuế xuất của nhiều quốc gia chung quanh. Bộ Tài chính nói tại một vài quốc gia Âu châu, thuế giá trị gia tăng lên đến 20%, 30%, trong khi ở Việt Nam mới có 10% thôi, hãy còn thấp. Tôi nghĩ rằng những giải trình như thế không thỏa đáng.Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Tờ báo nói Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và người dân để soạn ra dự thảo hiện nay, với những giải trình thêm về một số mục. Nhưng báo Tiền Phong dẫn lời thành viên tổ thẩm định cho rằng Bộ Tài chính “chưa đưa ra đầy đủ” các đánh giá tác động về sửa đổi các sắc thuế với ngân sách và xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, người dự họp nhiều cơ quan nhà nước Việt Nam để góp ý về chính sách, nói với VOA ông thấy “không hài lòng về việc cứ đòi tăng thuế”. Chuyên gia tài chính này chỉ ra rằng dự thảo có nhiều điểm khó được sự đồng tình từ xã hội:
“Trong một buổi họp với Bộ Tài chính, chính tôi cũng nêu ra là tôi chưa được thuyết phục khi Bộ Tài chính đưa ra những lý do như phải tăng cường ngân sách, hay phải phù hợp với thuế xuất của nhiều quốc gia chung quanh. Bộ Tài chính nói tại một vài quốc gia Âu châu, thuế giá trị gia tăng lên đến 20%, 30%, trong khi ở Việt Nam mới có 10% thôi, hãy còn thấp. Tôi nghĩ rằng những giải trình như thế không thỏa đáng”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, với 30 năm kinh nghiệm ở Mỹ và 8 năm ở Việt Nam, đề nghị rằng Bộ Tài chính cần đưa ra giải trình cụ thể và thích đáng hơn về việc tăng thuế sẽ đóng góp thêm cho ngân sách bao nhiêu, và ngược lại chính phủ sẽ giảm chi phí bằng cách nào, các hoạt động chống tham nhũng, rà soát đầu tư công có mối liên quan và tác động ra sao.
Quan điểm này của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu trùng với một ý kiến trong bài bình luận của báo Lao Động. Tờ báo nói rằng việc điều chỉnh thuế thông qua sửa đổi luật có “ảnh hưởng gần như toàn bộ nền kinh tế”, nhưng một số việc cần thiết tối thiểu như “đánh giá tác động” của việc tăng thuế với thu ngân sách, hay những tác động đến sản xuất, tiêu dùng, đến sức khỏe nền kinh tế nói chung “vẫn chưa được đưa ra đầy đủ”.
... không phải là mỗi lần chính phủ cần thêm tiền mà Bộ Tài chính lại đè người dân ra mà thu thuế. Nhưng mà chính phủ cần phải có biện pháp khác nữa, trong đó có giảm các chi phí thường xuyên, phải giảm cả chi phí đầu tư, trong đó có những đầu tư lãng phí. Và một mặt khác, những cái tham nhũng nếu bây giờ bài trừ nó, tiêu diệt nó thì nó sẽ có thể giảm chi phí cho chính phủ bao nhiêu?Tiễn sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam đang ở trong một tình huống khó xoay sở khi đất nước đang tăng trưởng ở mức khá nhanh, với GDP tăng hơn 6,8% năm 2017, và cũng đồng thời cần nhiều chi phí để chính phủ hoạt động và đầu tư.
Để đáp ứng các chi phí này, phương án dễ được tính đến nhất là tăng thuế, tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng chính phủ cần phải cân bằng với một số biện pháp khác:
“Chúng ta cũng hiểu quan điểm của người dân là họ cảm thấy gánh nặng thuế càng ngày càng nhiều. Cái bài toán của chính phủ Việt Nam không phải chỉ là tăng thuế. Không phải là bội chi ngân sách, không phải là mỗi lần chính phủ cần thêm tiền mà Bộ Tài chính lại đè người dân ra mà thu thuế. Nhưng mà chính phủ cần phải có biện pháp khác nữa, trong đó có giảm các chi phí thường xuyên, phải giảm cả chi phí đầu tư, trong đó có những đầu tư lãng phí. Và một mặt khác, những cái tham nhũng nếu bây giờ bài trừ nó, tiêu diệt nó thì nó sẽ có thể giảm chi phí cho chính phủ bao nhiêu?”
Một báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố nói về chi tiêu công của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy bội chi ngân sách bình quân là 5,6% GDP/năm. Điều này đem lại hệ quả là nợ công tăng mạnh từ 51,7% GDP năm 2010 lên 61% GDP năm 2015, tương đương gần 118 tỉ đôla.
Báo chí Việt Nam ngày 3/1 cho hay đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính nhận được “sự đồng tình” của Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư “lo ngại” rằng chính sách thuế như vậy “chưa tính đến” việc phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp.
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời Bộ KH và ĐT nói: “Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng thuế suất thuế VAT lên 12% sẽ gây tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP giảm 0,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,28%”. Từ các con số trên, Bộ KH và Đầu tư “đề nghị” rằng Bộ Tài chính “cân nhắc việc đề xuất điều chỉnh thuế VAT trong giai đoạn hiện nay”.
Báo chí trong những ngày này cũng trích lời các chuyên gia bày tỏ quan điểm hoặc kêu gọi nhà nước cần “khoan sức dân”, xem đó như là “thượng sách” để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển và phồn thịnh một cách “vững mạnh và bền chắc nhất”.
Your browser doesn’t support HTML5