Các thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc và những nơi khác trong khu vực tiếp tục trồi sụt bất thường trong ngày thứ Tư, khi lãnh đạo của Quỹ tiền tệ Quốc tế, tức IMF cảnh báo rằng những lo ngại về kinh tế châu Á gây rung động trên toàn cầu.
Chứng khoán Thượng Hải giảm gần 4,5% vào giờ mở cửa, sau đó tăng lại, và kết thúc ở mức giảm 0,2%.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei cũng trồi sụt vào buổi sáng, nhưng khi kết thúc ngày giao dịch chỉ giảm 0,4%. Thị trường Seoul và Sydney giao dịch trên cơ bản bình ổn.
Chứng khoán Châu Á biến động tiếp theo sau một ngày kém lạc quan ở Wall Street, khi các chỉ số chính giảm 3% hôm thứ Ba, trong lúc những lo ngại gia tăng về viễn cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại.
Lãnh đạo IMF, bà Christine Lagarde đang đi thăm Indonesia, hôm thứ Tư nói rằng những biến động trên thì trường tài chánh mới đây cho thấy lo ngại có thể nhanh chóng lan rộng từ khu vực này sang khu vực khác.
Bà Lagarde nói kinh tế châu Á đã vận hành "khá tốt" bất chấp những xáo trộn, nhưng bà cũng cảnh báo rằng thêm biến động nữa có thể xảy ra. "Hiện giờ tình hình đang thay đổi, và chúng ta có cảm nhận về tác động của nỗ lực tái bình ổn của Trung Quốc, và hướng đến một mô hình doanh nghiệp được chỉnh sửa."
Bắc Kinh hồi tháng trước bất ngờ phá giá đồng nguyên của Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng động thái đó nhằm làm cho đồng nhân dân tệ có tính thị trường hơn, nhưng có những lo ngại rằng cách làm đó cho thấy mức độ lo lắng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về viễn cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại.
Trung Quốc, đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian qua, đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, sang mô hình được xây dựng nhiều hơn trên nền tảng tiêu thụ nội địa.
Trong quá trình chuyển đổi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra dấu hiệu rằng họ sẵn lòng chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm hơn là tăng trưởng cao ở mức hàng chục phần trăm với nhiều rủi ro như từng được chứng kiến trong ba thập niên qua.
Bắc Kinh nói họ dự kiến tăng trưởng sẽ ở mức 7% trong năm nay, mặc dù co những lo ngại là liệu Trung Quốc có đạt được mục tiêu đó hay không.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng các giới chức của một nền kinh tế lớn khác trên thế giới, đó là Hoa Kỳ, đang chuẩn bị tăng lãi suất nội trong năm nay hoặc năm tới.
Một số nhà phân tích nói rằng báo cáo công ăn việc làm ở Mỹ phổ biến hôm thứ Sáu có thể là một yếu tố để Cục Dự trữ Liên bang căn cứ để quyết định liệu nền kinh tế có đủ mạnh để tăng lãi suất hay chưa, một cách làm để chống lạm phát.