Hiện chưa thể xác định cụ thể khi nào ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ từ Pháp trở về Việt Nam nhưng mọi chuyện có thể sẽ rõ ràng hơn trong vòng 3 tháng tới, một quan chức Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch Việt Nam nói với báo giới hôm 24/3.
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ của bộ rằng từ tháng 4 đến tháng 6 tới sẽ có kết quả về chuyến hồi hương mang tính lịch sử của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
Như VOA đã đưa tin, hồi giữa tháng 11/2022, Việt Nam loan báo đã đàm phán thành công với nhà đấu giá Millon của Pháp để ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, con dấu truyền đời của các vua Nguyễn thế kỷ 19, được chuyển giao cho Việt Nam. Trước đó, Millon đã có kế hoạch bán đấu giá chiếc ấn tại Paris.
Ấn vàng này được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mạng thứ tư tức năm 1823. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ “vương” (vua). Ấn đúc bằng vàng, nặng xấp xỉ 10,8 kg.
Nói với các phóng viên hôm 24/3 về thông tin là một nhà sưu tập người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", Phó Cục trưởng Trần Đình Thành cho hay rằng cục của ông chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng về thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra, và phải tuân thủ một số cam kết giữa các bên liên quan.
Vẫn ông Thành khẳng định rằng dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có thuộc sở hữu cá nhân, sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa, căn cứ vào một thông tư hồi năm 2012 của Bộ VH-TT-DL quy định về danh mục di vật, cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Những cổ vật thuộc diện đó chỉ có thể đưa ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm để quảng bá văn hóa Việt Nam hoặc nghiên cứu, bảo quản, phục chế do điều kiện công nghệ trong nước chưa đáp ứng được, ông Thành nói.