Chúng ta cần biết: vì sao anh hùng ngã ngựa?

Hồ Xuân Mãn (ảnh: Danlambao)

Hồ Xuân Mãn (ảnh: Danlambao)

Cuối tháng 10/2014 vài tờ báo lề phải như Người Lao Động đăng tin Chủ tịch nước vừa ký Quyết định số 2721/QĐ CTN đề ngày 24/10/2014 hủy bỏ Quyết định cũng của Chủ tịch nước cách đây hơn 4 năm, phong Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Hồ Xuân Mãn do những thành tích nổi bật trong chiến tranh trên chiến trường Thừa Thiên - Huế.

Ông Hồ Xuân Mãn là ai? Vì sao ông Mãn được phong Anh hùng? Vì sao Quyết định phong Anh hùng lại bị hủy bỏ? Vì sao báo chí lề phải không dám đi sâu tìm hiểu, phân tích và rút kinh nghiệm sâu sắc về một vụ lừa bịp cỡ quốc gia nghiêm trọng như thế? Đây là vấn đề người dân nước ta cần biết rõ và cần được giải đáp cho ra lẽ. Đây cũng là một món nợ của Ban Tuyên giáo Trung Ương đảng CS, của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân VN và của Ban Thi đua Trung Ương là những cơ quan then chốt trong quyết định việc phong Anh hùng phải giải thích đầy đủ cho công luận.

Tôi nêu sơ qua vài nét vụ việc này, đọc được trên mạng và báo địa phương (Thừa Thiên – Huế), nghĩ rằng đây là việc làm cần thiết để nâng cao dân trí về quê hương đất nước.

Ông Hồ Xuân Mãn được phong danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân tại Đại hội thi đua yêu nước Thừa thiên - Huế tháng 8 năm 2010, khi đang là Bí thư T-nh ủy Thừa thiên - Huế, theo đúng thủ tục là do Thủ tướng đề nghị và Chủ tịch nước ký quyết định. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng trong 2 khóa IX và X, Bí thư Thành ủy từ năm 2001 đến năm 2011, về hưu sau đó.

Bản đề nghị tuyên dương anh hùng của ông Mãn được gửi lên Bộ Quốc phòng và Ban Thi đua Trung Ương được toàn thể 15 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí thông qua, trong đó có trình bày 17 thành tích nổi bật trong chiến tranh từ khi ông còn là trinh sát viên, chỉ huy du kích xã, rồi bộ đội địa phương huyện Phong Điền, cho đến tham gia chiến dịch cuối cùng tháng 3 năm 1975 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.

Bản tóm tắt thành tích cá nhân thật đặc biệt: “Từ năm 1969 đến năm 1975, ông Mãn đã đánh hơn 100 trận, diệt 150 tên địch, phá hủy một trực thăng Mỹ, phá hủy 37 xe quân sự, 33 lần là Dũng sỹ diệt Mỹ, nhiều lần được là Chiến sỹ thi đua, nhận nhiều Huân chương Kháng chiến, Chiến công, Giải phóng…”.

Sau khi thành tích của ông Mãn được công bố rộng rãi trên báo Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, rồi trên báo Thừa thiên - Huế, nhiều đồng đội cũ ở huyện Phong Điền, ở Huế liền phản ứng, gửi thư cho văn phòng tỉnh ủy chỉ rõ rằng bản tóm tắt thành tích đưa ra công khai của ông Mãn có nhiều phần giả tạo, có một số trận ông Mãn vắng mặt lại nói là có dự và lập công. Tỉnh ủy không trả lời. Những người thắc mắc còn bị đe dọa rất thô bạo, bị chụp mũ là “gây rối, bị phản động giật dây”. Số anh em trung thực đó càng thêm giận dữ, gặp nhau trao đổi ý kiến, trình bày ra Trung Ương, ra Bộ Quốc phòng. Sau 2 năm đấu tranh, đầu năm 2014 Bộ Chính trị mới cử đoàn cán bộ của Ban Kiểm tra Trung Ương vào điều tra. Đoàn Kiểm tra xuống địa phương gặp các nhân chứng còn sống của một số trận đánh, kết luận về từng thành tích một đã được ông Mãn miêu tả khi kể công để đi đến kết luận chung. Đó là xét 17 thành tích đã kể chỉ có 2 trận đánh là có thật, ông Mãn có tham dự, thành tích cá nhân ông Mãn là có thật trong thành tích chung, 7 trận đánh ông Mãn không có mặt, “cướp công” của người khác, 7 trận khác là dựng đứng lên, hoàn toàn tưởng tượng ra, không hề có thực. 33 lần được công nhận là Dũng sỹ diệt Mỹ đều là tự phong, không ai xác nhận. Nhất là chuyện cá nhân ông bằng khẩu súng và lựu đạn phá 1 trực thăng Mỹ cũng là bịa ra.

