Chương trình không gian Ấn Độ đạt dấu mốc quan trọng

Sao Hỏa, hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời.

Kế hoạch của Ấn Độ nhằm phóng một phi thuyền lên Sao Hỏa trong năm nay đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong chương trình không gian của nước này. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Parischa của đài VOA tường thuật rằng phi vụ này là một nỗ lực của Ấn Độ nhằm đuổi kịp các nước khác trong cuộc chạy đua thám hiểm không gian và gia nhập câu lạc bộ các cường quốc không gian.

Phi thuyền không người lái của Ấn Độ sẽ được phóng đi vào tháng 11, khi Sao Hỏa gần với Trái đất nhất. Phi thuyền này sẽ bay trong 9 tháng để tới quỹ đạo Hỏa Tinh.

Một viên chức của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, ông Deviprasad Karnik, cho biết phi thuyền Mars Orbiter sẽ được trang bị máy dò khí methan và sẽ tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống trong quá khứ.

Ông Karnik nói: "Sự hiện diện của khí methan trên bề mặt Hỏa Tinh sẽ mang lại cho chúng ta một chỉ dấu là sự sống có thể đã hiện diện từ nguồn sinh học hoặc động vật học."

Chương trình thăm dò Sao Hỏa được thực hiện 5 năm sau khi Ấn Độ phóng một phi thuyền không người lái lên mặt trăng và tìm thấy bằng chứng của nước trên bề mặt nguyệt cầu lần đầu tiên. Sự kiện này được nhiều người tán dương là một khám phá khoa học quan trọng.

Giờ đây Ấn Độ chuẩn bị gia nhập câu lạc bộ các nước đã phóng phi thuyền thám hiểm Sao Hỏa, trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.

Ông James Oberg, một nhà tư vấn không gian ở Houston, cho biết chương trình thám hiểm Sao Hỏa của Ấn Độ có thể sẽ có những đóng góp quan trọng.

Ông Oberg nói: "Bây giờ chính là lúc để cho nhiều nước làm nhiều việc khác nhau cho nhiều mục tiêu rộng lớn hơn so với thời kỳ chạy đua lên mặt trăng. Đây không phải chỉ là tham gia một cuộc chơi hay phô trương khả năng tại các cuộc tranh tài Olympic. Việc này thật sự có những đóng góp cho thế giới. Chúng ta đã thấy kỹ thuật mà Ấn Độ ứng dụng trong chương trình không gian, những kỹ thuật rất quan trọng. Và theo tôi, những mục tiêu mà chương trình này nhắm tới có tính chất thực tế rất cao và rất quan trọng cho Ấn Độ cũng như cho phần còn lại của thế giới."

Phi vụ Sao Hỏa đánh dấu một sự chuyển đổi quan trọng trong chương trình không gian của Ấn Độ. Trong hơn 40 năm qua, chương trình này tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của người dân qua việc phóng lên không gian các vệ tinh viễn thông và vệ tinh quan sát trái đất. Nhưng Ấn Độ đã quyết định nhắm tới những mục tiêu cao hơn và đang tiến vào lãnh vực thám hiểm không gian sau khi các nhà khoa học của họ phát triển kỹ thuật hỏa tiễn.

Nhiều người xem đây là một phần của những nỗ lực của Ấn Độ để chứng tỏ là một trong những nước hàng đầu thế giới và không bị những nước khác như Trung Quốc bỏ lại đàng sau trong cuộc chạy đua thám hiểm không gian.

Ông Ajey Lele, một chuyên gia không gian của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Dehli, cho biết mục tiêu của phi vụ Sao Hỏa của Ấn Độ khá khiêm tốn và có mục đích trắc nghiệm khả năng thám hiểm không gian của nước ông.

Ông Ajey nói: "Phi thuyền này có lượng tải rất nhỏ. Mục đích của Ấn Độ khi thực hiện phi vụ này không phải là tiến hành một cuộc đánh giá quan trọng về Sao Hỏa vào thời điểm này. Mục đích nhắm tới là học hỏi về cách tiến tới khu vực gần Sao Hỏa. Vì vậy trên cơ bản thì đây là một phi vụ có tính chất thử nghiệm, để rồi sau đó chúng tôi có thể tính tới việc phóng đi những phi thuyền có lượng tải lớn hơn."

Kinh phí 80 triệu đô la của phi vụ Sao Hỏa đã gây bất bình cho những người chỉ trích. Họ nói rằng đất nước có hàng trăm triệu người nghèo này nên tiêu tiền cho những vấn đề cấp bách hơn như suy dinh dưỡng và mù chữ.

Những người bênh vực cho phi vụ này nói rằng chương trình không gian của Ấn Độ được thực hiện với ngân sách ít ỏi và được nhiều người thừa nhận là không phung phí. Các nhà phân tích nói rằng kinh phí 80 triệu của phi vụ Sao Hỏa chỉ bằng giá của một chiếc máy bay Boeing và hoàn toàn nằm trong khả năng tài chánh của nền kinh tế đang trỗi dậy này.

Vấn đề phí tổn có phần chắc sẽ không làm cho Ấn Độ ngần ngại trong việc theo đuổi các tham vọng không gian. Họ đã đặt ra những mục tiêu cao hơn và hy vọng sẽ phóng một phi thuyền có người lái vào không gian trước năm 2020.