Ban Kiểm tra Trung Ương gửi báo cáo lên Trung Ương, Bộ Quốc phòng, Ban Thi đua Trung Ương và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị Chủ tịch nước ra quyết định hủy bỏ việc tuyên dương 4 năm trước, từ đó có quyết định ngày 24/10/2014 của ông Trương Tấn Sang, kết thúc cuộc lừa đảo ô nhục trên đỉnh cao quyền lực này.

Vấn đề là lòng tham của con người sao mà có thể kỳ dị đến vậy. Đã vào Ban Chấp hành Trung Ương rồi, leo được lên đến chức Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế rồi, nhà cao cửa rộng, quyền thế lãnh tụ một vùng rồi mà vẫn còn ham hố vô độ, thèm khát cái danh hiệu Anh hùng, kèm theo phụ cấp cho anh hùng mỗi tháng hơn 1 triệu đồng.

Cái niềm tự tin quá mức, nghĩ rằng là lãnh tụ số một thì bảo gì thuộc hạ chả làm theo, cho nên cả 15 ủy viên tỉnh ủy đều sẵn sàng ký không chút do dự vào bản chừng nhận thành tích cá nhân do ông Mãn đưa ra, họ không chút băn khoăn về con số hơn 100 trận đánh, diệt 150 địch, về 33 lần được danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, 37 lần phá hủy xe quân sự, nhất là một mình hạ và phá hủy được trực thăng Mỹ. Tất cả thành tay sai mù quáng của lãnh tụ.

Đây là nối dài tiếp theo của thành tích thiếu niên Lê Văn Tám tự đổ xăng vào người châm lửa đốt thành đuốc sống để chạy vào đốt cháy rụi kho xăng Pháp (do ông Trần Huy Liệu bịa ra), của Bế Văn Đàn lấy thân mình bịt lỗ châu mai cho đồng đội hạ đồn Tây, của Phan Đình Giót lấy thân mình chèn khẩu pháo khỏi lăn xuống vực thẳm…

Một điều kinh hoàng là ông Hồ Xuân Mãn từng được Ban Thi đua Trung Ương tuyên dương là một trong 3 bí thư tỉnh ủy trong cả nước gương mẫu nhất trong phong trào “Học tập và làm theo gương đạo đức của bác Hồ”. Trong khi uy tín ông Hồ bị xuống thấp nhất qua 2 cuốn hồi ký của triết gia Trần Đức Thảo và nhà báo Trần Đĩnh thì vụ Anh hùng vùng cố đô thất thế lao xuống bùn đen càng làm cho phong trào “học theo đạo đức của bác Hồ” thêm mỉa mai, hụt hẫng, biến thành trò cười.

Vẫn chưa hết. Bà con Thừa thiên - Huế biết khá rõ bà Hoàng Thị Cam, vợ ông Mãn, vốn là du kích thất học được đưa vào làm mậu dịch viên, rồi đưa lên làm ban sáng lập trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, nay lại trở thành bà Trưởng Ban Quản trị Lâm trường Mồng 1 thánh 5; em ruột ông Mãn là Hồ Xuân Phán, nguyên chỉ là dân vệ được đưa vào đảng, lên làm bí thư đảng ủy bưu điện, nay đã là giám đốc sở Thông tin Truyền thông tỉnh đầy thế lực. Còn con rể ông Mãn là Phương có tiếng ăn chơi ngang tàng được cơ cấu vào làm giám đốc Sở Giao thông Vận tải, nay đã là giám đốc Sở Kế họach và Đầu tư nhiều triển vọng. Chưa nói đến các ngành khác hầu hết đều là bạn bè thân thuộc phe cánh của “anh hùng trượt ngã” Hồ Xuân Mãn.

Thời thế nào có anh hùng ấy. Thời thế đảng CS trượt dài trong đà suy thoái tự diệt đã sinh ra cái quái thai anh hùng tự phong Hồ Xuân Mãn. Cả một chế độ đầy lừa dối bịp lẫn nhau. Muốn hoàn lương thành một đảng chân chính, vì dân vì nước, đảng CS phải dám mổ xẻ các vụ đại bịp ra trước dư luận, rút ra những bài học cần thiết, dám chịu sự giám sát nghiêm cách của nhân dân, dám tự chấp nhận sự ganh đua của các tổ chức chính trị bình đẳng trong đời sống dân chủ đích thật của cộng đồng dân tộc.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.